Tài chính

Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới bị láng giềng vượt mặt ở mảng đóng tàu, giảm 32% đơn hàng

Tờ Nikkei Asian Review cho hay dù đơn hàng đóng tàu toàn cầu gia tăng nhưng các hợp đồng đóng tàu tại Nhật Bản lại giảm mạnh, làm gia tăng khoảng cách với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Xin được nhắc rằng trước thập niên 2020, Nhật Bản vẫn là một trong những nhà đóng tàu chính của thế giới khi ngang ngửa với Châu Âu.

Thế nhưng giờ đây, hãng phân tích Clarksons Research cho biết Trung Quốc và Hàn Quốc mới là những nước dẫn đầu thị trường với lần lượt 69% và 15% thị phần đơn hàng mới toàn cầu, trong khi Nhật chỉ chiếm 7%.

Vào tháng 4/2025, Hiệp hội xuất khẩu tàu Nhật Bản (JSEA) cho biết nước này đã nhận được các đơn đặt hàng tàu xuất khẩu mới với tổng cộng hơn 620.000 tấn, giảm 32% về khối lượng so với cùng kỳ năm trước.

Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới bị láng giềng vượt mặt ở mảng đóng tàu, giảm 32% đơn hàng- Ảnh 1.

Sản lượng đóng tàu của các nước (triệu tấn)

Theo Nikkei, việc thiếu năng lực tại các xưởng đóng tàu là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trong một ngành công nghiệp mà Nhật Bản coi là thiếu nguồn lực, nhưng lại rất quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Trong khi các công ty đóng tàu của nước này nổi tiếng với năng lực công nghệ của mình, ngành công nghiệp trong nước đang phải vật lộn do những tác động kéo dài của việc cắt giảm năng lực trong quá khứ và việc các doanh nghiệp thoái vốn.

Gáo nước lạnh

Lượng đơn đặt hàng đóng tàu tồn đọng tại Nhật Bản là 29,5 triệu tấn vào cuối tháng 4/2025, tăng 1% so với cuối tháng 3 và tương đương với khoảng thời gian 3,7 năm làm việc để có thể giao hàng.

Hiện tại, các công ty đóng tàu Nhật Bản đang có nền tảng tài chính vững chắc, hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu tăng do các nền kinh tế mới nổi thúc đẩy.

Điều này dẫn đến những tập đoàn đóng tàu lớn như Japan Marine United đã đạt mức lợi nhuận ròng kỷ lục là 19,9 tỷ Yên (136 triệu USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025, tăng gấp năm lần so với năm trước đó.

Mitsui E&S, nhà sản xuất động cơ hàng hải lớn nhất Nhật Bản, đã ghi nhận mức tăng trưởng 40% trong các đơn đặt hàng tại phân khúc hệ thống đẩy tàu biển của mình trong năm tài chính 2024, lên 212,9 tỷ Yên.

Tuy nhiên theo Nikkei, tình trạng thiếu năng lực đang dội gáo nước lạnh vào tăng trưởng trong tương lai của ngành đóng tàu Nhật Bản

"Nhu cầu trên toàn thế giới rất lớn, nhưng các nhà máy đóng tàu Nhật Bản không thể đáp ứng được", một nguồn tin trong ngành nói với Nikkei.

Trong thập kỷ qua, các nhà đóng tàu Trung Quốc đã thống trị ngành công nghiệp toàn cầu, sử dụng sự hỗ trợ của chính phủ để cải thiện khả năng cạnh tranh về giá của họ.

Dẫu vậy, việc Mỹ nhắm vào ngành đóng tàu của Trung Quốc với mức phí sẽ được áp dụng mỗi khi tàu được đóng bởi Trung Quốc cập cảng Mỹ đang tạo cơ hội cho các bên như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hiện chính phủ Nhật Bản muốn sử dụng sức mạnh đóng tàu của nước này làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ. Kế hoạch là cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và khả năng sửa chữa tàu cho nền kinh tế số 1 thế giới.

Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới bị láng giềng vượt mặt ở mảng đóng tàu, giảm 32% đơn hàng- Ảnh 2.

Ngành đóng tàu của Mỹ đã từng có thời hoàng kim với 1 triệu lao động trong ngành hậu Thế chiến II. Tại thập niên 1970, các xưởng đóng tàu Mỹ vẫn chiếm khoảng 5% tổng trọng tải của thế giới, tương đương khoảng 20 tàu mỗi năm. Thế nhưng số lượng tàu lớn xuất xưởng tại Mỹ ngày càng nhỏ giọt và đến năm 2023, Mỹ chỉ còn chiếm 0,1% tổng trọng tải toàn cầu.

Bước sang thập niên 1980, tổng số lượng thợ hàn, kỹ sư và lao động đóng tàu tại Mỹ còn chưa đến 200.000, dù con số này đã tăng lên gần đây nhờ các hợp đồng quân sự.

Trung Quốc hiện là nước thống trị ngành đóng tàu khi chiếm hơn một nửa tổng trọng tải của thế giới vào năm 2023 và 74% đơn đặt hàng tàu mới vào năm ngoái. Các hãng vận tải biển lớn nhất, chẳng hạn như MSC, Maersk và CMA CGM, hiện dựa vào hàng trăm tàu do Trung Quốc đóng để vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới.

Cạnh tranh

Tờ Nikkei cho hay việc hợp tác với Washington sẽ gắn liền với chiến lược tăng trưởng ngành đóng tàu Nhật Bản. Tuy nhiên một số người trong ngành đóng tàu Nhật Bản đã bày tỏ sự thận trọng khi đầu tư vào Mỹ bởi một trong những yếu tố then chốt của sự hợp tác này là phải thúc đẩy lại được sản lượng đóng tàu cho nền kinh tế số 1 thế giới.

"Rất khó để đóng tàu tại Mỹ do chi phí lao động cao và chuỗi cung ứng yếu", một giám đốc điều hành đóng tàu cho biết.

Tờ Financial Times (FT) cho hay phần lớn nguyên liệu thô và linh kiện cần thiết để sản xuất tàu mới không còn có sẵn ở Mỹ do cơ sở sản xuất thu hẹp và đẩy mạnh gia công ở nước ngoài.

Thế rồi đầu tư sụt giảm khiến cơ sở hạ tầng xuống cấp, nhân viên không được đào tạo, công nghệ đi xuống trong ngành đóng tàu Mỹ càng khiến tình hình trở nên trầm trọng.

Không có cơ hội việc làm, ít đơn đóng tàu hơn tại Mỹ khiến chẳng còn ai mặn mà tham gia ngành này, trong khi thị trường lao động đóng tàu lại bùng nổ ở Châu Á.

Về phía Nhật Bản, bên cạnh việc gặp khó để đầu tư đóng tàu tại Mỹ thì nước này còn gặp cạnh tranh từ Hàn Quốc.

Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới bị láng giềng vượt mặt ở mảng đóng tàu, giảm 32% đơn hàng- Ảnh 3.

Tháng trước, công ty đóng tàu lớn nhất Hàn Quốc, HD Hyundai Heavy Industries, cho biết họ sẽ hợp tác với Huntington Ingalls Industries, công ty đóng tàu quân sự lớn nhất Mỹ để cải thiện năng suất và phát triển công nghệ đóng tàu.

Hanwha Ocean, công ty đóng tàu lớn thứ hai của Hàn Quốc, cũng đã công bố vào tháng 4/2025 một kế hoạch đầu tư khoảng 600 tỷ Won (430 triệu USD) trong nước để triển khai một bến tàu nổi khổng lồ và một cần cẩu ngoài khơi. Cơ sở hạ tầng này sẽ thúc đẩy năng lực đóng tàu của công ty.

Năm 2024, Hanwha Ocean đã mua lại Philly Shipyard tại Hoa Kỳ với giá 100 triệu USD.

Đến năm nay, Hanwha Ocean tuyên bố họ đã trở thành công ty đóng tàu đầu tiên của Hàn Quốc hoàn thành đơn đặt hàng bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu (MRO) cho một tàu của Hải quân Mỹ.

Không chịu kém cạnh, các công ty đóng tàu Nhật Bản cũng đáp trả.

Vào tháng 4, Mitsui E&S đã thông báo sẽ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong một công ty liên kết thiết kế và phát triển tàu cho đối thủ trong nước là Tsuneishi Shipbuilding. Giao dịch này nhấn mạnh mong muốn của cả hai bên là tập trung vào các mảng chuyên biệt của mình.

*Nguồn: Nikkei, FT, Forbes

Các tin khác

Giá vàng tiếp tục giảm mạnh

Giá vàng thế giới phiên giao dịch Mỹ đêm 16.5 tiếp tục giảm mạnh, ghi nhận một ngày tăng giảm bất thường.

Nhà nghỉ đầu tiên có từ bao giờ?

Khách sạn và nhà khách đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, nhưng khái niệm nhà nghỉ (motel) mới chỉ xuất hiện cách đây khoảng 100 năm.