Nhà đầu tư nổi tiếng Mark Cuban từng nói: “Bạn không thể trở thành nhà đầu tư thông minh ngay lập tức. Nếu trúng số, bạn đừng nên đầu tư, hãy gửi tiền vào ngân hàng để có thể sống thoải mái mãi mãi”.
Trong chương trình Tự do tài chính số 40, chia sẻ quan điểm cá nhân về câu nói này, ông Hans Nguyễn - Quản lý cao cấp đào tạo kênh phân phối - Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) cho rằng, bản thân đồng ý 50% với phương pháp này.
Lý giải cho điều đó, ông nói: “Nếu thực sự không có kiến thức đầu tư, đó là chọn lựa rất chính xác. Bỏ tiền vào ngân hàng mà không cần phải làm gì khác, chúng ta vẫn nhận được một mức lãi suất ổn định. Nhưng mọi người thường nghĩ tất cả lĩnh vực đầu tư thường đòi hỏi kiến thức và thời gian, mà quên mất cũng có một vài phương pháp đầu tư khác ít đòi hỏi hơn. Đó có thể là chứng chỉ quỹ, rất phù hợp với những người không có thời gian và kiến thức. Chỉ cần bỏ ra một chút công sức để hiểu về cơ hội này thì hoàn toàn có thể tăng lợi nhuận lên.”
Host Dương Ngọc Trinh đã đưa ra câu hỏi: “Hiện nay, một số chứng chỉ quỹ đang không đạt được hiệu quả, thậm chí chịu lỗ. Vậy làm thế nào để biết đâu là kênh tốt và dài hạn trong tương lai?”
“Khi mà nói về chứng chỉ quỹ, người ta hay đánh đồng với quỹ chứng khoán, quỹ cổ phiếu, trong khi đó cũng có quỹ trái phiếu. Quỹ trái phiếu cũng tương tự như khi chúng ta mua trái phiếu. Bạn cho vay thì tới ngày, tới tháng, bạn nhận tiền lãi và cả gốc về chứ hoàn toàn không lo mất tiền. Điều này tương tự với gửi ngân hàng”, ông Hans Nguyễn chia sẻ thêm.
Nguyễn Thế Anh - một Youtuber nổi tiếng với hơn 100k follower đã có rất nhiều trải nghiệm thăng trầm trong thị trường tài chính, cho biết: “Câu trả lời phụ thuộc vào bạn là ai. Công việc đầu tư tài chính không dành cho tất cả mọi người. Có những nhóm người không thể kiểm soát cảm xúc của mình, lúc nào cũng chỉ chạy theo thị trường lên xuống chứ không bao giờ có kế hoạch và kỷ luật. Đó là những người không nên tham gia đầu tư tài chính. Do đó, nếu bạn thực sự không hiểu về thị trường thì câu nói của Mark Cuban khá đúng. Bạn nên gửi ngân hàng, nhận một phần nhỏ lãi suất và đảm bảo số tiền gốc vẫn còn nguyên. Còn hơn là bạn không biết đầu tư mà ‘ném’ toàn bộ số tiền đó vào lĩnh vực không am hiểu.”
Như vậy, mọi người cũng đối mặt với câu hỏi: “Gửi tiền vào ngân hàng có phải cách duy nhất để bảo vệ tài sản hay không?”
Anh Thế Anh nhận định: “Tính bảo vệ khi gửi vào ngân hàng thường có thời gian ngắn, khoảng dưới 10 năm. Sau khoảng thời gian đó, đồng tiền có thể bị mất giá nhiều, đồng thời lạm phát cũng khó kiểm soát. Do đó, đây là kênh bảo vệ tài sản ngắn hạn, còn không nên để quá dài hạn.”
Là người có kinh nghiệm quản lý rất nhiều tiền, ông Hans Nguyễn cũng chia sẻ: “Áp lực để bảo vệ tài sản chưa bao giờ là nhỏ, dù là chuyên gia. Tôi từng quản lý một quỹ lên tới 200 tỷ USD. Nếu chỉ mất 1%, chúng ta đã mất hẳn 2 tỷ USD rồi. Có nghĩa là, ngay cả tiền để trong ngân hàng, một kênh được coi là an toàn, nhưng vẫn luôn phải cân nhắc rằng: Liệu có một kênh quản lý tốt hơn hay không?”
“Ngay trong đầu tư, chúng ta cũng luôn phải cân nhắc đến một phần rủi ro để đạt được lợi nhuận. Việc bảo vệ tài sản cũng không tránh khỏi những vấn đề như vậy. Nếu lãi suất ngân hàng khoảng 7-8%, liệu trên thị trường có trái phiếu nào cao hơn hay không? Và trái phiếu của doanh nghiệp nào an toàn hơn, ít có nguy cơ phá sản? Đó là những vấn đề mà một người quản lý tiền cần phải cân nhắc.”