Doanh nghiệp

Một nhà máy của Heineken tại Việt Nam tạm dừng hoạt động

Theo thông tin mới đây từ Báo Quảng Nam, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã gửi văn bản tới UBND tỉnh Quảng Nam và Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh để báo cáo về việc tạm dừng hoạt động dự án Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, chi nhánh Quảng Nam (Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam).

Nội dung văn bản cho biết từ sau giai đoạn Covid-19, ngành kinh tế nói chung, trong đó có ngành bia đã đối diện nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, dẫn đến sụt giảm nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng dẫn đến những thay đổi trong hành vi và hình thành thói quen mới của người tiêu dùng. Kết quả là thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể.

Cũng theo thông tin từ Báo Quảng Nam, Heineken Việt Nam cho biết để có thể thích ứng với tình hình hiện tại và tiếp tục phát triển, đơn vị cần tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, do đó cần tinh giản hoạt động để tiếp tục đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam.

"Chúng tôi cần tiếp tục tối ưu hóa với ít nhà máy hơn nhưng mỗi nhà máy lớn hơn về quy mô", văn bản của Heineken Việt Nam có đoạn.

Quyết định này cũng phù hợp với tham vọng và trách nhiệm của Việt Nam và Heineken Việt Nam trong việc hướng tới mục tiêu không phát thải carbon trong hoạt động sản xuất.

Một nhà máy của Heineken tại Việt Nam tạm dừng hoạt động- Ảnh 1.

Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam hoạt động tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc từ năm 2007, nổi tiếng với các sản phẩm bia Heineken, Tiger, Larue... Đây là nhà máy nhỏ nhất về quy mô trong số 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam. 5 nhà máy còn lại được đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Lý giải cho tình hình ảm đạm chung của ngành bia, một nguyên nhân thường xuyên được đề cập là việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông được thực hiện vô cùng quyết liệt, với mức phạt tiền kịch khung cho người lái xe máy vi phạm lên tới 6-8 triệu đồng, còn ô tô là 30-40 triệu đồng (Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ).

Không dừng lại ở đó, bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế khiến người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, cùng sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến giá nguyên liệu ngành bia tăng phi mã cũng là những lý do quan trọng. Ngoài ra, giới trẻ ngày càng hạn chế bia rượu nên nhu cầu tiêu thụ đồ uống có cồn giảm mạnh, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm