Khoa học

NASA bắt được tín hiệu xuyên không từ thế giới 12,8 tỉ năm trước

Vật thể chưa xác định - nguồn phát ra tín hiệu - được gọi là GRB210905A, xuất hiện kể từ khi vũ trụ mới khoảng 1 triệu tuổi. Vì quá xa xôi nên ánh sáng từ nó mất tận 12,8 tỉ năm để đến được Trái Đất, do đó thứ mà chúng ta đang ghi nhận được không thuộc về hiện tại mà là cái tồn tại trong một khoảnh khắc bùng nổ 12,8 tỉ năm trước.

Theo tờ Space, các nhà khoa học đã kiểm tra lại sự kiện cổ đại nói trên bởi các kính viễn vọng mặt đất cực mạnh khác, bao gồm Kính viễn vọng Very Large và Đài quan sát La Silla đặt tại Chile của Đài thiên văn Nam Âu (ESO).

Tín hiệu lạ, dưới dạng tia gamma, chỉ hiện ra trong một khoảnh khắc của quá khứ. Đó là một vụ bùng nổ siêu mạnh rồi nhanh chóng tắt dần.

Bức xạ gamma vốn xuất phát từ một số loại va chạm hạt nhân và sự phân rã hạt nhân của các chất phóng xạ và vụ nổ tia gamma trong vũ trụ, được gọi tắt là GRB, là một sự kiện rất hiếm gặp và nhuốm màu bí ẩn.

Theo nghiên cứu đăng tải trên Astronomy and Astrophysics, nhà thiên văn học Andrea Rossi từ Viện Vật lý Thiên văn Quốc gia - Đài quan sát Vật lý Thiên văn và Khoa học Không gian của Bologna (INAF Bologna) - Ý cho rằng giả thuyết khả dĩ nhất vẫn là nó phát ra từ vật chất đang bị lực hấp dẫn khổng lồ của một lỗ đen kéo vào.

Ông cũng không loại trừ khả năng nó phát ra từ một sao từ - loại sao neutron cực mạnh là lõi trơ lại của một ngôi sao khổng lồ đã chết, tuy nhiên GRB210905A quá nhiều năng lượng để có thể phù hợp với một sao từ.

Để đưa ra kết luận cuối cùng, các nhà khoa học cần tìm thêm nhiều GRB nữa để đối chiếu, so sánh, vì vậy các siêu kính viễn vọng khắp thế giới vẫn không ngừa "đãi cát tìm vàng". Với cái vừa phát hiện, bất cứ thứ gì phát ra từ một thế giới xa và cổ xưa đến thế đều là một báu vật đưa nhân loại chạm gần hơn tới bí mật về thời kỳ sơ khai của vũ trụ.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm