Kỹ năng sống

Muôn cách người dân đối phó với "bão giá" khi giá xăng liên tục tăng, học phí đại học tăng 2-3 lần: Người thắt chặt chi tiêu, người cắt giảm nhu cầu


Kể từ đầu năm nay, giá xăng dầu tăng liên tục chạm đỉnh, kéo theo giá cả của hầu hết các mặt hàng tăng, cuộc sống của người dân như bị đảo lộn. Vừa qua, các trường đại học lần lượt công bố đề án tuyển sinh với mức học phí tăng đến 2-3 lần đã mang thêm nhiều gánh nặng lên đời sống kinh tế của mọi người.

Phụ huynh đau đầu lo tiền học phí cho con

Chị Lăng Ngọc Lan (42 tuổi, Hà Đông) xoay sở đủ đường mới lo được cho người con gái lớn học đại học. Tới đây, đứa con gái út cũng bước vào kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia, chị Lan càng thêm những nỗi lo: “Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn, cả nhà trông chờ vào thu nhập của mình tôi.

Trước kia giá xăng không cao đến thế, vật giá không leo thang, thu nhập của tôi vẫn đủ để trang trải học phí cho con. Từ đầu năm nay, tình hình kinh tế khó khăn quá, con gái tôi phải cất xe máy, đi xe buýt công cộng mới giảm phần nào gánh nặng”

Muôn cách người dân đối phó với bão giá khi giá xăng liên tục tăng, học phí đại học tăng 2-3 lần: Người thắt chặt chi tiêu, người cắt giảm nhu cầu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vừa rồi, nghe con gái nói học phí năm tới sẽ tăng cao, đối với những khóa sinh viên nhập học năm nay sẽ tăng gấp đôi, chị Lan lo lắng rồi trằn trọc cả đêm không ngủ được. Con gái lớn của chị đang học năm thứ 2 đại học, đã đi làm thêm phụ giúp chị nhưng hiện nay giá cả đều tăng cao, chị cũng không dành dụm thêm được nhiều.

“Thu nhập của tôi không tăng, thậm chí gần đây, công việc không đều như trước mà phí sinh hoạt tăng nhiều, tôi cố thắt lưng buộc bụng mà vẫn không tiết kiệm được là mấy. Tới nay con gái út vào đại học, học phí cao như vậy, tôi không biết sẽ xoay sở thế nào để lo cho cả hai đứa. Tất cả mọi khó khăn đều kéo theo nhau đến cùng một lúc, có lẽ thời gian tới tôi cũng sẽ tìm thêm việc để cải thiện thêm thu nhập”, chị bộc bạch.

Nhà nhà “thắt lưng buộc bụng”

Công việc văn phòng bận bịu lại sống một mình, anh Trần Hoài Thanh (24 tuổi, Hà Nội) vẫn luôn có thói quen đặt cơm giao tận nhà. Buổi trưa, anh thường cùng các đồng nghiệp đặt cơm mang đến tận văn phòng.

Dù chi phí khá tốn kém nhưng vì tiện cho công việc, anh Thanh vẫn hài lòng với mức khoản chi mỗi ngày. Tuy nhiên, do tình hình giá xăng tăng không có dấu hiệu giảm, các khoản phí sinh hoạt khác cũng tăng theo, chưa kể phí giao hàng buộc phải tăng, anh buộc phải bỏ những thói quen cũ.

Muôn cách người dân đối phó với bão giá khi giá xăng liên tục tăng, học phí đại học tăng 2-3 lần: Người thắt chặt chi tiêu, người cắt giảm nhu cầu - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

“Trước đây, với khoản chi từ 60.000 đồng đến 80.000 cho bữa ăn mỗi ngày với tôi là rất bình thường nhưng hiện tại, do giá xăng tăng, mọi mặt hàng đều tăng chóng mặt, tôi phải chịu thêm nhiều áp lực kinh tế mới. Hai tuần nay tôi đã thử thay đổi thói quen, ráng dậy sớm nấu đồ ăn mang đến công ty. Tuy nhiên khối lượng công việc nhiều khiến tôi càng thêm áp lực”, anh Thanh bộc bạch.

Khác với anh Thanh, là một người phụ nữ của gia đình, chị Phạm Ngọc Thoa (38 tuổi, Hà Nội) tìm đủ mọi cách xoay sở chi tiêu cho gia đình trong hoàn cảnh vật giá leo thang.

“Dù giờ làm việc chênh lệch nửa tiếng nhưng tôi và chồng vẫn quyết định đi chung xe vì giá xăng tăng cao mà chỗ làm của hai vợ chồng đều xa nhà. Ngoài việc hạn chế tối đa các cuộc hẹn ăn uống cùng bạn bè, tôi phải tính toán tiết kiệm đến cả những thứ nhỏ nhất như kem đánh răng, giấy vệ sinh, dầu gội đầu…”, chị Thoa chân thành chia sẻ.

Mùa hè này, tiền điện nước cũng tăng gấp đôi, gia đình chị Thoa còn phải chi thêm tiền cho bảo mẫu chăm sóc cậu con trai út nên thu nhập vốn không dư giả gì nay càng thêm khó khăn. Cả hai vợ chồng tự nhủ tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy.

Muôn cách người dân đối phó với bão giá khi giá xăng liên tục tăng, học phí đại học tăng 2-3 lần: Người thắt chặt chi tiêu, người cắt giảm nhu cầu - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Với gia đình chị Khánh Ly (Thanh Xuân), thay vì cắt giảm chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, chị quyết định giảm bớt các khoản tiền tiết kiệm hàng tháng, cắt giảm các nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi để sinh hoạt của gia đình bớt áp lực hơn. "Vợ chồng tôi hàng tháng đều dành ra một khoản tiền bằng 20% thu nhập để tiết kiệm và đang dự định đưa cả gia đình 8 người, bao gồm cả ông bà 2 bên đi du lịch Đà Nẵng.

Nhưng với tình hình hiện tại, muốn đảm bảo chất lượng cuộc sống hàng ngày, chung tôi quyết định giảm bớt khoản tiền tiết kiệm và hoãn chuyến đi du lịch. Có lẽ thay vì chi mấy chục triệu để đại gia đình đi du lịch xa, chúng tôi sẽ sắp xếp một chuyến dã ngoại ngắn ngày, chi phí hợp lý hơn. Về tiền tiết kiệm, cũng là khoản dữ trự cho cuộc sống, vợ chồng tôi quyết định giảm xuống 10% thu nhập thôi. Các con đang tuổi ăn tuổi lớn, 2 vợ chồng cũng đi làm vất vả, nên khoản tiền để sinh hoạt ăn uống hàng ngày cần được ưu tiên hơn", chị Ly chia sẻ.

Bão giá ảnh hưởng đến đời sống của mọi gia đình. Có thể thấy, "bão giá" gây ảnh hưởng mạnh tới đời sống của mọi người trong xã hội, nhất là những người có thu nhập cố định ở thành thị. Trước tình hình hiện tại, việc thiết lập kế hoạch chi tiêu, cắt giảm các nhu cầu là rất cần thiết đối với mọi gia đình để đối phó với tình hình lạm phát. Tuy nhiên, chuyện thắt chặt chi tiêu tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng nhà.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm