VN-Index đóng cửa tuần thứ 32 của năm 2022 với 1 phiên giảm, 4 phiên tăng, có thêm 46,41 điểm tương đương 3,85% đóng cửa tại 1.252,74 điểm.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 16.627 tỷ đồng, tăng 39,23% so với tuần trước đó và tăng 41,36% so với trung bình 5 tuần gần đây. Hành vi của các nhóm nhà đầu tư: Nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước là bên bán ròng, Tự doanh và Nước ngoài mua ròng.
Theo thống kê từ FiinTrade, tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm chứng khoán, tài nguyên cơ bản, dầu khí, trong khi giảm ở nhóm hóa chất, bất động sản, xây dựng và vật liệu.
Bất chấp tín hiệu khởi sắc từ thị trường chung, NĐT cá nhân duy trì xu hướng bán ròng như 2 tuần trước đó. Trong tuần họ bán ròng 4/5 phiên với các phiên rút vốn là phiên thị trường tăng điểm, ngược lại khối này trở lại mua ròng trong nhịp điều chỉnh cuối tuần. Về giá trị, dòng tiền cá nhân rút ròng 1.644 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 1.869 tỷ đồng.
Cá nhân trong nước chủ yếu rót ròng nhóm ngân hàng, bất động sản
Thống kê giao dịch khớp lệnh tại HOSE, xu hướng rút ròng của các cá nhân trong nước được ghi nhận 9/18 nhóm ngành.
Đáng chú ý, các cổ phiếu "vua" là nhóm bị xả ròng mạnh nhất giữa áp lực bán trên diện rộng của các cá nhân trong tuần đầu tháng 8. Đây cũng là nhóm duy nhất bị bán ra gần 840 tỷ đồng, trái ngược so với xu hướng mua gom trong tháng trước đó.
Bên cạnh đó, phần lớn lực xả cũng tập trung tại hai nhóm bất động sản và dịch vụ tài chính với giá trị lần lượt là 724 tỷ và 620 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch theo tuần tăng lên 16,54%, đây là mức cao nhất trong vòng 10 tuần, chỉ số ngành tăng 9,49%, là ngành tăng điểm mạnh thứ 2 thị trường trong tuần. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, nhóm chứng khoán vẫn còn giảm 37,57% là nhóm giảm mạnh thứ 2 thị trường sau nhóm truyền thông giảm 43,68%.
Các cổ phiếu có giá trị giao dịch cao gồm SSI, VND, VCI, HCM, SHS, VIX, MBS, ORS, APG, FTS toàn bộ 10/10 mã này tăng điểm trong đó có 2 mã tăng trần.
Nối tiếp, các cá nhân trong nước lần lượt bán ròng nhẹ hơn các cổ phiếu ngành hàng & dịch vụ công nghiệp (209 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (202 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (62 tỷ đồng), hóa chất (43 tỷ đồng),...
Trái chiều, giao dịch gom mua nhiều nhất lại xuất hiện ở các cổ phiếu nhóm bán lẻ với giá trị 229 tỷ đồng. Trong xu hướng hồi phục mạnh mẽ của thị trường chung, ngành bán lẻ có chỉ số giá ngành tăng 3,23% nhưng thanh khoản lại có phần hụt hơi so với hai tuần trước đó.
Ngoài ra, lực cầu mua gom với quy mô tương đối khiêm tốn hơn được ghi nhận ở một số nhóm ngành, lần lượt là công nghệ thông tin (179 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (110 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (92 tỷ đồng), dầu khí (82 tỷ đồng),...
SSI là tâm điểm bán ròng
Xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu SSI dẫn đầu về giá trị bán ròng toàn thị trường với 568,2 tỷ đồng. Đối lập với nhà đầu tư nội, khối ngoại vẫn miệt mài mua gom cổ phiếu của CTCP Chứng khoán SSI. Đáng chú ý nước ngoài mua ròng SSI phiên thứ 13 liên tiếp với tổng khối lượng là 43,5 triệu cổ phiếu với tổng giá trị là 974 tỷ đồng với giá trung bình 22.400 đồng/cổ phiếu.
Có phần khiêm tốn hơn, cổ phiếu STB bị bán ròng 279,8 tỷ đồng dù đồng thời là tâm điểm hút vốn ngoại khi được mua ròng 320,7 tỷ đồng. Trên HOSE, đại diện của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn đã có báo cáo về thay đổi sở hữu tại Sacombank.
Cụ thể, ngày 2/8, Dragon Capital đã mua vào 2,25 triệu cổ phiếu STB thông qua hai quỹ thành viên là CTBC Vietnam Equity Fund (1,5 triệu cổ phiếu) và Vietnam Enterprise Investments Limited (750.000 cổ phiếu). Qua đó nâng sở hữu tại Sacombank lên hơn 132 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ là 7% vốn điều lệ ngân hàng.
Là một trong những nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tháng 4, 3 đại diện khác của ngành ngân hàng góp mặt trong danh mục xả ròng của các cá nhân là CTG (221,1 tỷ đồng), VCB (207,9 tỷ đồng), MBB (129,8 tỷ đồng).
Kế đó, giao dịch rút vốn mạnh cũng xuất hiện tại VHM (234,8 tỷ đồng), VND (172,5 tỷ đồng), HPG (167,3 tỷ đồng), KBC (142,4 tỷ đồng), DXG (140 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, mặc dù bán ròng nhiều cổ phiếu bluechips, nhà đầu tư cá nhân lại rót ròng trăm tỷ đồng vào các mã MWG, TCB, FPT và VIC.
Cổ phiếu của CTCP Thế Giới Di Động dẫn đầu khi được gom ròng 194,6 tỷ đồng. Dòng tiền tích cực nhập cuộc khi thị giá MWG có nhịp hồi phục 2,7% so với tuần trước đó.
Theo sau, TCB của Techcombank là cái tên hiếm hoi của nhóm ngân hàng góp mặt trong danh mục gom ròng với quy mô 182,8 tỷ đồng.
Với tâm lý thận trọng, nhà đầu tư cá nhân theo sau chỉ gom ròng nhẹ hơn ở danh mục gồm PLX (98,4 tỷ đồng), VNM (75,8 tỷ đồng), VJC (61,3 tỷ đồng), VGC (55,9 tỷ đồng), VCI (48,4 tỷ đồng), HDG (46,8 tỷ đồng).