Bệnh nhân gửi đơn kêu cứu
Vụ việc trên xảy ra tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn (số 98-100 đường Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, Quận 1, TPHCM). Trực tiếp đến Báo Tiền Phong phản ánh và gửi đơn kêu cứu, nam sinh Trung Hiếu cho biết, em có ước mơ học trường đại học Sĩ quan Lục quân 2 tại Biên Hòa, Đồng Nai. Tuy nhiên, cả hai mắt lại bị cận và loạn. Nếu không mang kính, thị lực mắt trái đạt 7/10, mắt phải đạt 6/10.
Để đủ điều kiện sức khỏe theo học khối ngành quân sự, tháng 4/2023 sau khi tìm hiểu thông tin quảng cáo, gia đình đưa Hiếu đến kiểm tra và phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn. Trung Hiếu cho biết: “Sau khi bác sĩ thăm khám, BS Trương Công Minh chỉ định cho em mổ bằng phương pháp Femto Lasik. Bác sĩ khẳng định mắt của em sẽ bình phục hoàn toàn và không có biến chứng. Cuộc mổ diễn ra vào ngày 10/4, một ngày sau, bác sĩ thăm khám nhưng không đo thị lực từng mắt mà đo cùng lúc cả 2 mắt và kết luận mắt của em phục hồi tốt”.
Một tuần sau xuất viện, bệnh nhân đi khám sức khỏe để thi vào trường Sĩ quan Lục quân thì bác sĩ xác định, thị lực mắt phải chỉ còn 4/10. “Em vội cùng gia đình vào Bệnh viện Mắt Sài Gòn để kiểm tra lại. Dù mắt của em nhìn không rõ nhưng ngày 20/4, bác sĩ của Bệnh viện Mắt Sài Gòn vẫn kết luận “mắt phục hồi tốt”. Gia đình không đồng ý, yêu cầu bệnh viện kiểm tra lại thị lực từng mắt, lúc này bác sĩ mới kết luận, mắt phải của em thị lực chỉ còn 2/10. Tuy nhiên, bệnh viện không có giải pháp can thiệp mà đề nghị về nhà theo dõi với lý do mắt sẽ phục hồi từ từ nên gia đình không đồng ý” – Trung Hiếu nói.
Bệnh viện đã họp hội đồng chuyên môn và kết luận vụ việc
“Ngày 22/4, Bệnh viện Mắt Sài Gòn đưa con tôi đến khám tại Bệnh viện Mắt TPHCM nhưng không xác định được nguyên nhân suy giảm thị lực mắt phải. Bệnh viện Mắt Sài Gòn đã làm giấy cam kết sẽ phục hồi thị lực lại cho con tôi sau 1 tháng. Tuy nhiên, sau 1 tháng thị lực của cháu ngày càng suy giảm, ở khoảng cách 1m chỉ phân biệt được sáng tối. Lúc này chúng tôi đưa con đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn thăm khám lại thì bị bệnh viện từ chối khám và báo Công an phường Bến Thành đến làm việc vì cho rằng gia đình gây rối trật tự” – bà Lê Thị Ngọc Thanh (mẹ bệnh nhân) nói.
Mẹ bệnh nhân cho biết, đến nay đã hơn 7 tháng sau cuộc mổ, thị lực mắt phải của Trung Hiếu ngày càng xấu, gia đình đã nhiều lần đề nghị bệnh viện tìm nguyên nhân và có giải pháp khắc phục để hỗ trợ nam sinh. Tuy nhiên: “bệnh viện nói không tìm ra nguyên nhân gây nên suy giảm thị lực và từ chối chịu trách nhiệm với một bên mắt bị giảm thị lực nghiêm trọng của con tôi”.
Sau khi tiếp nhận đơn thư, phản ánh của bệnh nhân và gia đình, phóng viên đã nhiều lần liên lạc với Bệnh viện Mắt Sài Gòn để tìm hiểu vụ việc. Ngày 8/11, Bệnh viện có công văn phúc đáp đến báo Tiền Phong. Người ký công văn phúc đáp là bà Lê Thị Tuyết Mai, Giám đốc vận hành Bệnh viện Mắt Sài Gòn nêu: “Bệnh nhân đã phẫu thuật điều trị tật khúc xạ bằng phương pháp Femto Lasik. Bệnh viện đã họp hội đồng chuyên môn. Đến thời điểm hiện tại ý kiến của hội đồng chuyên môn là không có cơ sở kết luận tình trạng của bệnh nhân là do quá trình phẫu thuật”.
Trao đổi với phóng viên về những rủi ro có thể xảy ra trong phẫu thuật tật khúc xạ, một chuyên gia trong lĩnh vực nhãn khoa TPHCM cho biết, dù nguy cơ rất thấp nhưng bệnh nhân phẫu thuật tật khúc xạ có thể bị các biến chứng như lệch vạt giác mạc, nếp gấp vạt giác mạc. Sau phẫu thuật nếu xảy ra va chạm mạnh, bệnh nhân có thể bị trượt vạt giác mạc. Các rủi ro trên sẽ ảnh hưởng xấu đến thị lực của người bệnh. Nếu gia đình và bệnh viện chưa tìm được tiếng nói chung thì cần lập hội đồng chuyên môn cấp cao hơn để đánh giá và đưa ra kết luận khách quan về vụ việc, tránh khiếu kiện kéo dài.
Liên quan đến vụ việc trên, gia đình bệnh nhân đã có đơn thư khiếu nại gửi đến Sở Y tế TPHCM. Ngày 31/10, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã chuyển kiến nghị, phản ánh của gia đình bệnh nhân đến Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn. Sở Y tế yêu cầu bệnh viện xem xét, giải quyết vụ việc và báo cáo kết quả về Sở Y tế.