Gần đây, Tòa án Nhân dân Quận Tùng Giang, Thượng Hải (Trung Quốc) đã công bố một vụ tranh chấp liên quan đến việc mất bưu kiện chuyển phát nhanh. Vào tháng 6 năm 2022, cô Đinh đã bỏ ra gần 20.000 NDT (tương đương 73 triệu đồng) để mua một sợi dây chuyền ngọc phỉ thúy. Sau khi nhận hàng và cảm thấy không hài lòng, cô quyết định hoàn trả lại sản phẩm. Cô đặt đơn hoàn trả thông qua một nền tảng gửi hàng trực tuyến và thanh toán 11,9 tệ phí vận chuyển (khoảng 43.000 đồng).
Bà đặt sợi dây chuyền vào hộp đựng ban đầu, bên ngoài bọc thêm một hộp giấy đơn giản, sau đó giao cho nhân viên chuyển phát nhanh đến nhà lấy hàng. Tuy nhiên, nhân viên này đã không kiểm tra kỹ lưỡng cũng như không hỏi han chi tiết, mà trực tiếp mang bưu kiện đi.

Shipper đã nhận hàng của cô Đinh. Ảnh minh họa
Hơn 10 ngày sau, cô Đinh kiểm tra thông tin vận đơn trên nền tảng gửi hàng và phát hiện trạng thái giao hàng vẫn chưa được cập nhật. Cô lập tức liên hệ công ty chuyển phát để tra hỏi. Nhân viên giao nhận cho biết vẫn không tìm thấy bưu kiện, có khả năng đã bị thất lạc trong quá trình vận chuyển.
Cô Đinh đã cố gắng xem lại camera, khiếu nại, thậm chí báo cảnh sát, nhưng vẫn không thể tìm lại được hàng. Cô yêu cầu công ty chuyển phát bồi thường toàn bộ giá trị sợi dây chuyền gần 20.000 tệ.
Tuy nhiên, công ty chuyển phát lấy lý do bà không mua bảo hiểm hàng hóa (bảo giá), nên theo thỏa thuận chỉ có thể bồi thường tối đa 600 tệ (khoảng 2,1 triệu đồng). Hai bên nhiều lần thương lượng nhưng không thành, cuối cùng cô Đinh đã đệ đơn kiện công ty chuyển phát ra tòa.

Ảnh minh họa
Phán quyết cuối cùng của toà án
Theo quy định tại Điều 27 của "Quy định Tạm thời về Dịch vụ Chuyển phát Nhanh" của Trung Quốc, nếu người gửi không mua bảo hiểm hàng hóa (bảo giá), khi xảy ra mất mát hoặc hư hỏng, trách nhiệm bồi thường sẽ được xác định theo các quy định pháp luật dân sự có liên quan. Nói cách khác, bất kể có bảo giá hay không, người gửi đều có quyền yêu cầu bồi thường.
Trong vụ việc này, mặc dù cô Đinh đặt đơn qua nền tảng gửi hàng trực tuyến, nhưng quan hệ hợp đồng chỉ tồn tại giữa người gửi và công ty chuyển phát, nền tảng chỉ đóng vai trò cung cấp kênh đặt hàng. Đơn vị cuối cùng chịu trách nhiệm vận chuyển và bồi thường chính là công ty chuyển phát.

Tại phiên tòa, phía công ty chuyển phát lập luận rằng nền tảng gửi hàng đã hiển thị đầy đủ thông tin nhắc nhở về dịch vụ bảo hiểm hàng hóa (bảo giá) cũng như mức bồi thường tối đa áp dụng trong trường hợp không bảo giá. Vì vậy, theo quan điểm của công ty, người gửi phải tự nhận thức được rủi ro và chấp nhận trách nhiệm tương ứng.
Ngược lại, cô Đinh cho rằng các điều khoản về bảo hiểm và giới hạn bồi thường không được công khai một cách rõ ràng. Thực tế, người dùng không bắt buộc phải đọc kỹ thỏa thuận dịch vụ mà vẫn có thể hoàn tất quá trình đặt đơn. Do đó, các điều khoản đó không có giá trị pháp lý.
Thẩm phán đã trực tiếp vào ứng dụng gửi hàng để kiểm tra giao diện đặt đơn và phát hiện rằng, sau khi hoàn thành thông tin gửi hàng, người dùng chỉ cần tick chọn xác nhận ở cuối trang là có thể hoàn tất đặt hàng.
Các nhắc nhở về bảo hiểm hàng hóa và điều khoản giới hạn mức bồi thường được đặt ở vị trí không rõ ràng, nền tảng đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông báo hợp lý cho người dùng. Theo Bộ luật Dân sự và các án lệ liên quan, nếu hợp đồng điện tử có điều khoản mẫu nhưng không được giải thích, nhấn mạnh đầy đủ, thì không thể coi là có hiệu lực pháp lí.
Phía công ty chuyển phát lập luận rằng, cô Đinh đã không khai báo cụ thể đây là hàng hóa có giá trị cao, vì vậy cô cũng có phần lỗi nghiêm trọng trong vụ việc. Theo quy định tại Điều 21 của "Quy định Tạm thời về Dịch vụ Chuyển phát Nhanh", khi gửi các mặt hàng quý giá, người gửi có nghĩa vụ phải khai báo trước giá trị thực tế. Nếu không thực hiện việc khai báo này, công ty chuyển phát chỉ phải bồi thường trong phạm vi thiệt hại mà họ có thể dự đoán và kiểm soát được.
Tòa án nhận định, công ty chuyển phát với tư cách là đơn vị vận chuyển có trách nhiệm đảm bảo bưu kiện được giao an toàn đến địa chỉ đã cam kết. Việc không hoàn thành nghĩa vụ này đồng nghĩa với việc công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Đồng thời, tòa cũng chỉ ra rằng nền tảng gửi hàng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông báo rõ ràng về dịch vụ bảo hiểm hàng hóa và các điều khoản giới hạn mức bồi thường, khiến các điều khoản mẫu này khó có giá trị ràng buộc pháp lý.
Tuy nhiên, xét về phía cô Đinh, khi gửi hàng hóa có giá trị lớn, cô đã không khai báo giá trị thực tế và cũng không lựa chọn dịch vụ bảo giá, thể hiện sự thiếu cẩn trọng cần thiết. Do đó, tòa án xác định cả hai bên đều có trách nhiệm đối với thiệt hại đã phát sinh.
Cuối cùng, tòa án phán quyết mỗi bên chịu một nửa thiệt hại, công ty chuyển phát phải bồi thường cho cô Đinh 9.894,95 NDT (khoảng 36 triệu đồng).
Toà án nhắc nhở: Khi người tiêu dùng gửi hàng hóa quý giá hoặc dễ vỡ, nên ưu tiên lựa chọn dịch vụ bảo hiểm hàng hóa, đồng thời trên phiếu gửi cần ghi rõ tên hàng, số lượng, giá trị và các thông tin quan trọng khác, cũng như lưu giữ đầy đủ chứng từ, hóa đơn. Cách làm này không chỉ giúp bảo đảm quyền yêu cầu bồi thường khi có sự cố mà còn buộc công ty chuyển phát nâng cao mức độ chú trọng trong quá trình vận chuyển. Người gửi cần cẩn trọng đọc kỹ các điều khoản mẫu trong hợp đồng, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, tránh để việc thiếu hiểu biết dẫn đến thiệt hại quyền lợi của chính bản thân.
Theo Sohu