Suốt chiều dài hơn hai mươi năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa từng được khẳng định là "Hàn thử biểu" của nền kinh tế. Khó tìm thấy khẳng định thuyết phục trong các đánh giá, đặc biệt từ phía các cơ quan quản lý.
Dù vậy, với từ khóa "thị trường chứng khoán" và "Hàn thử biểu của nền kinh tế", thảng trong quá trình phát triển đó vẫn có những đánh giá, cách gọi, liên hệ, so sánh và mong muốn thị trường chứng khoán tròn vai được vị trí danh dự này.
Còn thời gian vừa qua và hiện nay, sẽ là trớ trêu nếu nói thị trường chứng khoán là "Hàn thử biểu" của nền kinh tế. Gió ngược đang thể hiện trên thị trường chứng khoán Việt.
Lệch pha tăng trưởng kinh tế
Vết thương lớn khó chóng lành. Tháng 4/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu loạt biến cố, khi cơ quan quản lý lần lượt xử lý các sự vụ trên thị trường niêm yết cũng như trên thị trường trái phiếu.
Mức độ suy giảm từ trên 1.500 điểm về quanh 1.160 điểm gây tổn thương lớn. Cái chính là không phải biến động nhất thời. Đà suy giảm và èo uột (so với quy mô trước đó) đã và đang có dấu hiệu kéo dài.
Nếu xem chứng khoán là "Hàn thử biểu" của nền kinh tế, gió ngược đã và đang thể hiện ngày một trớ trêu hơn.
Sau khi kết thúc quý 2, đâu đó một số báo cáo phân tích kỳ vọng thị trường sẽ để lại những đau thương phía sau, hướng tới hàn gắn để có thể phục hồi. Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt kết quả ấn tượng, GDP tăng mạnh nhất thập kỷ qua.
Cũng có băn khoăn về con số thống kê, nhưng yếu tố nền thấp của năm đặc biệt khó khăn 2021 được dẫn chiếu cho sức tăng trưởng. Song không thể phủ nhận đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Hàng loạt tổ chức quốc tế lần lượt nâng dự báo GDP của Việt Nam năm nay. Những dự báo đó không "vuốt đuôi", bởi trước đó loạt các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng đã nâng đánh giá về Việt Nam. Trong nước, tính toán của đầu mối chuyên trách và nhiều ý kiến chuyên gia cũng hướng đến GDP vượt mức 7% năm nay, thậm chí tới 9%...
Gió ngược. Ngay cả tại thời điểm dữ liệu GDP quý 2 được công bố đầy ấn tượng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn lầm lũi giảm; ngay cả khi chứng khoán thế giới phục hồi, Dow Jones liên tiếp tăng mạnh, đại diện chứng Việt với VN-Index vẫn tiếp tục đạp đổ "mô hình hai đáy" mà hẳn nhiều nhà đầu tư từng khấp khởi kỳ vọng khi lần thứ hai "thử thành công" đáy quanh 1.160 điểm vừa qua.
Thế rồi, thêm một đợt sập nối tiếp, có phiên VN-Index sập nặng nhất thế giới. Lúc này, đâu đó lại đang kỳ vọng chỉ số "vá đáy" thành công, hay "mô hình ba đáy"… rồi có thể phục hồi.
Trên sàn, gió ngược cũng thổi bạt ở hàng loạt cổ phiếu. Ngay cả với cổ phiếu ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2 tiếp tục khả quan, giá cũng không né nổi diễn biến xấu chung. Bluechip như GAS có kết quả kinh doanh ấn tượng cũng liên tiếp giảm sàn, mức độ tổn thương lớn…
Sự lệch pha của thị trường chứng khoán với đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, với kết quả kinh doanh tiếp tục đi lên của doanh nghiệp như trên càng khiến nhiều nhà đầu tư ngán ngẩm, hoặc đúc kết chung ở nhận định: một giai đoạn quá khó chơi, hoặc cứ mua vào là dễ bị lỗ ngay.
"Kẻ thù" của chứng khoán nổi lên…
Luôn vậy, mỗi sóng tăng hay giảm luôn thúc đẩy nhu cầu tìm nguyên do. Gió ngược chứng khoán Việt vừa qua và hiện nay cũng vậy.
Vết thương lớn xẩy ra từ tháng 4 đến nay vẫn khó lành, ít nhất ở sự sôi động của các đội nhóm, các "tổ lái"… Một bộ phận dòng tiền rút khỏi thị trường hoặc đi vào "hoạt động bí mật". Tiền yếu đi, thị trường hẫng. Thế rồi cũng rộ lên sự đổ lỗi cho chứng khoán phải sinh…
Còn về vĩ mô, gió ngược với đà tăng trưởng kinh tế nhưng chứng khoán có cơ sở để e ngại với những "kẻ thù" đã và đang nổi lên. Ở đây lại có những điểm so sánh thú vị giữa Việt Nam với thế giới.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đảo chiều lãi suất, liên tiếp tăng, tăng mạnh. Điều đó rõ ràng. Với Việt Nam, càng rõ ràng hơn khi tỷ giá USD/VND liên tiếp tăng mạnh. Lãi suất huy động và dự kiến sau đó là cho vay cũng đã và đang tăng.
Nhưng các lãi suất điều hành của Việt Nam hiện vẫn giữ ở các mức thấp kỷ lục, từ thời điểm đối phó với đại dịch cho đến nay. Không chỉ Việt Nam, các ngân hàng trung ương lớn như Nhật Bản, châu Âu vẫn chưa nhập cuộc "tạo kẻ thù" với chứng khoán ở lãi suất. Tính độc lập và những khác biệt nội tại ở đây được để ý.
Tương tự, lạm phát bùng nổ tại Mỹ, hay tại nhiều quốc gia châu Âu, song ở khu vực châu Á lại vẫn khá "bình thản" đến hoài nghi. Đơn cử như lạm phát của Trung Quốc, của Việt Nam vẫn rất thấp. Một lần nữa có những hoài nghi về một "kẻ thù" của chứng khoán là lạm phát lại dẫy lên. Song, cơ quan chuyên trách vẫn bảo vệ dữ liệu và cách tính toán.
Trên thế giới, có chuyên gia nêu một ý đời thường, rằng: Fed tăng lãi suất quyết liệt nhưng có tạo thêm lúa mì và lương thực, tạo thêm xăng dầu để hạ giá không. Ở đây hàm ý những vấn đề nội tại ở các nền kinh tế, các thị trường khi có đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tại Việt Nam, có chuyên gia từng đặt vấn đề rất cụ thể rằng, sao vẫn có nhiều nhà đầu tư chứng khoán hoảng hốt với "con ngáo ộp" lạm phát bên kia bán cầu. Người tiêu dùng Việt không sang Mỹ uống cà phê, cắt tóc thường ngày đâu mà quá lo sợ như vậy? Chúng ta thậm chí còn xuất nhiều hàng hóa bán sang đó chứ không tiêu dùng?
Về chuyên môn, một lần nữa đại diện Tổng cục Thống kê lại đưa ra những lý giải vì sao Việt Nam cũng như nhiều quốc gia châu Á vẫn nằm ngoài cơn bão lạm phát. Đại ý, cơ cấu tính CPI với trọng số có tính chủ động cao, sức bình ổn tốt ở nhóm hàng lương thực, thực phẩm; việc thích ứng với đại dịch nhiều nước còn chậm hơn, chỉ thực sự bình thường hơn từ tháng 4 và 5 năm nên mức độ "nhiễm" lạm phát khác biệt hơn.
Hay đơn giản như người Việt chủ yếu ăn gạo chứ không phải lúa mì như Mỹ hay châu Âu để phải gồng mình với giá loại lương thực chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi xung đột Nga – Ukraine này… Không những thế, Việt Nam còn xuất khẩu gạo, lương thực, nông sản ra thế giới khi vấn đề an ninh lương thực nổi lên…
Lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát thấp. Thậm chí một số chuyên gia còn tính toán áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào đã ở vùng đỉnh, đã được hấp thụ và phản ánh; thực tế đã có thoái trào ở giá vật liệu xây dựng thời gian qua... Dù có những cảnh báo áp lực lớn nửa cuối 2022 nhưng triển vọng vẫn trong tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Trong khi đó, kinh nghiệm và năng lực quản lý điều hành của Việt Nam hiện đã khác với giai đoạn lạm phát leo thang hơn chục năm trước. Ngay giai đoạn này, hàng loạt chính sách giảm thuế, phí, các gói hỗ trợ, hay ứng xử với giá các mặt hàng trọng điểm trong điều hành cũng là khác biệt so với giai đoạn trước.
Triển vọng lạm phát được kiểm soát, lãi suất sẽ bớt căng. Ngân hàng Nhà nước cũng đang "rắn" hơn trong kiểm soát đầu ra, hạn chế sự bung nổ như giai đoạn trước mà dồn đẩy cạnh tranh nguồn đầu vào mà cạnh tranh chính thường thấy là nâng lãi suất.
Gió ngược đến bao giờ?
Có lẽ đó là câu hỏi được quan tâm nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Vốn dĩ các công ty chứng khoán, các chuyên gia, các tổ chức đầu tư vẫn luôn đưa ra các dự báo điểm đến của VN-Index cho từng giai đoạn. Song, gió ngược trên sàn hiện nay bao giờ kết thúc, trở lại đồng pha với tăng trưởng kinh tế vẫn là câu hỏi thách thức.
Trong khi đó, tuần qua thị trường tiếp tục chứng kiến đáy mới của quy mô giao dịch so với giai đoạn bùng nổ hai năm trước. Câu hỏi cụ thể hơn là tiền đã đi đâu.
Như trên, sau cú sốc chấn chỉnh từ tháng 4, một bộ phận dòng tiền đã tạm rút hoặc trú ẩn; kinh tế phục hồi mạnh cũng thu hút tiền đi vào sản xuất kinh doanh hơn là đánh quả ngắn hạn trên sàn chứng khoán. Lực lượng nhà đầu tư "F0" vẫn không ngừng gia tăng mạnh mẽ, nhưng lượng thua lỗ hoặc đang tạm lỗ trên sàn hẳn cũng lớn sau giai đoạn thảm khốc vừa qua. Trong đó, với những trạng thái "kẹp hàng" và "xa bờ", các hoạt động con thoi đảo lướt, vào - ra ngắn hạn bị hạn chế và không còn tham gia kích thích quy mô giao dịch liên tục như trước.
Đang và sẽ có nhiều khía cạnh, những góc nhìn, những phân tích về giai đoạn gió ngược chứng khoán Việt hiện nay như vậy, những câu hỏi có nhu cầu tìm hướng trả lời. Các ý kiến chuyên gia sẽ được đề cập và thảo luận cụ thể hơn trong những bài viết tới.