Ngày 29/3/2022, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways khi đó, bị khởi tố và bắt tạm giam để phục vụ điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Đến ngày 25/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, ông Quyết vẫn đang bị tạm giam, chưa rõ thời gian xét xử.
Một năm ông Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý cũng là khoảng thời gian nhiều sóng gió với Tập đoàn FLC, Bamboo Airways và các doanh nghiệp khác trong “hệ sinh thái FLC”.
Ngay sau khi ông Quyết bị tạm giam, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của Tập đoàn FLC và CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) là Công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn Đất Việt cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đình chỉ tư cách kiểm toán cho công ty niêm yết.
Lúc này, cả FLC Faros và Tập đoàn FLC đều chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 do hai doanh nghiệp thường đăng tải báo cáo vào sát hạn chót (31/3).
Sau khi Kiểm toán Đất Việt bị đình chỉ, FLC Faros và Tập đoàn FLC phải tìm đơn vị khác để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021. Cho đến nay, cả hai doanh nghiệp này vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Một doanh nghiệp khác trong “họ FLC” cũng chưa hoàn tất báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 là Công ty cổ phần Nông dược HAI (Mã: HAI).
Chưa có báo cáo tài chính kiểm toán đồng nghĩa với việc chưa có báo cáo thường niên và các doanh nghiệp không đủ điều kiện tổ chức đại hội cổ đông thường niên, chỉ có thể tổ chức đại hội bất thường.
CTCP Đầu tư Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD), CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (Mã: KLF), CTCP Chứng khoán BOS (Mã: ART), và CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã: GAB) đều đã nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, đủ điều kiện tổ chức đại hội cổ đông thường niên.
Điểm chung của các doanh nghiệp "họ FLC" trong năm 2022 là tất cả đại hội cổ đông, dù là thường niên hay bất thường, đều không thành công trong lần tổ chức đầu tiên do thiếu cổ đông tham dự, đôi khi thành công trong lần thứ 2 và thường cần tổ chức tới lần thứ 3.
Ngoài ra, tất cả doanh nghiệp kể trên đều chưa có báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 và báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin tài chính, tất cả cổ phiếu thuộc họ FLC đều đã bị đình chỉ giao dịch hoặc hủy niêm yết. Nhà đầu tư hiện không thể mua bán khớp lệnh các cổ phiếu FLC, ROS, ART, AMD, KLF, GAB và HAI.
Tập đoàn FLC
Tập đoàn FLC hiện chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, báo cáo thường niên năm 2021, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, báo cáo tài chính quý IV/2022 dù hạn chót đều đã qua từ lâu.
Hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 cũng sắp hết (31/3/2023) và theo ước tính của FLC, chắc chắn doanh nghiệp này sẽ không thể nộp báo cáo đúng hạn do còn nhiều vướng mắc liên quan tới số liệu từ các năm trước.
Tập đoàn đã hai lần tổ chức thành công đại hội cổ đông bất thường. Lần đầu diễn ra vào ngày 2/7/2022, các cổ đông đã chính thức miễn nhiệm các lãnh đạo bị khởi tố hoặc xin từ nhiệm, đồng thời bầu nhân sự bổ sung.
Đại hội bất thường ngày 4/3/2023 mới đây cũng miễn nhiệm hai nhân sự chủ chốt, sau đó bầu bổ sung bà Trần Thị Hương và bà Vũ Đặng Hải Yến vào HĐQT.
- TIN LIÊN QUAN
-
Những vướng mắc nghìn tỷ khiến FLC chưa thể công bố báo cáo tài chính dù đã làm việc với kiểm toán trong nhiều tháng 06/03/2023 - 07:20
Đại hội ngày 4/3 còn thảo luận và thông qua một nội dung quan trọng khác là phương án xử lý các vấn đề tồn tại trong hoạt động tài chính của tập đoàn từ năm 2015 đến nay, tổng giá trị các khoản mục liên quan lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Phương án mới được phê duyệt đã khơi thông nhiều điểm vướng mắc trên báo cáo tài chính, giúp FLC thuận lợi hơn khi làm việc với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. Hai bên dự kiến sẽ công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 chậm nhất vào ngày 30/4/2023, số liệu trong báo cáo kiểm toán này nhiều khả năng sẽ khác biệt lớn với báo cáo do FLC tự lập trước đây.
Cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết khỏi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) từ ngày 20/2/2023 vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, được chấp thuận gia nhập thị trường UPCoM nhưng lập tức bị đình chỉ giao dịch vì chưa khắc phục được vi phạm.
Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS)
Tương tự như Tập đoàn FLC, Xây dựng FLC Faros cũng chưa nộp nhiều báo cáo tài chính dù hạn chót đều đã qua từ lâu. Cổ phiếu ROS bị hủy niêm yết khỏi HOSE kể từ ngày 5/9/2022 và không được đăng ký giao dịch ở thị trường UPCoM.
Trong khi Tập đoàn FLC đã hai lần tổ chức thành công đại hội cổ đông bất thường, FLC Faros mới một lần tổ chức thành công vào ngày 2/11/2022 để bầu ông Lê Tiến Dũng vào HĐQT và sau đó làm Chủ tịch. Đầu tháng 3/2023, ông Dũng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC.
Ngoài ra, Tập đoàn FLC đã ký hợp đồng dịch vụ với Công ty Kiểm toán UHY còn FLC Faros vẫn chưa chọn được công ty kiểm toán mới sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt.
Do vậy, hành trình hoàn tất báo cáo tài chính và đưa cổ phiếu giao dịch trở lại của FLC Faros còn xa vời hơn nhiều so với Tập đoàn FLC.
Bamboo Airways
Ngày 31/3/2022, Đặng Tất Thắng làm Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FLC và Bamboo Airways thay cho ông Trịnh Văn Quyết bị bắt trước đó hai ngày. Đến tháng 7 cùng năm, ông Thắng từ nhiệm tất cả chức vụ tại FLC và Bamboo Airways.
Tại FLC, đại hội bất thường ngày 2/7 bầu các ông Lê Bá Nguyên, Doãn Hữu Đoàn và Lê Thái Sâm vào HĐQT, sau đó HĐQT bầu ông Nguyên làm Chủ tịch và ông Đoàn làm Phó Chủ tịch FLC.
Tại Bamboo Airways, đại hội bất thường ngày 13/8 cũng bầu các ông Lê Bá Nguyên, Doãn Hữu Đoàn và Lê Thái Sâm vào HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024. Hai thành viên còn lại trong HĐQT của Bamboo là Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Quân và Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trọng.
Bamboo Airways được thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, do Tập đoàn FLC góp 100%. Bamboo Airways đã nhiều lần tăng vốn trong những năm qua, đạt 18.500 tỷ đồng vào tháng 9/2021 và duy trì cho đến nay. Tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn FLC vào tháng 3/2023 là 21,7%.
Bamboo Airways hiện đã có nhà đầu tư chiến lược mới, nhà đầu tư mới này đã hỗ trợ cho cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết một khoản tiền riêng được nộp vào tài khoản phong tỏa của Cơ quan Cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án. Bên cạnh đó, Bambooo Airways cũng được Công ty cổ phần Him Lam cho vay 8.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động.
Bamboo Airways có lợi nhuận trong hai năm đầu hoạt động 2019 - 2020 một phần nhờ vào doanh thu tài chính. Trong hai năm 2021 và 2022, Bamboo Airways thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Sáng 10/4 tới đây, Bamboo Airways sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bàn về phương án phát hành tối đa hơn 996 triệu cổ phần phổ thông nhằm tái cơ cấu nợ và tăng vốn điều lệ.
Nếu phát hành thành công toàn bộ, vốn điều lệ của Bamboo Airways sẽ tăng lên 28.462 tỷ đồng, vượt qua Vietnam Airlines (Mã: HVN) và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV).
CTCP Nông dược HAI (Mã: HAI)
Cổ phiếu HAI bị ngừng giao dịch từ ngày 9/9/2022 cho đến nay vì chậm công bố nhiều thông tin tài chính. Giống như Tập đoàn FLC và Xây dựng FLC Faros, Nông dược HAI cũng chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, chưa thể tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022.
Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY – đơn vị kiểm toán cho Tập đoàn FLC – cũng đang kiểm toán báo cáo tài chính 2021 của Nông dược HAI.
Ngày 3/4/2023 tới đây, Nông dược HAI sẽ chốt danh sách cổ đông để tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường. Thời gian, địa điểm và nội dung cuộc họp chưa được thông báo.
Tháng 1/2023, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC khi đó là bà Bùi Hải Huyển đã gửi đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT Nông dược HAI. Trưởng ban Kiểm soát và Thành viên Ban Kiểm soát của Nông dược HAI cũng từ chức đầu năm nay.
FLC Stone, Xuất nhập khẩu CFS, Chứng khoán BOS và FLC GAB
Cả 4 doanh nghiệp kể trên đều hoàn tất và công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vào ngày 29/3/2022. Do vậy, các doanh nghiệp này đủ điều kiện tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022.
Tuy nhiên, cả 4 doanh nghiệp đều phải tổ chức đại hội tới lần thứ 3 mới thành công. Nguyên nhân là lần tổ chức đầu tiên không không đủ tối thiểu 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, lần tổ chức thứ hai không đủ tối thiểu 33%, lần tổ chức thứ ba được phép diễn ra không phụ thuộc vào số cổ phiếu của các cổ đông dự họp.
Trong trường hợp FLC GAB (Mã: GAB), đại hội thường niên 2022 tổ chức lần đầu tiên có 4 cổ đông tham dự (bao gồm cả trực tiếp và ủy quyền), sở hữu tổng cộng 262 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 0,0018%.
Đại hội thường niên tổ chức lần 2 và lần 3 đều không có cổ đông tham dự trực tiếp, chỉ có 25 và 51 cổ đông ủy quyền, lần lượt đại diện cho 0,009% và 0,025% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Cả 4 doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc tìm công ty kiểm toán, hệ quả là cả 4 đều chưa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và cổ phiếu bị tạm dừng giao dịch
Từ ngày 28/3/2022 đến khi bị đình chỉ giao dịch vào ngày 20/2/2023, cổ phiếu GAB hoàn toàn không có thanh khoản.
Cổ phiếu AMD của FLC Stone bị đình chỉ giao dịch từ ngày 2/3 mới đây, cổ phiếu KLF của Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu CFS bị đình chỉ từ 14/3, cổ phiếu ART của Chứng khoán BOS từ 21/11/2022.