Mới đây, phóng viên Dân trí nhận được phản ánh của anh H. (20 tuổi, sống tại TPHCM), về việc bị một phòng khám "phán" có nhiều tình trạng khó hiểu khi đi điều trị vấn đề nam khoa.
Đi cắt bao quy đầu, bị "phán" có nang mào tinh hoàn gây vô sinh
Theo lời kể của nhân vật, ngày 20/3, qua thông tin trên mạng xã hội, anh đến phòng khám ở quận 5 (TPHCM) để làm thủ thuật cắt bao quy đầu, với giá quảng cáo chỉ vài trăm nghìn đồng.
Sau khi đóng tiền siêu âm, anh được phòng khám kết luận có "nang mào tinh hoàn bên trái, ít dịch tinh mạc 2 bên" và "tiền liệt tuyến nhu mô giảm âm không đều".
Kế đến, một người tự xưng là bác sĩ khám và tiếp tục thông báo nam thanh niên bị hẹp bao quy đầu nên nước tiểu có thể "đi ngược vào trong", dẫn đến tình trạng nêu trên. Nếu không xử lý kịp thời, H. có thể bị vô sinh.

Phiếu siêu âm tại phòng khám cho kết luận nam thanh niên bị "nang mào tinh hoàn bên trái" (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Lo lắng, chàng trai hỏi phải xử lý như thế nào thì được bác sĩ đưa ra 3 phương pháp, với 3 giá khác nhau. H. chọn phương pháp bắn laser để xử lý bao quy đầu, giá 2,6 triệu đồng.
Trải qua khoảng 10 phút xử lý, người tự xưng bác sĩ lại thông báo bệnh nhân có vài cục máu bầm xung quanh, phải phẫu thuật xử lý để không ảnh hưởng về sau, với các gói 12-15 triệu đồng. Lúc này, H. gọi điện thoại cho mẹ để xin ý kiến.
"Trong lúc trao đổi, bác sĩ luôn hối thúc đóng tiền để mẹ tôi đồng ý ngay, nếu không khi thuốc tê hết tôi sẽ bị đau. Còn nếu không phẫu thuật, tôi sẽ bị ảnh hưởng về chức năng sinh sản về sau. Sau những lời thúc giục đó, mẹ tôi lo lắng nên đã đồng ý", người phản ánh kể.
Tổng cộng, nam thanh niên phải đóng tất cả chi phí điều trị tại phòng khám hơn 18,4 triệu đồng, gấp nhiều lần so với giá ban đầu anh được tư vấn.

Bệnh nhân phải đóng tổng cộng hơn 18 triệu đồng cho phòng khám (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Nghi ngờ bị điều trị không đúng và thấy vùng kín có bất thường, chàng trai đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) khám lại.
Phía Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận có trường hợp bệnh nhân tên H. đến nơi này điều trị khám trong tình trạng có vết thương viêm, nề vùng kín, thấm ít dịch trong, sau khi cắt bao quy đầu. Bệnh nhân được bác sĩ cho thay băng, kê thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm phù nề và hẹn tái khám theo dõi.
Bác sĩ khuyến cáo gì?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Trà Anh Duy, chuyên khoa Nam học, cho biết nang mào tinh hoàn (spermatocele) là một túi chứa dịch nhỏ hình thành trong mào tinh, thường có đường kính từ vài milimet đến vài centimet.
Nang mào tinh hoàn thường không gây triệu chứng rõ rệt. Người bệnh chỉ tình cờ phát hiện một khối tròn nhỏ, mềm, không đau ở bìu, hoặc được phát hiện qua siêu âm khi khám định kỳ.
Một số ít trường hợp, người bệnh có thể cảm thấy căng tức nhẹ vùng bìu nếu nang lớn, cảm giác vướng víu, nặng nề khi vận động. Tuy nhiên, nang không gây sưng nóng đỏ, không gây đau cấp tính như viêm tinh hoàn hay xoắn tinh hoàn.
Quan trọng hơn, nó không ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh hay xuất tinh, nếu ở kích thước nhỏ và không chèn ép vào ống dẫn tinh.
Theo bác sĩ Duy, "nang mào tinh hoàn có gây vô sinh không" là câu hỏi khiến nhiều người lo lắng - và cũng là điểm thường bị các cơ sở khám chữa bệnh trôi nổi, "tà đạo" khai thác để gây sợ hãi cho bệnh nhân.

Bác sĩ khẳng định, nang mào tinh hoàn không phải ung thư và không phải bệnh lý nguy hiểm (Ảnh minh họa: BV).
Một nghiên cứu vào năm 2009 trên 125 nam giới (công bố trên tạp chí khoa học Andrology) cho thấy, nang mào tinh hoàn không có mối liên hệ đáng kể nào với việc giảm chất lượng tinh trùng hoặc khả năng sinh sản.
Bác sĩ khẳng định, đa số nang mào tinh hoàn không cần điều trị. Nang không ảnh hưởng đến hormone sinh dục, không gây teo tinh hoàn và không làm tắc hoàn toàn đường dẫn tinh nếu ở kích thước nhỏ.
Chỉ trong một số rất hiếm trường hợp nang quá lớn (trên 2cm), chèn ép mạnh hoặc kèm theo biến chứng viêm xoắn mào tinh thì mới cần can thiệp bằng phẫu thuật.
Phẫu thuật cắt nang là một thủ thuật đơn giản, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến ống dẫn tinh liền kề. Do đó chỉ nên thực hiện khi thật sự cần thiết và có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.
"Nang mào tinh hoàn không phải ung thư, không phải là bệnh nguy hiểm và gần như không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Phát hiện nang không có nghĩa là cần điều trị hay can thiệp phẫu thuật.
Điều quan trọng là phải hiểu đúng và tránh bị lợi dụng bởi những thông tin hù dọa không chính xác, gây hoang mang để trục lợi", bác sĩ khuyến cáo.