Tài chính

Một quốc gia Nam Á thiệt hại 30 tỷ USD vì mưa lũ

Trên khắp các vùng đồng bằng miền nam Pakistan, lũ lụt cực đoan khiến hơn nửa triệu người phải di tản. Đất nông nghiệp ngập úng trong nước, trong khi nhiều cây cầu đổ sập vì không thể chống chọi lại dòng chảy. Hàng nghìn hộ gia đình mất nhà, với thiệt hại ước tính lên tới 30 tỷ USD.

Khi lực lượng cứu hộ bắt đầu tiếp cận những ngôi làng bị chia cắt trước đây và kiểm đếm con số thực tế, nhiều người đặt ra câu hỏi, rằng liệu chính phủ đã thực sự nỗ lực để ứng phó với trận lũ lụt khủng khiếp nhất tại châu Á sau nhiều năm này.

Nằm trong thung lũng Indus, nơi có hệ thống thủy lợi lớn nhất thế giới, Pakistan được coi là tâm điểm của lũ lụt cực đoan. Tuy nhiên, khác với các quốc gia như Trung Quốc vốn chi hàng chục tỷ USD vào việc chống lũ, đất nước Nam Á này chủ yếu dựa vào tiền trợ cấp để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng.

Những con đập và kênh đào hư hại trước đó, bao gồm Sukkur Barrage, nơi đóng góp lượng nước tưới tiêu lớn cho các trang trại, đang rất cần được rót vốn tu sửa. Các hồ chứa ở thượng nguồn tắc nghẹt phù sa và hiện không còn khả năng xử lý khi nước lũ về. Trong khi đó, radar dự báo quá lỗi thời để có thể nhanh chóng cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Một quốc gia Nam Á thiệt hại 30 tỷ USD vì mưa lũ - Ảnh 1.

Mưa lũ khiến chính phủ Pakistan buộc phải cắt giảm hơn một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế, sau khi ngành nông nghiệp quốc gia chịu thiệt hại nghiêm trọng

Dù phía cơ quan quản lý thiên tai đã đăng tải các cảnh báo lũ lụt trên trang web chính thức, song nhiều người vẫn không thể tiếp nhận thông tin kịp thời. Sự chậm trễ khiến hầu hết các hộ gia đình tại làng Gozo, trong đó có nhà chị Fatima, không kịp trở tay. Người phụ nữ này đã buộc phải đưa ra sự lựa chọn đau lòng: bỏ lại người chồng bị liệt để đưa 6 đứa con đến nơi an toàn.

“Anh ấy không thể tự lội qua vùng nước ngập sâu, trong khi sức tôi cũng không đủ để cõng chồng”, chị Fatima, 35 tuổi, nói trong nước mắt. “Chúng tôi không có thức ăn, nơi ở hay bất kỳ loại thuốc nào. Không ai đến giúp chúng tôi cả”.

Phát biểu với báo giới, bà Sherry Rehman, Bộ trưởng Khí hậu Pakistan chia sẻ nước này lẽ ra phải "rút được kinh nghiệm cho chính mình" sau trận lũ kinh hoàng hồi năm 2010 vốn cũng gây thiệt hại hàng tỷ USD.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ thích ứng với khủng hoảng tốt hơn. Chúng tôi có thể lập kế hoạch để các con sông khôi phục dòng chảy và ngừng tắc nghẽn", bà Sherry Rehman cam kết.

Theo Bloomberg, Pakistan đang phải trải qua một năm vô cùng khó khăn, khi lạm phát đạt mức cao nhất sau 47 năm hồi tháng 8. Dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF mới đây đã bật đèn xanh cho gói cứu trợ trị giá 1,2 tỷ USD, nhiều người Pakistan vẫn tỏ ra bi quan và đổ lỗi cho bộ máy quan chức thiếu trách nhiệm.

Một quốc gia Nam Á thiệt hại 30 tỷ USD vì mưa lũ - Ảnh 2.

Người dân Pakistan nhận cứu trợ

Điều kiện khí hậu cực đoan khiến lượng mưa năm nay ghi nhận con số kỷ lục sau 3 thập kỷ. Tại tỉnh Sindh, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, lượng mưa cao gấp 5 lần mức trung bình. Do phần lớn các trang trại đều đã bị phá hủy, Pakistan hiện đang phải chi 3 tỷ USD để nhập khẩu một số nông sản, trong đó có bông.

Theo các chuyên gia, việc huy động nguồn lực tại Pakistan, quốc gia đông dân thứ 5 thế giới, rất khó khăn. Các quỹ dành cho các dịch vụ công thường xuyên bị tham ô, trong khi địa hình đèo núi hiểm trở cũng khiến công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn.

"Liệu Pakistan có đủ năng lực để đối phó với thiên tai hay không?", Manoj Joshi, một nhà phân tích chính trị quốc tế tại Qũy Nghiên cứu New Delhi, cho biết, đồng thời khẳng định trận lũ vừa qua đã làm choáng váng hệ thống quản lý nước này.

Pakistan xếp thứ 8 trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới do biến đổi khí hậu song chỉ đóng góp 1% lượng khí thải làm trái đất nóng lên. Mặc dù đã được Mỹ hỗ trợ khẩn cấp hơn 1 tỷ USD, Pakistan vẫn cần đến nguồn vốn từ các nước giàu có khác.

“Tất cả những quốc gia góp phần vào sự nóng lên toàn cầu cần có trách nhiệm giúp đỡ chúng tôi. Thảm kịch này không phải do chúng tôi tạo ra.", Ahsan Iqbal, Bộ trưởng đứng đầu nỗ lực cứu trợ lũ lụt cho biết.

Một quốc gia Nam Á thiệt hại 30 tỷ USD vì mưa lũ - Ảnh 3.

Pakistan ước tính đã thiệt hại 30 tỷ USD sau trận mưa lũ kỷ lục

Tuy nhiên, các quốc gia giàu có thường chỉ quan tâm đến các dự án có lợi suất đầu tư cao, chẳng hạn như năng lượng sạch từ mặt trời. Trong khi đó, các công trình xây dựng kênh đào thường không được chú trọng, ngay cả khi chúng có thể cứu giúp rất nhiều mạng sống.

"Từ Islamabad, thủ đô Pakistan, tôi kêu gọi toàn cầu hãy đầu tư vào năng lượng tái tạo ngay bây giờ và kết thúc chiến tranh với Mẹ thiên nhiên", đại diện Liên Hợp Quốc cho biết.

Theo Friederike Otto, giảng viên cao cấp tại Viện Grantham về Biến đổi Khí hậu và Môi trường ở London, “Các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ trở thành thảm họa khi mức độ tổn thương của người dân tăng lên. Đó là lý do tại sao vấn đề này cần phải được đề cao trong chương trình nghị sự quốc tế”.

Ước tính ngay cả khi mưa lũ kết thúc, thiệt hại đối với Pakistan vẫn sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng. Tuần này, chính phủ đã buộc phải cắt giảm hơn một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế sau khi ngành nông nghiệp quốc gia chịu thiệt hại nghiêm trọng. Lĩnh vực này vốn cần đến gần 40% nhân lực Pakistan, đồng thời đóng góp khoảng 1/5 GDP cho nền kinh tế.

Kể từ tháng 6, 800.000 động vật nuôi bị lũ cuốn trôi. Bộ lương thực Pakistan ước tính thiệt hại về cây trồng có thể lên tới hơn 1,5 tỷ USD sau khi toàn bộ các cánh đồng bông, lúa và hành hóa thành các hồ chứa nước khổng lồ.

Dân tị nạn nhiều vô kể, chỉ biết dựng lều dọc theo đường cao tốc để xin thực phẩm và đồ tiếp tế. Tại làng Shah Moreo, ông Ghulam Farid, 80 tuổi, một nông dân chuyên trồng bông, đã phải chuyển sang bán xăng dạo để nuôi sống gia đình. Ông nói mình chỉ kiếm được 15 rupee/lít (dưới 0,1 USD).

“Chúng tôi là những người nghèo và không có bất kỳ nguồn thu nhập nào khác”, ông chia sẻ.

Theo: Bloomberg


Cùng chuyên mục

Đọc thêm