Thời sự

"Một số ngành chủ lực phụ thuộc nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc sẽ chịu tác động tiêu cực thời gian tới"

Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cảnh báo rủi ro sự suy yếu của nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, từ đó gây áp lực đối với hoạt động thương mại và sản xuất của Việt Nam.

Ngoài ra, một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc sẽ chịu tác động tiêu cực do kinh tế nước này chậm lại. 

Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Một số mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc như Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện (+13,6% YoY), Rau quả (+127,3% YoY) có mức tăng trưởng ấn tượng trong 7 tháng 2023.

Tính chung 7 tháng 2023, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 2,4% so với cùng kỳ, là điểm sáng trong khi các thị trường xuất khẩu khác sụt giảm so với cùng kỳ.

Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 33% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, một số mặt hàng Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc như Máy móc thiết bị (chiếm 54% tổng nhập khẩu của mặt hàng này), Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 29%), Vải các loại (chiếm 62%), Điện thoại và linh kiện (chiếm 38%), Sắt thép các loại (chiếm 42%).

Trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 18% so với cùng kỳ (7 tháng 2022 tăng 7%) trong bối cảnh sản xuất công nghiệp trong nước chậm lại. 

 

 

 

Về tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc theo mặt hàng trong 7 tháng đầu năm, "Máy vi tính và linh kiện"; "Điện thoại các loại và linh kiện" là hai mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt 25% và 23%.

Ở chiều nhập khẩu, "Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác" và "Máy vi tính, sp điện tử và linh kiện" chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt 21% và 20%.

 

 

Quay trở lại tình hình kinh tế Trung Quốc, các chỉ số kinh tế tháng 7 cho thấy nước này đang gặp nhiều khó khăn sau khi mở cửa trở lại.

Cụ thể, tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm tốc (Tháng 7: +2,5% YoY; Tháng 6: +3,1% YoY; Tháng 5: +12,7% YoY), trong khi dữ liệu lạm phát cho thấy nguy cơ giảm phát (Tháng 7: -0,3% YoY; Tháng 6: +0% YoY; tháng 5: +0,2% YoY).

Mirae Asset Việt Nam cho rằng vòng xoáy giảm phát có thể tác động rất tiêu cực đến một nền kinh tế.

Ngoài ra, xuất khẩu giảm tháng thứ ba liên tiếp, trong khi nhập khẩu giảm mạnh nhất trong 6 tháng qua. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tháng 7 chỉ đạt 3,7% so với cùng kỳ và dưới mức dự báo là 4,4%, do hoạt động sản xuất tăng cũng giảm tốc.

Các khoản vay ngân hàng mới ở Trung Quốc tháng 7 đã giảm đến 89% so với tháng trước xuống còn 345,9 tỷ nhân dân tệ, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2009.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tháng 6 tăng lên mức cao kỷ lục 21,3%, nghĩa là hơn 1/5 trong số những người từ 16 đến 24 tuổi bị thất nghiệp. Tuy nhiên, theo NBS, việc công bố tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đối với thanh niên và các nhóm tuổi khác trên cả nước sẽ bị tạm dừng từ tháng 8 để tiếp tục cải thiện và tối ưu hóa số liệu thống kê khảo sát lực lượng lao động.

 

Các chuyên gia tại đây nhận định nền kinh tế Trung Quốc cần được hỗ trợ, đặc biệt là khi suy thoái bất động sản ngày càng nặng nề hơn. Tuy nhiên cảnh báo  tác động của chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ đối với sự mất giá của đồng nhân dân tệ (tức là tỷ giá USD/CNY) cần được theo dõi chặt chẽ.     

Cùng chuyên mục

Đọc thêm