Theo báo cáo báo cáo triển vọng vĩ mô và chiến lược đầu tư mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết trước bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ ưu tiên cấp hạn mức tín dụng mới cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.
Dựa trên những yếu tố này, VPBank, MB, HDBank và Vietcombank - nhóm 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, theo đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.
Mặt khác, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống được dự báo sẽ chậm lại và đạt 11-12% trong năm 2023, do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, và lãi suất tăng.
Đối với bất động sản, các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động thêm nguồn vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn trầm lắng và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà.
Xuất khẩu, một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam, dự báo cũng sẽ tăng trưởng chậm lại 9-10% trong năm 2023 (từ mức 14% trong năm 2022). Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Đồng thời, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao. Mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, chúng tôi nhận thấy lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì mức cao do mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng.
Ngoài ra, căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý III/2022, các NHTM đều ghi nhận tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).
Áp lực tăng trích lập dự phòng sẽ quay trở lại trong năm 2023-2024
Theo VNDirect, sang năm 2023, bên cạnh vấn đề “căng thẳng thanh khoản” trong hệ thống ngân hàng, một vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến việc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.
Theo đó, các DN Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao (do USD tăng giá và lãi suất tiền đồng tăng cao), và việc này sẽ gây ảnh hưởng xấu lên lợi nhuận và khả năng trả nợ của các DN.
Mặt khác, việc tiếp cận vốn của các DN đang gặp nhiều khó khăn, khi kênh tín dụng của ngân hàng vẫn bị hạn chế trong khi thị trường TPDN gần như đã đóng băng. Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của DN và khả năng trả nợ suy giảm sẽ đe dọa đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.
Nhìn chung, áp lực tăng trích lập dự phòng sẽ quay trở lại và dẫn tới việc chi phí dự phòng có thể tăng trong năm 2023-2024. Nhóm phân tích tin rằng những ngân hàng với chất lượng tài sản ổn định và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao sẽ ở một vị thế tốt để đương đầu với rủi ro đến từ nợ xấu tăng cao.