Khoa học

Năm nhiệm vụ khoa học công nghệ vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Năm nhiệm vụ khoa học công nghệ vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ - Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ

Sáng 8-11, tại Quảng Bình, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Xuân Định - thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết trong gần 2 năm triển khai thực hiện nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng.

Cùng với đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo có nhiều khởi sắc, có sự gắn kết, hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp trong vùng…

Tuy nhiên, theo ông Định, bên cạnh những kết quả đạt được, KHCN & ĐMST vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ còn nhiều khó khăn, thách thức, như tiềm lực khoa học và công nghệ của nhiều địa phương trong vùng còn hạn chế, nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ còn thiếu.

Ngoài ra, hoạt động ứng dụng công nghệ tuy có nhiều kết quả nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, ở phạm vi xây dựng mô hình và còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi nhân rộng, phát triển; thiếu nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng quy mô lớn, có tính liên ngành, liên vùng để tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng lớn, tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng.

Năm nhiệm vụ khoa học công nghệ vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ - Ảnh 2.

Ông Lê Xuân Định, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ

Để KHCN & ĐMST phục vụ tích cực và hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo định hướng tại nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển vùng, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Thứ trưởng Lê Xuân Định yêu cầu các địa phương trong vùng tập trung vào một số nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về KHCN & ĐMST nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN & ĐMST tại các địa phương trong vùng và cả nước, trọng tâm là việc sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ, các luật chuyên ngành.

Các địa phương tiếp tục chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch…, nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù (như Đà Nẵng, Nghệ An, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế) nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của vùng.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho hoạt động KHCN & ĐMST bao gồm ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của các tổ chức khoa học và công nghệ trong vùng.

Thứ trưởng yêu cầu cần có giải pháp thu hút nhân lực trình độ cao, chuyên gia khoa học và công nghệ tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở địa phương, nhất là để tham gia giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn, cấp thiết tại địa phương, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản; các lĩnh vực thuộc tiềm năng, thế mạnh của địa phương/của vùng.

Thứ tư, bên cạnh tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, thứ trưởng đề nghị các địa phương trong vùng tăng cường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, nhằm huy động, tận dụng nguồn lực quốc gia, bao gồm cả nguồn lực tài chính, chuyên gia khoa học và công nghệ , nhân lực trình độ cao…

Thứ năm, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ như: sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; thông tin, thống kê khoa học và công nghệ…

Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về KHCN & ĐMST, nhất là trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm