Theo thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, liên danh gồm Công ty cổ phần Bất động sản Trường Sơn (Trường Sơn Land) và Công ty cổ phần Him Lam là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu dân cư tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa.
Dự án Khu dân cư tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa có tổng diện tích gần 215 ha, quy mô dân số gần 30.700 người. Dự án sẽ cung cấp gần 2.900 sản phẩm gồm nhà liền kề, biệt thự và nhà ở xã hội. Trong đó, gần 1.500 căn nhà liền kề và 46 căn biệt thự cao tối đa 4 tầng sẽ được xây thô, hoàn thiện mặt tiền.
Khu nhà xã hội dự kiến xây dựng trên 5 lô đất với quy mô 16,4 ha, cao 9 tầng. Còn lại gần 5.500 lô đất sẽ chuyển nhượng cho người dân tự xây dựng. Ngoài công trình nhà ở, dự án còn phát triển các công trình công cộng như bệnh viện đa khoa, chợ, bãi đỗ xe, khu thương mại dịch vụ, sân thể thao và trường học.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 11.200 tỷ đồng, đã gồm chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư gần 4.200 tỷ đồng. Dự án hoạt động 50 năm với tiến độ thực hiện từ quý I/2025 đến quý IV/2030.
Công ty cổ phần Him Lam đăng ký thực hiện dự án Khu dân cư tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, Long An
Về hai thành viên liên danh đăng ký thực hiện dự án, CTCP Bất động sản Trường Sơn tên trước đây là CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (hay gọi tắt là Him Lam Land), là đơn vị phụ trách mảng bất động sản của CTCP Him Lam do ông Dương Công Minh làm người sáng lập. Doanh nghiệp này được đổi tên vào ngày 20/12/2023.
Người đại diện theo pháp luật hiện nay của Him Lam Land là ông Nguyễn Ngọc Thủy (sinh năm 1965). Ông Thủy đồng thời là Thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Him Lam Land từ năm 2008, Phó tổng giám đốc đầu tư và tài chính Công ty cổ phần Him Lam (Tập đoàn Him Lam) từ năm 2002.
Him Lam Land thành lập vào tháng 1/2008. Vốn điều lệ của Công ty ghi nhận vào thời điểm cuối năm 2017 đến nay là 1.700 tỷ đồng. Được biết, Him Lam Land là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động của Him Lam như Him Lam Tân Hưng, Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú An,… tại TPHCM; Him Lam Vạn Phúc, Him Lam Vĩnh Tuy tại Hà Nội; cùng các dự án tại nhiều tỉnh, thành khác.
Theo báo cáo tài chính năm 2022, Him Lam Land có vốn chủ sở hữu hơn 2.114 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 6,9 lần, tương đương nợ của doanh nghiệp khoảng 14.586 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp giảm mạnh so với số nợ hơn 21.907 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu bằng 0, trong khi năm 2021 cũng chỉ là 0,05. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 2.379 tỷ đồng, tăng mạnh so với lợi nhuận chỉ hơn 171 tỷ đồng năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2022 lại tăng gấp 14,8 lần, từ 7,47% (2021) lên 110,96% (2022).
Trong khi đó, CTCP Him Lam là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của đại gia Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank và nguyên Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank – nay là Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam. Doanh nghiệp có tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Him Lam được thành lập ngày 01/09/1994 với vốn điều lệ chỉ 300 triệu đồng, trong đó ông Dương Công Minh sở hữu tới 99% vốn của Him Lam. Đến năm 2003, Công ty TNHH Thương mại Him Lam tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng, gấp 30 lần so với số vốn ban đầu.
Sau nhiều lần thay đổi đăng ký doanh nghiệp, đến nay CTCP Him Lam có vốn điều lệ ở mức 10.000 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật hiện tại là Tổng Giám đốc ông Dương Công Hùng. Bà Dương Thị Liêm, em gái ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) đang là Thành viên HĐQT tại Him Lam.
Theo thông tin công bố trên website Him Lam, tập đoàn hiện gồm hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên chủ chốt vẫn là bất động sản với hơn 30 dự án đã và đang đầu tư, tổng số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Không chỉ địa ốc, mảng tài chính ngân hàng của Tập đoàn Him Lam và ông Dương Công Minh cũng gặt hái được những thành công nhất định, trong đó Him Lam tham gia thành lập Ngân hàng TMCP Liên Việt (tiền thân của LienVietPostBank – LPBank ngày nay) và Ngân hàng TMCP Thương Tín (Sacombank). Hiện, ông Dương Công Minh đã từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch Him Lam để tập trung thời gian vào tái cơ cấu Sacombank.
Những năm gần đây, Him Lam cho thấy động thái “nhảy” sang lĩnh vực hàng không, mảng kinh doanh giàu triển vọng nhưng đi kèm rào cản gia nhập quá lớn từ vốn liếng cho đến các quy định, pháp lý.
Tham vọng khởi sự từ năm 2022, Him Lam bất ngờ xuất hiện tại Bamboo Airways với vai trò chủ nợ khi cho hãng bay vay đến 8.000 tỷ đồng để trang trải, đảm bảo vận hành trong giai đoạn cam go sau cú “ngã ngựa” của ông Trịnh Văn Quyết. Cũng từ tháng 8/2022, ông Dương Công Minh chính thức “ra mặt”, bắt đầu giữ vai trò cố vấn cấp cao của Bamboo Airways. Ràng buộc giữa Bamboo Airways và Him Lam, hay ông Dương Công Minh càng thêm chắc chắn khi hãng bay công bố số tiền mượn từ một cá nhân lên tới 7.700 tỷ đồng.