Tài chính

Ngân hàng 6 tháng cuối năm: Triển vọng lợi nhuận tích cực, nợ xấu và lạm phát là thách thức khó khăn

Nền kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực với GDP quý II/2022 tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua và gián tiếp ảnh hưởng tới ngành ngân hàng, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế.

Dự báo tích cực về lợi nhuận toàn ngành

Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng 2022” của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) mới đây cũng đã nhận định lợi nhuận toàn ngành năm 2022 được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 20-25% so với năm trước. 

Có tới 63,6% số chuyên gia và ngân hàng đượcVietnam Report, khảo sát dự báo tăng trưởng của ngành cao hơn cùng kỳ năm trước, tăng nhẹ so với mức năm ngoái (58,8%).

Khoảng 9,1% số chuyên gia và ngân hàng tỏ ra thận trọng với triển vọng ngành, đáng chú ý, con số này được cho là rất tích cực nếu so sánh với thời điểm đại dịch lan rộng và phủ bóng đen lên hầu khắp các nền kinh tế, khiến cho 76,9% số chuyên gia và ngân hàng lo ngại về suy giảm tăng trưởng (tháng 6/2020).

 Triển vọng ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: Vietnam Report)

Gần đây nhất, kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy các tổ chức tín dụng vẫn khá lạc quan với hoạt động kinh doanh trong quý II và dự kiến kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng tốt hơn nhiều so với quý I.

Trong quý III và cả năm 2022, 72,5 % - 80,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện tích cực với mức độ cải thiện cao hơn so với kỳ trước đó. 

Phụ thuộc nhiều vào việc nới room tín dụng

Tuy vậy, triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào việc cấp room tín dụng thời gian tới. Nhiều chuyên gia dự báo NHNN sẽ thực hiện nới room tín dụng trong quý III/2022. 

Chứng khoán KB đánh giá triển vọng quý III của ngành ngân hàng sẽ khả quan hơn nhờ đợt nâng room tín dụng dự kiến vào trung tuần tháng 7, sẽ giúp thúc đẩy hoạt động cho vay của toàn ngành. Song, nhóm chuyên gia không kỳ vọng mức room mới sẽ tăng quá mạnh do NHNN đang thắt chặt dòng tiền để kiểm soát lạm phát.

Theo ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận nghiên cứu vĩ mô Công ty Chứng khoán MBS cho biết về mặt tổng thể khối ngân hàng đã có kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong quý I vừa rồi. Trong nửa cuối năm nhiều khả năng NHNN sẽ thận trọng hơn trong việc nới room tín dụng cho các ngân hàng. 

"Theo góc nhìn của tôi mức room tín dụng sẽ chỉ được nới thêm trên 14% một chút. Mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm sẽ thấp đi. Một số ngân hàng đã bung tín dụng ra quá nhiều trong 6 tháng đầu năm, do đó trong 6 tháng cuối năm các ngân hàng sẽ phải hạn chế bớt yếu tố này", ông Tuấn cho biết.

Ngoài ra, theo ông, lãi suất huy động đang tăng rất mạnh, mức lãi suất huy động tăng 0,3 đến trên 1% tùy vào kỳ hạn của từng ngân hàng, có ngân hàng có lãi suất huy động trên 7%, cộng thêm việc  các ngân hàng có xu hướng hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng đặc biệt là sau giai đoạn khó khăn của dịch COVID-19. Những yếu tố đó khiến cho biên lợi nhuận của ngân hàng giảm đi. 

Một yếu tố nữa là trong tháng 6 này dư nợ liên quan đến vấn đề hỗ trợ người bệnh COVID-19 đang thanh toán dần. Quá trình đó khiến cho áp lực trích lập dự phòng có xu hướng tăng lên. Một số ngân hàng đã chủ động trích lập trước, vấn đề này mang tính phân hóa. Tuy nhiên dù sao năm nay vẫn là năm có sự suy giảm lợi nhuận nhẹ toàn hệ thống. Một số ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng tốt, một số ngân hàng chững lại.

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Con số này vào cuối quý I là 5,04%, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021 (2,16%). Như vậy có thể thấy, mặc dù tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức cao nhưng tốc độ tăng đang giảm dần trong quý II khi các ngân hàng dè dặt giải ngân hơn.

Các chuyên gia của SSI Research kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 sẽ nhích tăng so với năm trước đạt khoảng 14 - 15%.

Ảnh hưởng từ các chương trình hỗ trợ

Bên cạnh động lực đến từ sự phục hồi của nền kinh tế, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cũng được đánh giá là một trong những động lực hỗ trợ doanh nghiệp và gián tiếp tới hệ thống tài chính là các ngân hàng.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định cácchương trình phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành ngân hàng nhờ thúc đẩy cung cầu tín dụng. Nhiều ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20 - 30% trong năm nay chủ yếu dựa vào mảng bán lẻ, cho vay cá nhân và doanh nghiệp.  

Hiện nay, các ngân hàng đang bắt đầu triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% trong khi nhiều ngân hàng đã gần cạn room tín dụng từ quý II/2022 và đang chờ NHNN cấp thêm hạn mức.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế đặt ra bài toán với NHNN về điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm, vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, vừa không chủ quan với lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Hai thách thức lớn của các ngân hàng năm 2022

Năm 2022, bất ổn trên thế giới đã đẩy lạm phát tăng cao và trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong nước, lạm phát không còn là nguy cơ mà đang hiện hữu. Tình hình tài chính tiền tệ toàn cầu nói chung có nhiều biến động sẽ tác động tới nước ta vì Việt Nam có độ mở nền kinh tế khá lớn.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao thì việc duy trì mặt bằng lãi suất ổn định là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh trước đó NHNN đã ba lần hạ lãi suất điều hành. Áp lực lạm phát có thể sẽ khiến nhiều ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động. BVSC đánh giá mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 (quanh 0,25%-0,5%). 

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã đưa ra dự báo về bức tranh lạm phát ở Việt Nam trong khoảng 4-4,5% trong năm 2022 và chạm ngưỡng 5-5,5% trong năm 2023.

Trao đổi với TTXVN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, chúng ta phải xử lý cùng lúc cả ba hướng là giảm tác động đồng thời của chi phí đẩy; thúc đẩy cung hàng hóa; làm tốt tuyên truyền vận động và tránh tác động tâm lý kỳ vọng.

Bên cạnh đó, lạm phát gia tăng cùng với việc Fed tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ cũng sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Theo VNDirect, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm tăng lãi suất cho vay (bằng đồng USD) từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó, nợ xấu có xu hướng tăng lên và cũng là một trong những thách thức lớn nhất của toàn ngành trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020.

“Do có độ trễ, nợ xấu nội bảng có thể tăng lên mức 2,3 - 2,5%, nợ xấu gộp khoảng 6% trong năm 2022 và có thể ở mức cao hơn khi từ năm 2024, quy định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực (theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN), nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan”, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho biết.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định lợi nhuận của các ngân hàng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi khả năng thu hồi những khoản nợ vay tái cơ cấu.

“Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, qua đó làm giảm lợi nhuận trong năm nay”, chuyên gia của Yuanta nhận định.

 (Ghi chú: Số liệu được tính đến quý I/2022).

Tuy nhiên, theo số liệu dự báo kết quả kinh doanh quý III của NHNN, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng nhận định về cơ bản giữ nguyên hoặc có chiều hướng “giảm nhẹ” trong quý II/2022 và quý III/2022 so với quý liền trước. 

Nhận định về vấn đề này, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS, về tổng thể không phải 100% số nợ đều trở thành nợ xấu, tuy nhiên vẫn sẽ khiến cho trích lập dự phòng của khối ngân hàng trong hai năm tới tăng lên. Tuy nhiên đây là câu chuyện mang tính phân hóa. Những ngân hàng tốt và lành mạnh vân sẽ trích lập dự phòng trước. 

Do triển vọng về nợ xấu gia tăng vào năm 2022 nên từ cuối năm trước, phần lớn các ngân hàng đã tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro để giúp cải thiện chất lượng tài sản cũng như “dự phòng” lợi nhuận cho năm nay. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, 45,5% số ngân hàng dự kiến tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro, 36,4% số ngân hàng duy trì mức trích lập dự phòng rủi ro như năm trước và chỉ có 18,2% giảm trích lập dự phòng rủi ro.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm