"Chào Pỉ Nọong! Lại là Hoài đây!" - câu nói đã trở nên quá quen thuộc với những người thích khám phá Cao Bằng. Và Cao Bằng cũng đang nổi lên là một Ngôi Sao Du Lịch trong lòng giới trẻ Việt.
Chỉ cần vào TikTok và gõ từ khóa "Cao Bằng", bạn sẽ thấy ngay kênh @CaoBangreview với hơn 2 triệu lượt thích với hàng trăm video, là kênh lớn nhất về du lịch trên nền tảng video được giới trẻ yêu thích nhất hiện nay. Chủ kênh là Bùi Thu Hoài, cô gái dân tộc Tày, một người con của Cao Bằng "chính hiệu".
Xuống Hà Nội học đại học như nhiều bạn đồng trang lứa khác, tốt nghiệp Hoài cũng dự định xin một công việc ổn định, sáng đi tối về. Cô làm ở một công ty dạy ngoại ngữ trong khoảng 3 năm. Nhưng có lẽ tiếng gọi quê hương luôn cất lên trong sâu thẳm tâm hồn Hoài. Và rồi cô quyết định bỏ phố về quê, bắt tay xây dựng hàng loạt kênh quảng bá du lịch Cao Bằng từ con số 0.
Gần như trên khắp các nền tảng mạng xã hội hot nhất, không đâu không thấy clip hay post của Bùi Hoài về Cao Bằng: Ngoài kênh @CaoBangreview nêu trên thì cô còn là admin của nhiều nhóm hội đông đảo nhất trên Facebook như "Ghiền Cao Bằng", "Review du lịch Cao Bằng"...
Cao Bằng trong vỏ hạt dẻ
Chào Pỉ Nọong! Lại là Hoài đây! Hôm nay, lần đầu tiên Hoài sẽ dẫn mọi người đi một “tour Cao Bằng” không nhiều người biết đâu! Không phải Thác Bản Giốc, không phải hang Pác Bó hay Núi Thủng, Động Ngườm Ngao, mà bắt đầu từ vườn Hạt Dẻ.
Cứ vào độ tháng 9 - tháng 10 hàng năm, trời bắt đầu se se lạnh. Đó là lúc Hoài biết rằng mùa Hạt Dẻ tới rồi. Hoài vội khoác chiếc áo ấm, đi đôi ủng, xách chiếc giỏ ra vườn dẻ sau nhà để nhặt hạt.
Nói chuyện với rất nhiều bạn bè nơi xa thì Hoài mới biết rằng hóa ra mọi người chỉ biết đến Hạt Dẻ chứ quả dẻ hoặc cây dẻ trông thế nào lại hầu như không ai biết. Hoài cũng vẫn tự lấy làm lạ là sao mảnh đất Cao Bằng này rộng lớn thế mà chỉ có vùng đất Trùng Khánh có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho cây dẻ phát triển.
Mỗi cây con từ lúc trồng đến lúc thu hoạch cũng mất khoảng 7-8 năm, mỗi vườn cũng chỉ có 20-30 cây, diện tích không nhiều. Cả huyện Trùng Khánh hiện chỉ có khoảng 300ha trồng dẻ, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Đình Phong, Đình Minh, Chí Viễn, Ngọc Khê… Chính vì vậy, Hoài hay đùa rằng đôi khi chính người Cao Bằng muốn tìm Hạt Dẻ để ăn cũng khó, bởi sản lượng quá ít ỏi.
"Hóa ra mọi người biết nhiều đến hạt dẻ chứ quả dẻ hoặc cây dẻ trông thế nào lại rất ít người biết."
Thế nên, nếu ở Hà Nội hay đâu đó mà có thấy bán “Hạt Dẻ Trùng Khánh” với số lượng nhiều và bán quanh năm - thì các bạn hãy cẩn thận.
Cây dẻ không khó chăm sóc, tuy nhiên để lấy được hạt bên trong thì lại không “dễ xơi” chút nào đâu nhé, cẩn thận kẻo gai đâm đầy tay đấy!
Khi tới vụ thu hoạch, quả dẻ đã chín, từ màu xanh chuyển dần qua màu nâu. Người dân sẽ chờ quả tự rụng, hoặc dùng sào đập cho những trái chín rụng xuống đất. Đặc biệt, quả dẻ rất “khó tính”, chỉ cần sau vài ngày rơi xuống mà không ai thu hái thì hạt sẽ bị thối hỏng ngay.
Quả dẻ bên ngoài trông tựa như chú cầu gai ở biển, vỏ chi chít gai, sơ sẩy chút là gai sẽ đâm ngay vào tay, nên để lấy được hạt bên trong sẽ phải dùng kẹp gắp lấy, hoặc dùng chân đi ủng chuyên dụng, giẫm cho hạt bên trong lộ ra.
Sau khi được Hạt Dẻ thì rửa sạch rồi cần dùng dao khứa một vài đường cho dễ tách vỏ, sau đó đem đi luộc, rồi rang trên chảo nóng hoặc hiện đại hơn thì vào lò nướng. Thưởng thức Hạt Dẻ nóng hổi, thơm lừng trong cái thời tiết se se lạnh, khi đó mới cảm nhận được rõ rệt hương vị của mùa đông, hương vị của núi rừng.
Nhớ lại hồi nhỏ Hoài thường cùng với mấy đứa em sáng dậy thật sớm đi mót Hạt Dẻ, không cẩn thận một cơn gió đi qua quả dẻ rơi trúng đầu thì đau phải biết. Nhặt được cỡ chục quả thì về lấy hạt, bỏ ngay vào bếp than nướng lên. Lỡ mà có quên khứa vỏ hạt, thì nó nổ BÙM, chỉ còn lại trơ cái vỏ hạt ở ngoài thôi đấy!
Dấu hiệu nhận biết này! Hạt Dẻ Trùng Khánh hạt không quá to nhưng chắc mẩy, vỏ bên ngoài màu nâu sẫm, có một lớp lông tơ mỏng ở bên ngoài, nhân bên trong màu vàng tươi. Đây chính là những đặc điểm để trong hàng chục loại dẻ khác nhau ở ngoài chợ, người Trùng Khánh chỉ cần thoáng nhìn cái là biết đâu là Hạt Dẻ Trung Quốc “mạo danh Trùng Khánh”.
Chỉ vài năm trở lại đây, một loại hình du lịch trải nghiệm mới bắt đầu được đưa vào khai thác, gắn liền với Hạt Dẻ. Hãy thử tưởng tượng một nhóm bạn hoặc gia đình cùng cắm trại trong vườn dẻ cổ thụ, cùng nhau nhặt và chế biến Hạt Dẻ ngay tại vườn, cùng mở tiệc BBQ trong vườn, không khí trong lành và yên bình, tránh xa những bộn bề mệt mỏi của nơi phố thị, hòa mình cùng với thiên nhiên, con người nơi đây.
Vừa được thưởng thức cảnh đẹp, món ngon mà lại còn có ảnh cực chill mang về. Còn gì vui hơn phải không?
Bắt đầu khám phá Cao Bằng với trải nghiệm thu lượm hạt dẻ và cắm trại tại đây.
Nếu chọn vườn dẻ tại Trùng Khánh làm nơi bắt đầu hành trình, bạn có thể chuyển sang huyện Nguyên Bình. Đây cũng là nơi Hoài đặc biệt yêu thích vì vườn hoa cẩm tú cầu đang vào độ đẹp nhất.
Hoa Cẩm Tú Cầu đang rộ
Không còn phải tới tận Đà Lạt, chúng ta mới có thể được chiêm ngưỡng và thả dáng bên những bông cẩm tú cầu rực rỡ. Mà giờ đây hoa cẩm tú cầu tại Nguyên Bình cũng đang độ rực rỡ nhất. Hoa cẩm tú cầu được trồng nhiều nhất ở Phia Đén. Nhiệt độ ở đây luôn thấp hơn ngoài thành phố 4-5 độ, vào mùa đông nơi đây còn có băng tuyết bao phủ toàn bộ đỉnh Phia Oắc. Chính vì khí hậu mát lạnh quanh năm ở đây lại rất thích hợp cho cây cẩm tú cầu phát triển.
Hai nơi có nhiều hoa nhất là Khu du lịch sinh thái Kolia và Ao Cá Hồi. Những vạt hoa cẩm tú nở rực rỡ bên cạnh hồ nước xanh ngắt, xung quanh được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh của Vườn quốc gia Phia Oắc, khung cảnh tựa như bên trời Âu nào đó vậy.
Hoa cẩm tú cầu tại Nguyên Bình cũng đang độ rực rỡ nhất.
Không còn phải tới tận Đà Lạt, chúng ta mới có thể được chiêm ngưỡng và thả dáng bên những bông cẩm tú cầu rực rỡ.
Hoa cẩm tú cầu ở Cao Bằng chỉ nở vào tháng 5 đến giữa tháng 6 là tàn. Để di chuyển đến nơi có hoa cẩm tú cầu mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, trên đường vào đây có rất nhiều điểm dừng chân để các bạn ghé thăm như đỉnh Phia Oắc, rừng trúc, làng văn hóa cộng đồng Hoài Khao, đồi thông Phia Đén, biệt thự Pháp cổ…
Núi Thủng: Không ai có thể làm phiền!
Sau khi ngắm hoa cẩm tú cầu ở Nguyên Bình, hãy cùng Hoài đi cắm trại tại Núi Thủng. Nơi đây có một bãi cỏ rộng mênh mông, bên cạnh là dòng thác Nặm Chá chảy quanh năm, và ở giữa chính là ngọn Núi Thủng.
Núi Thủng cũng ngay tại huyện Trùng Khánh, cách thành phố 40km, ô tô có thể di chuyển đến tận nơi. Nơi này có rất nhiều tên gọi khác nhau như Núi Thủng, Núi Mắt Thần, Tuyệt Tình Cốc hoặc Phja Piot. Ở đây không có sóng điện thoại, không wifi, không mất vé và chỉ có một vài gia đình người Mông sinh sống. Ban đầu nơi đây vốn chỉ là một bãi chăn thả trâu và ngựa của bà con, nhưng hiện nay đã trở thành một địa chỉ du lịch không thể bỏ qua khi tới Cao Bằng.
Từ tháng 3 đến tháng 5, hoặc tháng 9 đến tháng 11, nước lên cao tạo thành những hồ nước nhỏ xanh ngắt, mọi người có thể chèo bè, chèo sup và tắm thỏa thích ở đây. Còn từ tháng 12 đến tháng 2 là mùa nước cạn, để lại là một bãi cỏ xanh ngút ngàn. Chính vì vậy đến đây vào những thời điểm khác nhau sẽ có những hình ảnh khác nhau.
Khoảng 5h chiều mặt trời bắt đầu xuống núi, hoàng hôn rực đỏ ngay phía sau ngọn núi, phía xa xa là những đàn trâu ngựa đang nhởn nhơ gặm cỏ, cảnh tượng vô cùng hoang sơ và yên bình, lúc này ngoài việc ngồi tận hưởng cảnh đẹp thì bạn sẽ chẳng bị bất kì một cuộc gọi hay tin nhắn nào làm phiền. Khi đã dựng trại xong xuôi, tối đến mọi người cùng quây quần quanh đống lửa, ăn uống, nướng thịt và trò chuyện, chơi đùa cùng nhau.
Cắm trại ở đây rất an toàn, vì không gian xung quanh là đồng cỏ, người dân lại vô cùng thân thiện và hiền lành. Sáng sớm bạn sẽ bị đánh thức bởi những chú ngựa hiếu khách, lúc này sương mù vương trên lưng chừng núi, bóng Núi Thủng in xuống mặt hồ nước, bạn hãy pha một ly cà phê, bật một bài nhạc của Đen Vâu, hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành này và từ từ ngắm nhìn khung cảnh tuyệt vời phía trước…
Cảnh non nước tuyệt đẹp tại Cao Bằng khiến bất cứ ai cũng phải xao xuyến.
Cao Bằng trong mắt "người lạ"
"Hành trình vượt 1896km của chàng trai đem lòng yêu Cao Bằng trước cả khi gặp gỡ"
Mình là Kha, hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chính Minh. Cách đây ít ngày mình đã có 1 hành trình dài 1896km từ Nam ra Bắc để khám phá Cực Bắc của Tổ Quốc. Và trong chuyến đi lần này, mình lựa chọn kết thúc hành trình đáng nhớ của mình tại Cao Bằng.
"Hành trình vượt 1896km của chàng trai đem lòng yêu Cao Bằng trước cả khi gặp gỡ"
Rất nhiều người có thể sẽ thắc mắc vì sao mình lại lựa chọn Cao Bằng làm điểm cuối của hành trình mà không phải những địa điểm du lịch nổi tiếng khác ở miền Bắc?
Với cá nhân mình mà nói, mình yêu Cao Bằng trước cả khi gặp gỡ, đây là nơi mình luôn mơ ước được tới một lần trong đời. Vì từ nhỏ mình đã được biết tới hang Pác Bó và suối Lê Nin qua những bài học về lịch sử, khi đó câu chuyện về năm tháng hoạt động cũng như cuộc sống giản dị rất của Bác đã để lại nhiều dấu ấn trong tâm trí mình.
Sau này mình có cơ hội được nhìn thấy thác Bản Giốc, mùa lúa chín vàng ươm, trang phục truyền thống của người dân tộc, cùng nhiều phong cảnh thiên nhiên Cao Bằng qua báo chí, tivi càng khiến mình thêm yêu thích miền rẻo cao chưa một lần đặt chân đến này.
Nếu Hà Giang khiến chúng ta phải Wow lên choáng ngợp vì quá đỗi hùng vĩ thì Cao Bằng lại mang trong mình một vẻ đẹp dịu dàng và êm dịu hơn. Với mình, từng nơi, từng địa điểm mình có cơ hội đặt chân qua ở Cao Bằng đều mang lại nhiều cảm xúc lưu luyến không chỉ vì cảnh vật quá đỗi xinh đẹp mà còn có cả nét văn hóa, ẩm thực độc đáo và những người dân bản xứ hiền lành hiếu khách tại nơi đây.
Suốt hành trình, mình say mê mà cuốn theo từng cung đường dẫn tới từng điểm đến, mình có trải nghiệm đáng nhớ ở làng hương Phia Thắp khi được xem và cùng làm hương với người dân bản xứ.
Trải nghiệm đáng nhớ ở làng hương Phia Thắp.
Và mình còn được mặc trang phục truyền thống của người Lô Lô Đen tại Bản Khuổi Khon. Đây vốn là trang phục của chồng một chị gái người Lô Lô Đen, mình may mắn được chị cho mượn mặc thử.
Lần đầu trải nghiệm mặc trang phục của người Lô Lô Đen tại Cao Bằng. Ảnh: NVCC.
Và sau nhiều năm, cuối cùng mình cũng được tới thăm hang Pác Bó và suối Lê Nin, ở đây nước suối trong xanh như ngọc. Hang Pác Bó nơi vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc từng hoạt động vẫn ở đây, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử hào hùng. Thực sự phải đặt chân đến đây mới cảm nhận trọn vẹn được cảm xúc bồi hồi và thiêng liêng ấy. So với việc được biết đến qua sách vở, hay báo chí, tivi, thì mình khuyên các bạn nên tới đây để có thể cảm nhận mọi thứ thật trọn vẹn.
Cuối cùng không thể thiếu những địa danh như thác Bản Giốc, đèo 14 tầng, động Ngườm Ngao, làng rèn Phúc Sen, núi thủng hay còn gọi là núi mắt thần và Hồ Thang Hen…
"Đây là chuyến đi mình sẽ nhớ cả đời, nhớ bởi vì tất cả đều là ký ức rất đẹp, những trải nghiệm riêng biệt mà không thể nhầm lẫn với bất cứ nơi đâu khác".
Thật sự đây là chuyến đi đáng nhớ và để lại trong mình nhiều kỷ niệm nhất. Mình chắc chắn sẽ quay lại nơi này vào một ngày không xa.
Đôi lời nhắn gửi tới những người trẻ giống như mình rằng đất nước mình bao la rộng lớn, và chúng mình thì còn trẻ. Vậy nên hãy cứ đi, chắc chắn sẽ đến!
"Thả mình theo dòng sông Bằng, vượt qua những con ghềnh nhỏ để xuôi về thành phố"
Mỗi người khi tới Cao Bằng lại lựa chọn những phương tiện và cách thức riêng để trải nghiệm và khám phá vẻ đẹp của nơi đây. Bên cạnh những phương tiện thông thường như ô tô, xe máy, mình quyết định lựa chọn thêm một phương tiện khác mới mẻ và thú vị hơn đó là tự mình chèo thuyền sup hoặc bè nứa.
Chia sẻ của anh Tùng về những trải nghiệm có một không hai tại Cao Bằng.
Việc lặng lẽ thả mình theo dòng sông Bằng, vượt qua những con ghềnh nhỏ để xuôi về thành phố Cao Bằng, sau đó ăn chân gà ở Cầu Bằng Giang là một trong những trải nghiệm cực kì khó quên đối với mình.
Suốt hành trình hơn 5km đường sông qua ngã ba sông Yến về cầu Bằng Giang, mình và những người bạn đồng hành đã cùng nhau đi xuyên qua những tán cây bên rừng, trầm trồ khi nhìn thấy những chùm hoa tre hiếm gặp và lặng ngắm rêu tảo dưới dòng nước xanh trong. Không gian thiên nhiên xinh đẹp đó tách chúng mình khỏi những lo toan bộn bề thường nhật. Để chúng mình có thời gian thư thả, nhẹ trôi và tâm sự với nhau những chuyện trên trời dưới bể.
Sau chuyến đi đó, thứ mình lãi nhất chính là những người bạn chân thành. Những người mà mình có thể dốc lòng chia sẻ mà không cần đắn đo suy nghĩ gì, những người sẵn sàng giúp đỡ mình mọi mặt mà không nề hà bất cứ điều gì.
"Tiếc là mình không được ở lại Cao Bằng lâu hơn"
Trong 3 ngày 2 đêm khám phá núi rừng Cao Bằng, mình thực sự chỉ muốn thốt lên rằng cảnh sắc thiên nhiên ở nơi đây quá đẹp. Mình và những người bạn đồng hành đã có chuyến đi khám phá 7 địa điểm ở Cao Bằng, trong đó nơi khiến mình "phải lòng" chính là suối Lê Nin cùng thác Bản Giốc, vẻ đẹp của 2 nơi này thật sự khó có thể tả hết được bằng lời.
Bên cạnh đó, trải nghiệm cùng bạn bè cắm trại bên Hồ Thang Hen cũng khiến mình vô cùng đáng nhớ. Chúng mình đã có quãng thời gian vui vẻ trò chuyện bên nhau, cùng nhau lang thang trên trảng cỏ bát ngát xanh và cùng nhau lưu giữ nụ cười trong những tấm ảnh xinh đẹp.
Vài điều còn nuối tiếc của bạn Yến sau chuyến đi Cao Bằng.
Thật đáng tiếc là mình không được ở lại Cao Bằng lâu hơn, và mình chưa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của đèo 14 tầng. Tuy nhiên sau chuyến đi vừa rồi mình cũng thu lại được rất nhiều thứ. Đầu tiên, mình lãi được những khoảng khắc vui vẻ bên bạn bè khi cùng nhau khám phá Cao Bằng. Tiếp đó mình lãi được những bức ảnh vô cùng xinh đẹp lưu giữ độ tuổi thanh xuân đẹp nhất, và cuối cùng mình lãi được sự kết nối với thiên nhiên tuyệt đẹp nơi này.
Chắc chắn mình sẽ quay lại Cao Bằng, lần tới mình sẽ dành thật nhiều thời gian để có thể khám phá thật nhiều nơi ở Cao Bằng.
* Các tiêu đề trong bài viết do tòa soạn đặt.