Nikkei Aisa cho biết, ngày 22/9, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành quy định ngăn Trung Quốc và các quốc gia khác dùng trợ cấp của chính phủ Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn. Đây là bước cuối cùng trước khi chính quyền Tổng thống Biden bắt đầu trao khoản trợ cấp 39 tỷ USD cho ngành chip, nằm trong Đạo luật Chips được ban hành tháng 8/2022 với tổng trị giá 52,7 tỷ USD.
Theo quy định mới, các bên nhận tài trợ không được mở rộng năng lực sản xuất chất bán dẫn ở những quốc gia có thể gây nguy hại cho Mỹ trong 10 năm. Các công ty, cá nhân cũng bị hạn chế thực hiện nghiên cứu chung hoặc cấp phép bằng sáng chế công nghệ với các tổ chức nước ngoài có liên quan.
Một điểm mới khác được bổ sung vào lệnh cấm là các công ty sản xuất chất bán dẫn không được mở thêm phòng sạch hoặc không gian vật lý ở những quốc gia được đánh giá là rủi ro. Việc tăng công suất không được quá 5% và năng lực sản xuất của cơ sở không được vượt quá 10%.
Quy định mới cũng phân loại một số chất bán dẫn là quan trọng đối với an ninh quốc gia, do đó phải chịu hạn chế nghiêm ngặt hơn, trong đó có cả các nút công nghệ trưởng thành (tức công nghệ ít tiên tiến) và thế hệ điện toán lượng tử được dùng trong môi trường nhiều bức xạ và năng lực quân sự chuyên biệt khác.
Việc siết cấm vận được Mỹ đưa trong bối cảnh một số công ty Trung Quốc như Huawei tuyên bố đạt được những bước tiến lớn trong việc sản xuất chip nội địa. Đầu tuần này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói trước Quốc hội: "Chúng ta phải tuyệt đối cảnh giác để đảm bảo không một xu nào trong khoản trợ cấp có thể giúp Trung Quốc vượt lên nước Mỹ".
Nếu công ty nhận tài trợ vi phạm quy định, Bộ Thương mại Mỹ có thể rút lại các ưu đãi của liên bang. Raimondo cho biết đang làm việc nhanh nhất có thể để những ưu đãi này được phê duyệt.
Tháng 8/2022, Mỹ thông qua gói tài trợ trị giá 52 tỷ USD, trong đó yêu cầu các công ty chip hạn chế mở rộng hoạt động với Trung Quốc. Đến tháng 10/2022, Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục ban hành biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận một số chip bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị của Mỹ.
Đáp lại động thái trên, đầu tháng 9, Reuters dẫn nguồn tin cho biết, chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị ra mắt Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp, còn gọi là Big Fund nhằm tự chủ trong cuộc đua bán dẫn. Mục tiêu huy động 300 tỷ nhân dân tệ (41 tỷ USD) khiến quy mô của quỹ vượt xa các quỹ được thành lập vào năm 2014 và 2019 với giá trị lần lượt 138,7 tỷ nhân dân tệ (19 tỷ USD) và 200 tỷ nhân dân tệ (27 tỷ USD).
(theo Nikkei Asia)