ATACMS im bặt giữa lúc 13 lữ đoàn Ukraine lọt bẫy kinh hoàng
Tờ Moskovsky Komsomolets (MK) của Nga tiết lộ, sau cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga – Đại tướng Valery Gerasimov và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Tướng Charles Brown, Ukraine đã không còn sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Nga ngày 9/12 tuyên bố, lực lượng vũ trang Nga vừa đánh bại các đội hình của 13 lữ đoàn Ukraine ở tỉnh Kursk – một trong những khu vực mà Ukraine nã ATACMS tấn công trước đây.
Theo tờ RG (Nga), những gì vừa diễn ra có thể gọi là "thảm khốc" với lực lượng Ukraine khi họ rơi vào "bẫy hỏa ngục" kinh hoàng do quân đội Nga lên kế hoạch. Lực lượng bị tiêu diệt của Ukraine bao gồm xe cơ giới, xe tăng, các đơn vị tấn công đường không, thủy quân lục chiến, cùng các đơn vị an ninh và phòng thủ lãnh thổ.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc điện đàm giữa Tướng Gerasimov và Tướng Brown diễn ra vào ngày 27/11, theo đề nghị của phía Nga. Tuy nhiên, tới sáng 5/12, nội dung cuộc điện đàm mới được ông Jeryl Dorsey – Thư ký báo chí của tướng Brown tiết lộ một phần, và giờ đây được truyền thông Nga hé lộ thêm.
Theo ông Dorsey, tướng Gerasimov và tướng Brown đã thảo luận về cuộc thử nghiệm tên lửa Oreshnik của Nga vào một tổ hợp công nghiệp của Ukraine, các kế hoạch tập trận của Hải quân – Không quân Nga ở phía đông Địa Trung Hải, cũng như các vụ bắn tên lửa có độ chính xác cao khác.
Trong đó, ông Gerasimov đã nói với người đồng cấp Mỹ rằng, cuộc tấn công của Nga bằng tên lửa Oreshnik vào Ukraine đã được tên lửa kế hoạch từ lâu, "trước cả khi nhà trắng cho phép Kiev bắn ATACMS vào lãnh thổ Nga".
Cũng trong cuộc điện đàm, theo ông Brown, hai phía đã thảo luận về quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, ông không tiết lộ nội dung thảo luận chi tiết.
MK cho hay, kể từ sau cuộc điện đàm, không có bất cứ một cuộc tấn công bằng ATACMS nào nhằm vào lãnh thổ Nga.
Lý giải cho động thái lạ này của Ukraine, MK dẫn thông tin từ Đại tá Nga Viktor Baranets, cựu thư ký báo chí của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga giai đoạn 1996-1997 I.N. Rodionov, nói ông Gerasimov được cho là đã cảnh cáo đại diện Mỹ rằng các cuộc tấn công bằng ATACMS của Nga "chắc chắn sẽ bị đáp trả", "việc Nga triển khai tên lửa Oreshnik mới chỉ là cảnh báo đầu tiên".
"Nhà Trắng và Lầu Năm Góc có thể nhận ra rằng, việc để cho Ukraine tiếp tục sử dụng ATACMS có thể gây ra hậu quả leo thang nghiêm trọng. Moscow sẵn sàng đáp trả các cuộc tấn công của Mỹ, không chỉ trong bối cảnh xung đột Ukraine, mà còn nhắm vào các mục tiêu quan trọng ở châu Âu, điều này khiến việc tiếp tục các hoạt động bắn ATACMS trở nên rủi ro đối với liên minh" – Ông Baranets nói.
3 ngày sau cuộc điện đàm giữa tướng Gerasimov và tướng Brown, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov hôm 30/11 tuyên bố, Nga sẽ đưa ra phản ứng tương thích nếu Ukraine tiếp tục sử dụng tên lửa ATACMS.
"Nếu những tên lửa này tiếp tục được sử dụng, chúng tôi sẽ đưa ra phản ứng tương thích cho mỗi lần họ (Ukraine) triển khai chúng" - Ông Peskov nói.
Ông đồng thời nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Putin rằng, việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa phương Tây tấn công lãnh thổ Nga "là một bước đi vô trách nhiệm của Mỹ, cũng như các nước châu Âu", khiến tình hình căng thẳng leo thang.
Nga ra tay quá nhanh
Cùng đề cập việc Ukraine dừng bắn tên lửa ATACMS vào lãnh thổ Nga, đài 1tv (Nga) dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Andrei Kartapolov tiết lộ thêm rằng, lực lượng Nga đã "hành động" ở mọi khu vực mà Ukraine có thể bố trí bệ phóng tên lửa ATACMS.
"Sau 3 lần phóng, mọi thứ đã trở nên yên ắng với ATACMS. Có khả năng cao là chúng (những cơ sở mà Ukraine triển khai ATACMS) đã bị hư hại" – Ông Kartapolov nói, nhắc lại việc lực lượng Nga tấn công tàu chở tên lửa ATACMS và Storm Shadow do Mỹ-Anh cung cấp cho Ukraine gần cảng Chornomorsk, tỉnh Odessa hôm 28/11.
(Nga tấn công vào nơi tập kết hàng chục chuyên gia nước ngoài ở Ukraine hôm 25/11 để trả đũa việc Kiev bắn ATACMS và Storm Shadow vào lãnh thổ Nga. Nguồn: BQP Nga)
Ngoài ra, theo quan chức Nga, các chuyên gia hướng dẫn triển khai tên lửa Mỹ có thể đã bị loại bỏ.
Đơn cử như, hôm 25/11, trong động thái nhằm trả đũa việc Ukraine bắn tên lửa tầm xa phương Tây vào lãnh thổ Nga, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã tấn công tên lửa vào trụ sở của Tổng cục tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine (GUR) ở thành phố Kharkov - nơi tập kết hàng chục chuyên gia nước ngoài.
"Có tới 40 chuyên gia nước ngoài – phần lớn đến từ Mỹ - đã thiệt mạng trong cuộc tấn công" - Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga nêu.
Bên cạnh đó, Washington dường như đã quyết định gửi ít ATACMS hơn cho Ukraine, khiến kho tên lửa của Kiev trở nên eo hẹp.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 7/12 thừa nhận, việc Mỹ chuyển giao ATACMS và cho phép Ukraine dùng loại tên lửa này tấn công lãnh thổ Nga "không phải là giải pháp tối ưu cho Kiev".
"Tôi chỉ muốn nói với bất kỳ ai nghĩ rằng đây là giải pháp cho cuộc chiến này, họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đây không phải là giải pháp, mà là một lựa chọn" – Ông Sullivan nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, lực lượng Ukraine không thể tiến hành các cuộc tấn công bằng ATACMS và Storm Shadow một cách độc lập, điều này chỉ có thể thực hiện được với thông tin tình báo từ vệ tinh của Mỹ và các nước NATO. Bên cạnh đó, chỉ có quân đội của các nước này mới có thể cài nhiệm vụ bay vào hệ thống điều khiển tên lửa.
Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng, sự việc không chỉ đơn thuần là Ukraine tấn công bằng vũ khí tầm xa vào lãnh thổ Nga, mà là việc các nước NATO trực tiếp tham gia vào xung đột với Moscow.