Thanh thiếu niên còn trẻ, khỏe, sức đề kháng tốt, rất khó để mắc não mô cầu khuẩn. Đó là suy nghĩ của nhiều thanh thiếu niên như Quốc Khang (18 tuổi, TP.HCM). Cậu sinh viên chia sẻ: “Ngày thường tôi cũng tập gym, ăn uống lành mạnh và ít khi đến những nơi có mầm bệnh. Tôi nghĩ vậy là đủ để bảo vệ bản thân”.
Tương tự Khang, chị Thanh Hiền (Cần Thơ) cho biết 2 con ở tuổi 15 và 18 đã tiêm đủ các mũi cơ bản ở chương trình Tiêm chủng mở rộng. “Tiêm vậy là đã đủ rồi, hơn nữa, bệnh não mô cầu ít gặp nên tôi nghĩ khả năng mắc bệnh của con không cao”, chị Hiền nói.
![]() |
Thanh, thiếu niên dù khỏe mạnh vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh do não mô cầu. Ảnh: Shutterstock |
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Quảng, Quản lý Y khoa Vùng 4 - miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, những quan điểm trên không hoàn toàn chính xác. Vắc-xin não mô cầu chỉ có trong tiêm chủng dịch vụ nhưng nhiều người hiểu nhầm đã có trong tiêm chủng mở rộng, vì thế không tiêm phòng đầy đủ cho con.
Hằng năm, trên toàn cầu có hơn 1,2 triệu ca nhiễm và khoảng 135.000 người tử vong vì căn bệnh này. Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, não mô cầu là 1 trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Bác sĩ Quảng cho biết, vi khuẩn não mô cầu lây qua đường hô hấp khi hít phải các giọt tiết chứa vi rút từ mũi, họng bắn ra hoặc lây gián tiếp qua các vật dụng. Trong cộng đồng, nguồn lây bệnh có thể từ người bệnh hoặc người mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng. Theo các nghiên cứu, ký túc xá, doanh trại có tỷ lệ người lành mang vi khuẩn não mô cầu cao gấp 2-3 lần.
![]() |
Thanh thiếu niên thường đến các lễ hội đông người nên có nguy cơ mắc não mô cầu cao. Ảnh: Shutterstock |
Thanh thiếu niên thường xuyên đến các sự kiện đông người như lễ hội, đại nhạc hội và các quán bar, cà phê, câu lạc bộ… nên nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh cao. Họ cũng thường sinh hoạt ở môi trường tập thể như ký túc xá, nhà trọ, doanh trại, trại tập huấn. Việc tiếp xúc gần, sinh hoạt chung, ăn uống, sử dụng vật dụng chung, hôn nhau và quan hệ tình dục cũng tạo cơ hội cho vi khuẩn lây lan.
Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt không lành mạnh của thanh thiếu niên như hút thuốc lá, uống rượu bia, thức khuya cũng làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập. Một khảo sát năm 2019 cho thấy tỷ lệ học sinh từ 13 đến 17 tuổi có quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi đã tăng gấp 2 lần trong 6 năm qua tại Việt Nam.
![]() |
Thói quen hút thuốc lá của thanh thiếu niên làm gia tăng khả năng mắc não mô cầu. Ảnh: Shutterstock |
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị tích cực cho một thiếu niên 17 tuổi chưa tiêm vắc-xin mắc não mô cầu nặng, gặp biến chứng viêm cơ tim và nhồi máu não. 74 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng được theo dõi tình trạng sức khỏe. Trước đó, một quân nhân 24 tuổi cũng tử vong do sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp, 7 người tiếp xúc xét nghiệm dương tính.
Bệnh não mô cầu có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ và để lại nhiều di chứng nặng nề như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm khớp, hoặc thậm chí là cắt cụt chi, điếc, mù lòa, thiểu năng trí tuệ. Đầu tháng 2 năm nay, một bé trai 7 tuổi ở huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) mắc não mô cầu đã hôn mê, ngừng tuần hoàn chỉ sau vài giờ nhập viện.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa Lancet cho thấy thời gian trung bình từ khi khởi phát đến khi nhập viện ở thanh thiếu niên là 22 giờ, muộn hơn so với trẻ em nhỏ, ảnh hưởng kết quả điều trị.
Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng thể chất, chất lượng cuộc sống, kết quả học tập và lựa chọn công việc. Trong một nghiên cứu về bệnh do não mô cầu ở 101 trường hợp thanh thiếu niên ở Anh từ 16-22 tuổi, có 58% gặp các vấn đề như sẹo da, chóng mặt, hạn chế khả năng vận động, rối loạn ngôn ngữ, mất thính lực, cắt cụt chi, co giật.
![]() |
Não mô cầu còn được gọi là “bệnh tử 24 giờ”, đe dọa sức khỏe thanh thiếu niên. Ảnh: Shutterstock |
Bác sĩ Quảng cho biết phòng ngừa bệnh do não mô cầu bằng vắc-xin là biện pháp hiệu quả, an toàn, bảo vệ thanh thiếu niên khỏi “bệnh tử 24 giờ” và các biến chứng nguy hiểm.
Hiện Việt Nam đã có các loại vắc-xin phòng ngừa các nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu phổ biến gồm: vắc-xin phòng nhóm A, C, Y, W-135 của Mỹ, nhóm B của Ý và nhóm B, C của Cuba. Các vắc-xin tiêm cho trẻ em và người lớn từ 2 tháng tuổi đến 55 tuổi. Mỗi người cần tiêm đầy đủ vắc-xin phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu A, B, C, Y, W-135.
![]() |
Tiêm phòng là cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho thanh thiếu niên. Ảnh: Vecteezy |
Một nghiên cứu tại Mỹ về tỷ lệ tử vong theo nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu được báo cáo trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, nhóm W có tỷ lệ tử vong cao nhất, chiếm 21,5%, tiếp theo là nhóm C (14,6%), nhóm Y (9,8%) và B (9,6%). Từ khi đưa vào sử dụng, vắc-xin cộng hợp tứ giá A, C, Y, W-135 đã giúp giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở nhóm thanh thiếu niên do các nhóm huyết thanh chính C, Y, W.
Bên cạnh đó, thanh thiếu niên cần chú ý tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục thường xuyên, tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm.