Tài chính

Nga có nguy cơ bị chặn đứng nguồn thu quan trọng: Mỹ sắp áp dụng biện pháp trừng phạt mới nhắm thẳng đến dầu của Moscow, người mua cũng bị "vạ lây"

Chi tiết của các biện pháp trừng phạt mới hiện vẫn đang được thảo luận. Tuy nhiên, các quan chức của chính quyền Biden đang cân nhắc các lệnh hạn chế nhắm vào một một số mặt hàng xuất khẩu dầu của Nga, theo nguồn tin thân cận.

Đây là bước đi mà từ lâu ông Biden đã phản đối vì lo ngại có thể khiến chi phí năng lượng tăng đột ngột, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu đi xuống do nguồn cung tăng cao trên toàn cầu và mối lo ngại về việc ông Trump thể thúc đẩy Ukraine nhanh chóng thoả thuận chấm dứt xung đột với Nga, chính quyền Biden đang đưa ra những động thái quyết liệt hơn.

Các cuộc thảo luận này cho thấy chính quyền Biden sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn khi đối đầu với Nga, đặc biệt là với những nỗ lực trước đây nhằm siết chặt doanh thu từ lĩnh vực năng lượng của Moscow không mấy hiệu quả.

Hiện tại, Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga nhưng các lệnh hạn chế mới với hoạt động xuất khẩu của một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới có thể sẽ còn liên quan đến các bên mua dầu thô nước ngoài. Nguồn tin cho biết, chính quyền Biden cũng đang cân nhắc các lệnh trừng phạt mới nhắm đến đội tàu “ma” chở dầu của Nga.

EU cũng đang lên kế hoạch áp dụng biện pháp tương tự với đội tàu của Nga trước cuối năm nay. Khối này dự kiến sẽ nhắm mục tiêu vào các cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh này.

Có thể, Mỹ sẽ áp đặt hạn chế tương tự như đối với dầu của Iran. Trong trường hợp đó, các bên mua dầu sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ. Động thái này sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì các quốc gia lớn như Ấn Độ và Trung Quốc là những nước nhập khẩu dầu Nga với khối lượng lớn.

Ngoài ra, việc áp đặt lệnh hạn chế như vậy có thể khiến giá dầu tăng lên, gây căng thẳng cho nền kinh tế toàn cầu. Hợp đồng tương lai dầu thô không có nhiều biến động kể từ tháng 10, khi giá dầu Brent dưới 75 USD/thùng. Giá dầu từng ở mức hơn 120 USD vào những tháng đầu kể từ khi mâu thuẫn Nga - Ukraine nổ ra.

Ngay cả những nước là đồng minh của Mỹ cũng gặp rủi ro, khi Mỹ đang muốn giúp các quốc gia này hạn chế xuất khẩu các mặt hàng nhạy cảm như chip và công nghệ cao. Nhìn chung, quyết định này là nhằm mục đích tăng áp lực với Nga trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức trong bối cảnh ông Trump đã thúc đẩy các cuộc đàm phát để chấm dứt chiến sự ở Ukraine.

Cho đến nay, ông Biden chưa áp đặt quá nhiều lệnh hạn chế với dầu Nga vì nỗ lực kiểm soát giá dầu thô mà nước này bán ra, cân bằng nhu cầu để tránh gây xáo trộn cho thị trường. Nhưng giá dầu lại phục hồi kể từ khi G7 áp giá trần với dầu Nga vào đầu tháng 12/2022.

Kế hoạch mới nhất của Mỹ được thảo luận sau khi nước này áp đặt lệnh trừng phạt với Gazprombank, tổ chức tài chính lớn cuối cùng của Nga vốn chưa bị trừng phạt. Chính quyền Biden trước đó chưa áp lệnh trừng phạt với ngân hàng này vì đây là nơi EU thanh toán cho các giao dịch mua khí đốt từ Nga.

Trong bối cảnh đó, Hungary và các nước phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga đã cảnh báo rằng quyết định của Mỹ có thể gây rủi ro cho vấn đề an ninh năng lượng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tìm cách được miễn trừ lệnh trừng phạt.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm