Phong cách sống

NAG Harry Vũ: "Đối với tôi, dự án 0 đồng hay 100 đồng cũng như nhau, vì trước ống kính máy ảnh, mọi chủ thể của tôi đều được đối xử bình đẳng"

NAG Harry Vũ: "Đối với tôi, dự án 0 đồng hay 100 đồng cũng như nhau, vì trước ống kính máy ảnh, mọi chủ thể của tôi đều được đối xử bình đẳng" - Ảnh 1.

Là cái tên "đình đám" trong làng nhiếp ảnh Việt Nam đương đại, là tác giả của triển lãm nghệ thuật "mở màn" cho sự thăng hoa của văn hoá - lịch sử dân tộc "Lĩnh Nam - họ Hồng Bàng", song NAG Harry Vũ lại là người khá "kín tiếng" khi nói về mình. Khác với những dự án nghệ thuật và tác phẩm trình làng gây nên những tiếng vang lớn, Harry Vũ là con người rất giản dị, mộc mạc và có đôi chút hồn nhiên - sự hồn nhiên của một tâm hồn nghệ sỹ trong trẻo, muốn hướng nghệ thuật của mình tới Chân - Thiện - Mỹ và mang lại giá trị chữa lành.

"Đi thật xa để trở về" và chặng đường 

tu nghiệp không dễ dàng

Điều gì đã khiến Harry Vũ "bén duyên" với nhiếp ảnh và quyết định theo đuổi niềm đam mê này?

Những năm cấp 3, tôi là học sinh trung bình, có khi xém phải ở lại lớp dù trước đó thì học rất giỏi. Lý do là tôi không cảm thấy hứng thú với những kiến thức mình được học mà chỉ chú tâm vào điều mình thích nhất, đó là những hình khối, không gian… Bởi vậy, tôi thuyết phục gia đình cho mình đi du học với ngành mỹ thuật, đồ hoạ. Để đủ điều kiện đi du học, từ chỗ zero tiếng Anh, tôi đã học cật lực để trong 3 tháng, đạt đủ IELTS 6.0. Lúc đầu, tôi chỉ dự định đi Singapore, nhưng sau đó nghĩ nếu đi gần quá, nhớ nhà lại bay ngay về thì vừa tốn kém, vừa khó đạt được mục tiêu. Nên trong những tháng cuối cùng tôi đã "quay xe", chọn đi du học Úc.

Càng theo học ngành này, tôi càng nhận ra rằng đây là thứ ngôn ngữ phù hợp để tôi thể hiện bản thân mình, nói lên những tư duy, quan điểm của cá nhân mà tôi khó lòng thể hiện bằng ngôn từ hay bất cứ điều gì khác. Trong quá trình học, do thành tích tốt, tôi được trường ưu tiên cho học thêm một ngành khác liên quan tới ngành tôi đang học, chỉ với một nửa thời gian. Khi đó, họ không đề nghị giảm học phí cho tôi, mà chỉ đề nghị giảm thời gian học xuống một nửa. Gia đình tôi cũng không có điều kiện, đi du học là cả một sự cố gắng của cả gia đình, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng tiền bạc không quan trọng, thời gian mới là thứ ta không nên lãng phí. Và tôi quyết định theo học thêm nhiếp ảnh cổ điển. Sau này, đây chính là con đường mà tôi chọn để phát triển sự nghiệp của mình.

NAG Harry Vũ: "Đối với tôi, dự án 0 đồng hay 100 đồng cũng như nhau, vì trước ống kính máy ảnh, mọi chủ thể của tôi đều được đối xử bình đẳng" - Ảnh 2.

Du học không chỉ là để được đào tạo chuyên môn một cách bài bản. Đó còn là khoảng thời gian để thay đổi nhận thức, tư duy và bước ra khỏi "vòng an toàn". Đối với Harry Vũ, bạn đã trải nghiệm khoảng thời gian đó như thế nào?

Gia đình tôi ở Việt Nam không thuộc hàng khá giả. Mẹ tôi một mình nuôi tôi ăn học nên khá khó khăn, mặc dù vậy, khi còn ở nhà, tôi cũng không phải làm việc gì nhiều ngoài tập trung cho học tập, nên vốn sống khá ít ỏi. Sang Úc du học là một bước ngoặt vô cùng lớn với tôi. Để trang trải sinh hoạt phí, ngoài giờ học, tôi đã đi làm thêm rất nhiều công việc, từ những việc lao động chân tay nặng nhọc với đồng lương ít ỏi. Tôi hầu như không từ chối bất cứ một công việc nào, chỉ cần có cơ hội để làm. Sau rất nhiều công việc, tôi nhận được một việc làm khá tốt, đó là quản lý vận hành cho một khu vui chơi dành cho trẻ em. Dù công việc chính là quản lý, nhưng tôi đã tự tay làm mọi việc, từ dựng hàng rào, làm điện, ống nước… Tôi nghĩ rằng đó là lúc để mình trải nghiệm. Mình phải làm những công việc đó, phải thực sự sống cùng những người thợ, người lao động, để hiểu họ thì mới có thể "phác hoạ" lại được con người họ theo một góc nhìn chân thực và công tâm nhất. Cho đến nay, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đó khi chụp hình các nhân vật của mình.

Đó quả thật là sự nỗ lực mà ít người có thể làm được. Vậy những điều đó đã giúp Harry Vũ đạt được thành quả gì?

Ngoài kiến thức chuyên môn được đào tạo bài bản, khoảng thời gian du học đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Tốt nghiệp cuối kỳ, tôi được làm một triển lãm ảnh của riêng mình tại trường và tôi đã đặt tên dự án đó là "Before the Storm", ghi lại tất cả những gương mặt của những người phụ nữ tôi đã gặp trong đời. Họ đều là những người rất bình thường, nhưng mọi sự bình thường nào cũng đều ẩn chứa một câu chuyện đặc biệt. Họ có những câu chuyện của riêng mình và có thể chạm tới trái tim của người khác, bởi chúng ta luôn nhận thấy có một nét tương đồng nào đó giữa số phận của chúng ta và của họ. Đó là câu chuyện rất cá nhân và đầy ẩn ức, nhưng chạm tới xúc cảm và phần nào đó, mang năng lượng chữa lành.

Nhờ việc quản lý điều hành khu vui chơi trẻ em, năm 25 tuổi, tôi đã tự "sắm" cho mình được một studio trị giá vài trăm nghìn đô Úc. Công việc kinh doanh, kiếm tiền cũng rất tốt và chỉ còn vài tuần nữa là có thể nhận quốc tịch Úc rồi. Nhưng chính lúc đó, tôi quyết định quay về Việt Nam.

NAG Harry Vũ: "Đối với tôi, dự án 0 đồng hay 100 đồng cũng như nhau, vì trước ống kính máy ảnh, mọi chủ thể của tôi đều được đối xử bình đẳng" - Ảnh 3.


Từ thù lao 1.000.000 đồng/show đầu tiên tới thương hiệu đắt giá trong làng nhiếp ảnh

Trở về Việt Nam và lập nghiệp từ con số 0, Harry Vũ đã làm gì để chuẩn bị phát triển sự nghiệp của mình?

Tôi đã bán tất cả những gì mình sở hữu ở Úc, chuyển thành tiền và trở về Việt Nam. Lúc đó, tôi chưa nghĩ ngay tới việc sẽ khởi nghiệp ra sao, bởi sau khi khảo sát thị trường, tôi nhận thấy thù lao cho nhiếp ảnh ở Việt Nam thực sự thấp đến bất công. Hơn nữa, các nhãn hàng trong nước thường ưa thích nghệ sĩ nhiếp ảnh ở nước ngoài, nghệ sĩ trong nước thì phải là người có tên tuổi, mà tôi lúc đó thì chẳng có tên tuổi gì. Tôi đã dành một năm để phát triển thương hiệu cá nhân, có tích xanh trên Facebook… Và dùng số tiền mình có ở Úc để đầu tư, mong muốn số tiền đó sẽ sinh sôi, để mình có thể hoạt động nghệ thuật một cách vô tư, thuần tuý mà không phụ thuộc vào tiền bạc. Bởi nghệ thuật, nếu bị giới hạn bởi tiền, sẽ không còn tự do và sáng tạo nữa.

NAG Harry Vũ: "Đối với tôi, dự án 0 đồng hay 100 đồng cũng như nhau, vì trước ống kính máy ảnh, mọi chủ thể của tôi đều được đối xử bình đẳng" - Ảnh 4.

.

Harry Vũ đã đầu tư và lĩnh vực gì và hiệu quả của việc đó ra sao?

Tôi phá sản và trở về trắng tay. Như bao người trẻ hiếu thắng khác ở thời điểm đó, tôi rơi vào cái bẫy của tiền ảo. Tôi nghĩ rằng nếu gửi tiền vào ngân hàng và để nó sinh sôi chậm chạp thụ động thì thật vô nghĩa, tôi thích đầu tư theo hướng phán đoán được tình huống và tạo ra lợi nhuận. Nhưng đúng lúc tôi quyết định "all-in" vào tiền ảo thì thị trường "sập", và tôi mất tất cả. Khi đó, tôi phải bắt tay vào việc mình đã được đào tạo: chụp ảnh cho các bộ sưu tập thời trang. Show chụp đầu tiên của tôi nhận được thù lao là 1.000.000 đồng cho 30 tấm ảnh, bao gồm tất cả chi phí máy móc, thuê studio nên tính ra một tấm ảnh không đáng bao nhiêu tiền, thậm chí còn lỗ phần công sức bỏ ra. Nhưng khi ấy tôi không có quyền kén chọn.

Vậy hiện nay khi đã trở thành một "thương hiệu" có giá trị, Harry Vũ có "kén chọn" những dự án của mình không?

Tôi nghĩ thay vì kén chọn và than vãn, nên dành nhiều thời gian và tư duy để làm tốt hơn công việc của mình. Không có khó khăn gì là không thể khắc phục. Ví dụ như chụp ảnh ở Anh hay Pháp tất nhiên sẽ đẹp hơn chụp ảnh ở Việt Nam. Một thành phố đang phát triển như Sài Gòn tất nhiên sẽ không có background "đỉnh" như ở nước ngoài, thời tiết, không khí cũng không trong lành bằng, nhưng đó không phải là lý do để từ chối hay than vãn; đó chỉ là thách thức mà bạn phải tìm lời giải để vượt qua.

NAG Harry Vũ: "Đối với tôi, dự án 0 đồng hay 100 đồng cũng như nhau, vì trước ống kính máy ảnh, mọi chủ thể của tôi đều được đối xử bình đẳng" - Ảnh 5.

Chỉ mất vỏn vẹn 01 năm để phát triển thương hiệu cá nhân, trong khi có nhiều người phải mất tới vài năm để làm được điều đó. Đó có thể coi là một thành công của Harry Vũ?

Tôi không phải là người sôi nổi và hướng ngoại, nên tôi cho rằng việc xây dựng thương hiệu cá nhân là cần thiết, nhưng không quá quan trọng. Thay vì mất nhiều thời gian cho nó, tôi muốn dành thời gian cho các dự án và tác phẩm của mình hơn. Tôi không muốn trực tiếp nói lên mình là ai mà muốn những tác phẩm, dự án nghệ thuật của tôi thể hiện điều đó. Tôi muốn thông qua nghệ thuật để nói lên tiếng nói, thể hiện quan điểm và tư duy của mình. Tác phẩm của tôi sẽ đến với công chúng trước, rồi từ đó, mọi người hiểu và biết tới tôi.

Không phải cứ chụp ảnh đẹp là thành nhà nhiếp ảnh. Người chụp ảnh phải có trách nhiệm với thông điệp mà bức ảnh truyền tải. Thông điệp đó có đúng không? Có tích cực không? Và có để lại giá trị gì không?

NAG Harry Vũ: "Đối với tôi, dự án 0 đồng hay 100 đồng cũng như nhau, vì trước ống kính máy ảnh, mọi chủ thể của tôi đều được đối xử bình đẳng" - Ảnh 6.

Nhưng sau đó thì Harry Vũ đã rất thành công với triển lãm "Lĩnh Nam - họ Hồng Bàng" của mình, đó phải chăng cũng là một dấu ấn đáng tự hào trong hành trình trở thành một NAG của bạn?

Được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản về lĩnh vực này, nên tôi rất thận trọng với danh xưng NAG. Không phải cứ chụp ảnh đẹp là thành nhà nhiếp ảnh. Với tôi, một tác phẩm ngoài đẹp ra, còn phải đúng và đủ. Người chụp ảnh phải có trách nhiệm với thông điệp mà bức ảnh truyền tải. Tôi luôn tự trả lời những câu hỏi như: Tấm ảnh này có mang thông điệp đúng đắn không? Có tích cực không? Và có để lại giá trị gì không?

NAG không phải là đích đến của tôi. Đích đến cuối cùng tôi muốn là viết một cuốn sách, được lưu giữ ở một thư viện nào đó trên trái đất này, như một sự khởi đầu, mở đường cho những người kế tiếp. Cũng như "Lĩnh Nam - Họ Hồng Bàng" tôi coi dự án này như một sự khai mở đầu tiên, để những người cùng chí hướng, quan điểm sẽ tiếp tục phát triển, dựa trên chất liệu văn hoá - lịch sử truyền thống để tạo nên những dấu ấn, điểm nhấn ấn tượng nhằm quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Các thế hệ tiếp theo sẽ nhân lên lòng tự hào, tự tôn dân tộc giúp chúng ta ghi danh trên trường quốc tế.

Đó là di sản của tôi trong hoạt động nghệ thuật, không phải là cái gì quá to lớn, mà như một sự gợi mở để những người cùng chí hướng có thể tiếp tục phát triển, khai thác những điều tôi đã làm.

Được đào tạo về nhiếp ảnh cổ điển nhưng lại thành công với nhiếp ảnh thương mại, Harry Vũ đã làm gì để dung hoà hai lĩnh vực tưởng như có sự khác biệt rất lớn này?

Đây cũng là câu hỏi tôi nhiều lần đặt ra cho mình. Và câu trả lời của tôi chính là: giữ cho mình một khoảng cách nhất định với tiền bạc. Mọi vấn đề liên quan tới tiền sẽ có người làm giúp cho tôi, việc của tôi chỉ là làm tốt nhất công việc nhiếp ảnh của mình, chỉn chu nhất có thể. Không bị ảnh hưởng bởi tiền bạc giúp tôi tập trung sáng tạo và giữ được cái nhìn cân bằng với mọi chủ thể. Bởi thế, với tôi, show 0 đồng hay 100 đồng cũng như nhau. Mọi chủ thể trước ống kính máy ảnh của tôi đều được đối xử bình đẳng. Được chụp ảnh với tôi như là được ăn uống mỗi ngày vậy. Tôi chỉ quan tâm chụp sản phẩm đó sao cho đẹp nhất, thể hiện được giá trị chứ không quan tâm tới tiền.

Hãy làm tốt nhất công việc mình đang làm, với một tinh thần trong sáng nhất, thật thà nhất. Bởi không có gì được tạo ra với 100% sự chân thành mà lại không đẹp cả.

NAG Harry Vũ: "Đối với tôi, dự án 0 đồng hay 100 đồng cũng như nhau, vì trước ống kính máy ảnh, mọi chủ thể của tôi đều được đối xử bình đẳng" - Ảnh 7.

Cuối cùng, Harry Vũ có lời nhắn gửi nào dành cho các bạn trẻ, những người cũng đang bước trên con đường nghệ thuật không thiếu hào quang nhưng cũng đầy gai góc này?

Thế giới này đã có rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, rất nhiều "tượng đài" với những phong thái khác nhau. Tôi đã rất loay hoay, chật vật để thoát ra khỏi kì vọng của chính mình. Đừng mong muốn làm những chuyện quá "đao to búa lớn" vượt ngoài khả năng của mình. Việc bạn cần làm chỉ là khiêm tốn nhìn nhận lại bản thân, xem mình làm được cái gì, làm được tới đâu.

Điều mà tôi mong muốn nhất bây giờ là chia sẻ được ý niệm của mình tới tất cả các bạn trẻ. Đó là sự chân thành với nhiếp ảnh. Hãy quên đi việc quá khứ mình đã làm được gì, tương lai mình sẽ làm được mà tập trung vào chính thời điểm này để làm tốt nhất công việc mình đang làm, với một tinh thần trong sáng nhất, thật thà nhất với chính mình. Khi đó, bức ảnh của bạn chắc chắn sẽ đẹp. Bởi không có gì được tạo ra với 100% sự chân thành mà lại không đẹp cả.

Cảm ơn Harry Vũ về những chia sẻ thú vị. Chúc bạn thành công với những dự định của mình!

Cùng chuyên mục

Đọc thêm