Tài chính

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu "lảo đảo" vì khí đốt của Nga

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn

Siempelkamp Giesserei đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng trong suốt 99 năm hoạt động. Tuy nhiên, đại dịch làm mọi thứ ngừng hoạt động, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy giá năng lượng tăng vọt đã khiến nhà sản xuất kim loại này hoang mang hơn bao giờ hết.

Geor Geier - giám đốc điều hành của công ty, chia sẻ: "Tôi chưa từng chứng kiến điều gì tương tự xảy ra." Sự khác biệt chính giữa hiện tại và quá khứ là nhu cầu của khách hàng cao, nhưng Siempelkamp lại không thể tìm được hoặc không đủ khả năng cung cấp nguồn cung sắt, niken và năng lượng mà họ cần.

Đây là một thực trạng đang xảy ra với nhiều doanh nghiệp sản xuất của Đức - đóng góp gần 1/5 GDP của nước này, theo WB. Những gã khổng lồ như Volkswagen và Siemens cũng đang chật vật khi đối diện với những "nút thắt cổ chai" của chuỗi cung ứng. Song, khoảng 200.000 nhà sản xuất vừa và nhỏ ở nước này lại ít có khả năng chịu đựng cú sốc.

Họ là một phần quan trọng của "Mittelstand", bao gồm 2,6 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 1 nửa sản lượng kinh tế Đức và gần 2/3 số việc làm tại đây. Nhiều doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình và có ảnh hưởng rất lớn đến các cộng đồng nông thôn.

Xưởng đúc Siempelkamp đốt một số năng lượng mỗi năm để cung cấp cho một thị trấn 20.000 người. Trong nhiều năm, công ty này trả từ 40-50 euro/megawatt giờ điện. Song, chi phí đã tăng vọt vào khoảng tháng 9 và "bùng nổ" lên mức cao chưa từng thấy sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Geier nói. Mức giá trung bình họ phải trả trong tháng 3 là khoảng 250 euro/megawatt giờ.

Xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến vấn đề lạm phát triển toàn cầu trở nên nóng hơn, khi đã tăng mạnh vào năm ngoái ở thời điểm các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch. Giờ đây, các lệnh trừng phạt của phương Tây với hoạt động xuất khẩu than và dầu của Nga, cùng nỗ lực của EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ nước này, đã đẩy giá tăng mạnh. Những lệnh trừng phạt áp đặt với Nga lại càng khiến chuỗi cung ứng bị xáo trộn.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu bỗng trở nên mong manh hơn. Theo IEA, Đức nhập khẩu từ Nga khoảng 46% khí đốt tự nhiên vào năm 2020. Con số này có thể đã giảm kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, nhưng nếu hoạt động nhập khẩu từ Nga bị gián đoạn đột ngột thì đó sẽ là "thảm hoạ" với các nhà sản xuất như Siempelkamp, Geier chia sẻ.

Cho đến nay, Siempelkamp đã không cắt giảm sản lượng nhưng chuyển chi phí chênh lệch cho khách hàng. Ví dụ, các nhà sản xuất đồng và xi măng sử dụng máy mài của họ và các hãng sản xuất ô tô điện dùng máy của họ đều gánh chịu chi phí. Theo đó, Siempelkamp muốn khách hàng chuyển chi phí cho người tiêu dùng.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu lảo đảo vì khí đốt của Nga - Ảnh 1.

Lạm phát giá sản xuất hàng năm tại Đức đã tăng lên mức 30% trong tháng 3, mức cao nhất trong 73 năm. Giá tại cổng nhà máy cũng ảnh hưởng đến lạm phát giá tiêu dùng, khi chạm mức cao nhất trong 41 năm là 7,3% vào tháng trước. Nguyên nhân chính là giá năng lượng tăng cao.

Tại Berlin, một nhà sản xuất kem cũng đang cảm nhận được sự căng thẳng đang diễn ra. Florida Eis "miễn nhiễm" một phần với lạm phát vì họ chuyển đổi phần lớn năng lượng để sản xuất và phân phối sang các nguồn tái tạo. Song, các nhà cung cấp của họ thì không. Công ty này đang phải chi trả thêm từ 30% đến 40% chi phí nhập sữa.

Chủ sở hữu - ông Olaf Höhn, cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến việc mất đi nguồn cung khí đốt của Nga. Ông nói: "Ngành sản xuất đồ ngọt cần số năng lượng khổng lồ. Nếu không có khí đốt nữa, họ cũng không thể sản xuất đường thô. Chúng tôi lại không thể mua đường thô trên thị trường thế giới do các quy định của EU."

Lợi thế bỗng thành gánh nặng

Giá cả tăng vọt khiến một quốc gia lâu nay luôn tự hào về nền kinh tế ổn định nay bỗng chao đảo. Họ vẫn có nỗi sợ hãi sâu xa về siêu lạm phát trong những năm 1920 và 1930 - nguyên nhân mà nhiều người cho rằng đã "tiếp tay" cho Đức Quốc xã lên nắm quyền.

Tamas Vonyo - phó giáo sư lịch sử kinh tế tại Đại học Bocconi, cho biết, nhu cầu lớn của Đức với nguồn năng lượng rẻ và đáng tin cậy từ Nga từ lâu đã là một lợi thế cạnh tranh và giúp họ vượt qua những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây.

Song, lợi thế đó giờ đây lại trở thành gánh nặng. Các nhà lãnh đạo EU đang cam kết giảm lượng tiêu thụ khí đốt của Nga tới 66% trước thời điểm cuối năm nay và tách rời hoàn toàn với Nga vào năm 2027. Bộ Kinh tế Đức tháng trước cho biết họ đã cắt giảm lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga từ 55% xuống 40%.

Tuy nhiên, việc dòng chảy khí đốt bị ngừng đột ngột sẽ là một thảm họa đối với Đức. Sau khi ông Putin đe dọa "khoá van" với những nước không đồng ý thanh toán bằng đồng rúp, Đức đã đưa ra kế hoạch khẩn cấp 3 giai đoạn để kiểm soát việc sử dụng khí đốt trong nước. Các hộ gia đình và bệnh viện sẽ được ưu tiên hơn nhiều nhà sản xuất.

Gazprom mới đây đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Hungary vì họ không chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp. Nhiều người lo sợ Đức sẽ là "mục tiêu" tiếp theo. Theo NHTW nước này, GDP Đức sẽ giảm 2% nếu Nga đột ngột "khoá van". Ngoài ra, một trong các viện kinh tế hàng đầu nước này phân tích lệnh cấm vận bất ngờ sẽ khiến 550.000 người mất việc làm trong năm 2022 và 2023.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu lảo đảo vì khí đốt của Nga - Ảnh 2.

Sebastian Dullien, giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Chính sách Kinh tế Vĩ mô, cho hay: "Khí đốt tự nhiên có thể vẫn đắt đỏ sau lệnh cấm vận hoặc nguồn cung bị cắt đứt trong một thời gian dài." Ông cảnh báo, kinh tế Đức sẽ chịu thiệt hại khó hồi phục hơn so với khủng hoảng tài chính năm 2008 nếu Nga "khoá van". Theo đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể rơi vào suy thoái sâu và có khả năng kéo dài hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng của 1 thập kỷ trước.

Nỗi lo sợ về lạm phát kèm suy thoái

Lạm phát chỉ là một phần của câu chuyện. Nền kinh tế Đức có thể đã bước vào giai đoạn suy thoái. Hội đồng Chuyên gia Kinh tế Đức - nhóm cố vấn của chính phủ, tháng trước đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 từ 4,6% xuống 1,8% do lạm phát và ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine.

Theo dữ liệu khảo sát từ S&P Global, sản lượng sản xuất của Đức đã sụt giảm trong tháng nầy với mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Hơn nữa, niềm tin người tiêu dùng sụt giảm có thể dẫn đến một cuộc suy thoái kéo dài.

Dullien nhận định khả năng Đức rơi vào suy thoái là hơn 50%.

Trong khi đó, hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức cho biết một số thành viên đã phải giảm sản lượng do thiếu nguyên liệu. Hans-Jürgen Völz - nhà kinh tế trưởng của hiệp hội, cho biết: "Việc cắt giảm sản lượng không phải do thiếu điện hay giá điện cao mà vì họ không có nguyên liệu để sản xuất hàng hoá."

Hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thô từ Ukraine đã sụt giảm do xung đột leo thang. Giá niken - kim loại được dùng để sản xuất pin xe điện, đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng trước. Đây thực sự là một tin xấu với ngành sản xuất ô tô của Đức - vốn vẫn đang gặp khó khăn vì thiếu chip.

Hơn nữa, tình trạng tắc nghẽn ở cảng Thượng Hải do Trung Quốc đang áp dụng biện pháp phong tỏa cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu trong những ngày gần đây. Các nhà nhập khẩu của Đức lại đón tin dữ.

Höhn cho rằng mình là một người lạc quan. Nhưng ông cũng không thể không chú ý đến "đám mây đen" đang bao trùm nên kinh tế Đức. Ông nói: "Chúng ta phải đương đầu với nó."

Tham khảo CNN

Cùng chuyên mục

Đọc thêm