Tài chính

Nền kinh tế đã ‘trỗi dậy’, nhưng đây là lý do tại sao Trung Quốc không thể trở thành "siêu anh hùng" cứu cả thế giới như kỳ vọng

Đà hồi phục của Trung Quốc sau nhiều năm phong tỏa vì Covid-19 có thể sẽ khác rất nhiều so với trước đây. Và đối với nhiều nơi trên thế giới, các nhà kinh tế cảnh báo rằng, tình hình sẽ bi quan hơn so với kỳ vọng của các chính phủ và doanh nghiệp.

Thông thường, Trung Quốc thường sử dụng những gói kích thích và đầu tư hào phóng của chính phủ để tự thoát khỏi tình trạng suy thoái. Nhờ đó, nền kinh tế toàn cầu đã bước ra khỏi giai đoạn ảm đạm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Song, ở lần này, Trung Quốc đang chìm trong nợ nần, thị trường bất động sản gặp khó khăn và phần lớn cơ sở hạ tầng mà nước này cần đã xây dựng xong. Do đó, đà hồi phục ở giai đoạn này sẽ được "hậu thuẫn" bởi người tiêu dùng sau 3 năm phong toả.

Số liệu cho thấy, người dân Trung Quốc đang ra ngoài và mua sắm ở những thành phố lớn. Giống như Mỹ, người tiêu dùng đại lục chủ yếu tiết kiệm tiền trong thời gian phong toả. Tuy nhiên, hiện tại, niềm tin người tiêu dùng vẫn ở mức thấp. Trong khi nhóm người giàu có đang mở rộng hầu bao, thì nhiều người khác lại lựa chọn tiết kiệm nhiều hơn là chi tiêu.

Nền kinh tế đã ‘trỗi dậy’, nhưng đây là lý do tại sao Trung Quốc không thể trở thành siêu anh hùng cứu cả thế giới như kỳ vọng - Ảnh 1.

Những dấu hiệu ban đầu cho thấy tác động lớn nhất từ đà hồi phục của Trung Quốc sẽ thể hiện ở trong nước, chứ chưa phải ở nước ngoài. Dữ liệu chính thức, bao gồm các cuộc khảo sát kinh doanh, doanh số và lưu lượng giao thông công cộng, cho thấy mức tăng trưởng mạnh nhất sẽ đến từ các ngành dịch vụ như nhà hàng, quán bar và du lịch.

Theo đó, dù Trung Quốc đang tăng tốc là một tin tốt lành cho đà tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là khi kinh tế Mỹ và châu Âu đang chậm lại, nhưng tác động trực tiếp từ đó có thể không rõ ràng như trong quá khứ.

Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, cho biết: "Trung Quốc sẽ tạo ra đà hồi phục kinh tế mạnh mẽ, nhưng sức lan tỏa sang phần còn lại của thế giới sẽ chậm hơn nhiều trong chu kỳ này, do bản chất của sự hồi phục."

Một số nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Mỹ có nhận được những lợi ích, vì quốc gia này ít có tiếp xúc với ngành dịch vụ của Trung Quốc. Thậm chí, tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể bị kìm hãm nếu việc Trung Quốc mở cửa trở lại thúc đẩy nhu cầu với năng lượng và đẩy giá tăng cao, càng gây áp lực cho lạm phát.

Theo dự báo mới nhất của IMF, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, vượt xa tốc mức 1,4% dự kiến ở Mỹ và 0,7% ở EU. IMF dự đoán Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, còn Mỹ và châu Âu chỉ là 10%.

Nền kinh tế đã ‘trỗi dậy’, nhưng đây là lý do tại sao Trung Quốc không thể trở thành siêu anh hùng cứu cả thế giới như kỳ vọng - Ảnh 2.

Hoe Ee Khor, nhà kinh tế trưởng tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô Asean+3, một tổ chức nghiên cứu kinh tế và tư vấn chính sách cho các nền kinh tế ở Đông và Đông Nam Á, cho biết: "Điều quan trọng là Trung Quốc hồi phục trong năm nay là bởi kinh tế Mỹ và châu Âu được dự kiến sẽ giảm tốc mạnh. Trung Quốc đóng vai trò bù đắp cho ‘phần còn thiếu’ trong 3 trụ cột đó."

Giới nhà giàu Trung Quốc có thể sẽ phần nào thúc đẩy kinh tế toàn cầu khi chi tiêu cho hàng hóa xa xỉ ở châu Âu và kỳ nghỉ ở những nơi như Đông Nam Á. Hãng đồng hồ Thụy Sĩ Swatch Group cho biết với doanh số bán hàng đang hồi phục tại Trung Quốc, họ dự kiến sẽ chứng kiến 1 năm đạt doanh thu kỷ lục, khi du lịch đến đại lục, Hong Kong và Macao được nối lại.

Tỷ phú Bernard Arnault, chủ tịch kiêm CEO của LVMH, cho biết hôm 26/1 rằng các cửa hàng của họ ở Macao đã chật kín khách và nhận định đây là sự thay đổi khá ngoạn mục.

Theo David Calhoun - CEO của Boeing, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là "sự kiện trọng đại với ngành hàng không". Ông cho biết công ty đang đặt mục tiêu đưa các máy bay không sử dụng hoạt động trở lại và hy vọng sẽ tiếp tục giao hàng cho Trung Quốc vì các hãng hàng không sẽ cần máy bay 737 Max để đáp ứng nhu cầu tăng cao.

Nền kinh tế đã ‘trỗi dậy’, nhưng đây là lý do tại sao Trung Quốc không thể trở thành siêu anh hùng cứu cả thế giới như kỳ vọng - Ảnh 3.

Trong khi đó, một số công ty khác lại bày tỏ quan điểm thận trọng hơn. Các hộ gia đình Trung Quốc nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ trong đại dịch ít hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển. Hơn nữa, nhiều người tiêu dùng vẫn lo ngại về việc thị trường lao động vẫn ảm đạm và bất động sản chưa có dấu hiệu cải thiện.

CEO của Colgate-Palmolive, Noel Wallace, cho biết hồi cuối tháng trước rằng dù tinh thần chung là hứng khởi với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng doanh số bán hàng gia dụng của công ty tại đây vẫn thấp. Ông nói rằng: "Trung Quốc là một dấu hỏi lớn."

Yun China - công ty quản lý các chuỗi nhà hàng bao gồm KFC và Pizza Hut ở Trung Quốc, cho biết họ chứng kiến doanh số bán hàng tăng vọt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua nhưng vẫn thận trọng trước triển vọng. CEO Joey Wat cho biết dù sự cải thiện là đáng mừng, nhưng ông cũng nhận thấy người tiêu dùng chi tiêu có tính toán hơn.

Trong những năm tăng trưởng nhờ những khoản tiền kích thích trước đây, Trung Quốc đã rót tiền vào lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng và nhà máy để thúc đẩy nền kinh tế. Khi đó, nhu cầu với hàng hóa và máy móc của nước này đã lan rộng ra khắp thế giới, từ các nhà sản xuất công cụ ở Đức cho đến nhà sản xuất đồng ở Mỹ Latinh, các nhà sản xuất máy đào ở Nhật Bản và than ở Úc.

Nền kinh tế đã ‘trỗi dậy’, nhưng đây là lý do tại sao Trung Quốc không thể trở thành siêu anh hùng cứu cả thế giới như kỳ vọng - Ảnh 4.

Năm 2009, Trung Quốc tăng trưởng 9,4% nhờ gói kích thích trị giá 586 tỷ USD, trái ngược hoàn toàn với với các nền kinh tế phát triển vốn bị ảnh hưởng nặng nền bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs ước tính việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ đóng góp thêm 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, chủ yếu nhờ nhu cầu năng lượng tăng, nhập khẩu và du lịch quốc tế được đẩy mạnh. Họ cho rằng, những bên hưởng lợi lớn nhất có thể là các nhà sản xuất dầu mỏ và các nước láng giềng của Trung Quốc ở châu Á.

Theo Oxford Economics, việc Trung Quốc trỗi dậy sẽ ít có sự thúc đẩy với tăng trưởng toàn cầu. Công ty tư vấn cho biết nếu GDP nước này tăng 5% trong năm nay, tăng trưởng toàn cầu sẽ chỉ lên 1,5% tức là chỉ tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Goldman Sachs ước tính tác động trực tiếp của việc Trung Quốc mở cửa trở lại với tăng trưởng kinh tế Mỹ có một chút tiêu cực, khiến GDP giảm khoảng 0,04 điểm phần trăm trong năm 2023. Nguyên nhân là do giá dầu tăng sẽ "làm lu mờ" sự hồi phục của hoạt động xuất khẩu và du lịch. Song, Mỹ và các nền kinh tế khác ít bị ảnh hưởng bởi việc mở cửa trở lại có thể được hưởng lợi gián tiếp, nếu đại lục thúc đẩy hoạt động kinh doanh và thương mại toàn cầu nói chung, hoặc lỏng quy định tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Nền kinh tế đã ‘trỗi dậy’, nhưng đây là lý do tại sao Trung Quốc không thể trở thành siêu anh hùng cứu cả thế giới như kỳ vọng - Ảnh 5.

Dù đà tăng trưởng hồi phục mạnh mẽ, kinh tế Trung Quốc vẫn tồn đọng những vấn đề cơ bản. Chính quyền địa phương đang gánh những khoản nợ lớn, làm hạn chế khả năng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Theo Tommy Wu - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Commerzbank, nước này cũng nỗ lực vực dậy ngành bất động sản, như nới lỏng quy định cho vay, nhưng vẫn chưa thể đảo ngược xu hướng doanh số bán nhà sụt giảm vì người mua vẫn rất thận trọng. Theo ông, điều này sẽ là vật cản với nhu cầu của Trung Quốc ở các mặt hàng như quặng sắt.

Một số mục tiêu chính sách khác cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh mong muốn sản xuất hàng hóa tinh xảo hơn trong nước, thay vì mua từ Nhật Bản và Đức. Ngoài ra, giới chức cũng kiểm soát chặt chẽ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm như sản xuất thép để đáp ứng các mục tiêu khí hậu.

Do đó, sản lượng thép giảm 2,1% vào năm 2022 so với năm trước và nhập khẩu giảm 1,5%, theo BHP - nhà khai thác lớn nhất thế giới. Dù kỳ vọng Trung Quốc sẽ giúp ổn định nhu cầu hàng hóa vào năm 2023, nhưng BHP cho biết họ không nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng sẽ đạt mức trước đại dịch.

Ngoài ra, dù số lượng chuyến bay nội địa Trung Quốc tăng nhanh chóng, nhưng sẽ phải mất một thời gian nữa thì các chuyến đến châu Âu và Mỹ mới đạt đến mức trước đại dịch. Hồi tháng 1, số lượng chuyến bay đến các điểm bên ngoài Trung Quốc chỉ bằng khoảng 15% so với năm 2019. Các điểm đến tương đối gần, phổ biến nhất là Macao, Hong Kong, Tokyo và Seoul.

Nền kinh tế đã ‘trỗi dậy’, nhưng đây là lý do tại sao Trung Quốc không thể trở thành siêu anh hùng cứu cả thế giới như kỳ vọng - Ảnh 6.

Hiện tại, du khách Trung Quốc đang đổ xô đến Thái Lan, chủ yếu là doanh nhân hoặc người du lịch tự túc giàu có. Giới chức Thái Lan dự đoán lượng khách sẽ tăng chậm khi nhiều đường bay mở ra và các tour du lịch được triển khai kể từ ngày 6/2. Song, vẫn phải mất nhiều năm để lượng khách đạt được mức trước đại dịch.

Cuối cùng, đóng góp của Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào sự ổn định của sức tiêu dùng. Dù các hộ gia đình đại lục đã tiết kiệm được 2,6 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, nhưng chưa đến 30% số tiền đó được chi tiêu. Họ chủ yếu gửi vào tài khoản tiết kiệm dài hạn. Thị trường lao động vẫn ảm đạm và giá bất động sản sụt giảm đang khiến tài sản của các hộ gia đình giảm giá trị.

Logan Wright - giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, cho rằng sự hồi phục của sức tiêu dùng sẽ "không nhiều và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn". Ông dự đoán, sau khi tăng trưởng nhanh chóng vào khoảng quý II, chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ nhanh chóng mất đà.

Tham khảo WSJ 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm