Những kiến nghị của cổ đông FLC Faros
Sau phần xét hỏi các bị cáo, Hội đồng Xét xử cho một số bị hại và người có liên quan được nêu ý kiến trước tòa.
Ông V. X. H. (Long Biên, Hà Nội) cho biết hiện đang sở hữu 1.300 cổ phiếu ROS đã mua từ trước đó. “Trong quá trình tôi mua, tôi tìm hiểu để mua để đầu tư, tăng cổ phần để hưởng lợi nhuận. Tôi đề nghị hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho anh Quyết để anh ấy về tiếp tục sản xuất kinh doanh để cổ phiếu được tiếp tục giao dịch trên sàn chứng khoán”, nhà đầu tư này nói.
Một nhà đầu tư khác tại TP HCM đang năm giữ 200.000 cp ROS đã được mua từ năm 2022 để nghị được bồi thường thiệt hại và mong muốn cổ phiếu được giao dịch trở lại để khắc phục hậu quả.
Ở góc độ của người có liên quan, ông L. Q. H (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đang nắm giữ 150.000 cp ROS. Nhà đầu tư này đã mua tích lũy dần cổ phiếu ROS và được xác định là người có liên quan. Theo cáo trạng xác định những người bị hại là có mua cổ phiếu ROS trước năm 2017.
“Tôi đề nghị tòa xem xét những cổ đông hiện nắm giữ cổ phiếu ROS là người bị hại”, ông L. Q. H. nói.
Ông H. cho rằng, “câu chuyện của công ty Faros nó hoàn toàn không bình thường như ban lãnh đạo của công ty nói ở đây ngày hôm qua. Khi ban lãnh đạo chủ chốt của công ty bị khởi tố và bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, công ty đã hoàn toàn không hoạt động bình thường một chút nào thể hiện rất rõ ở việc cổ phiếu dừng giao dịch, hủy niêm yết vào ngày 5/9. Quyết định của HOSE theo tôi hoàn toán sáng suốt”.
Thông tin thêm về thực trạng, theo nhà đầu tư này, công ty có lượng cổ đông lớn, quy mô vốn cũng rất lớn nhưng không lập được báo cáo tài chính, công ty không làm báo cáo thường niên. Từ đó đến nay ban lãnh đạo liên tục xin nghỉ, gần đây là 2/3 thành viên ban kiểm soát xin nghỉ. Công ty sẽ phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu ban lãnh đạo nhưng cho đến bây giờ chưa có thông tin gì.
“Cổ đông như tôi cố gắng liên hệ với ban lãnh đạo công ty nhưng không thể được. Chúng tôi là người muốn bán, muốn cho cũng chả ai nhận”, ông L. Q. H. cho ý kiến.
Khi được tòa hỏi về mong muốn, nhà đầu tư này trả lời, “chúng tôi tôi là người chịu hậu quả trực tiếp từ những hành vi mà cơ quan chức năng vừa công bố. Tôi quá bất ngờ khi bị lừa mua cổ phiếu mà bên trong công ty không biết còn tài sản gì không.
Mong muốn của chúng tôi là ông Trịnh Văn Quyết là người xây dựng nên công ty này, khắc phục hậu quả với chúng tôi bằng cách mua lại cổ phần của những người không còn mong muốn đồng hành nữa”.
Ông Trịnh Văn Quyết còn gì để khắc phục hậu quả?
Trong phiên xét xử ngày hôm qua (23/7), ông Trịnh Văn Quyết cho cho hay sẽ sử dụng toàn bộ tài sản đang bị phong tỏa để khắc phục hậu quả. Ước tính của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC thì số tài sản bị kê biên phong tỏa có giá trị 4.800 – 5.000 tỷ đồng, ngoài ra không còn tài sản nào khác.
"Toàn bộ tài sản tích lũy sau hơn 20 năm lập nghiệp đều đang bị cơ quan tố tụng ra lệnh phong tỏa", VNExpress đưa tin phần trình bày của ông Trịnh Văn Quyết.
Thông tin từ Hội đồng Xét xử, tính đến sáng 22/7, ông Trịnh Văn Quyết đã nộp khắc phục hơn 237 tỷ đồng. Trong đó, gần 200 tỷ đồng được xác định là tiền đối tác tạm tả khi bán cổ phần tại hãng hàng không Bamboo Airways.
Theo cáo trạng, ông Trịnh Văn Quyết đang bị kê biên 3 bất động sản tại quận Nam Từ Liêm. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra đang phong tỏa 500 tài khoản chứng khoán do bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) quản lý và sử dụng với số dư tiền hơn 7,6 tỷ đồng và 243,1 triệu cp (bao gồm 7,6 triệu cổ phiếu GAB, 215,4 triệu cp FLC và 3,156 triệu cổ phiếu ART do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu).
Hiện cả ba cổ phiếu do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu như vừa nêu trên đều đã bị hủy niêm yết, tạm ngừng giao dịch do công ty vi phạm quy định về công bố thông tin. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng, cổ phiếu FLC có giá hơn 3.000 đồng/cp. Trong khi giá đóng cửa với cổ phiếu GAB và ART là 196.000 đồng/cp và 1.300 đồng/cp. Ước tính tổng giá trị của ba cổ phiếu với mức giá như trên là hơn 2.000 tỷ đồng.