Kỹ năng sống

Một kỹ năng không trường lớp nào dạy, không mua được bằng tiền nhưng cực quan trọng: Cha mẹ trang bị sớm, đời con sẽ thành công

Theo chị Trần Uyên Nguyên - một thạc sĩ giáo dục, hiện đang làm việc tại Trường Willow Oak Montessori School (Pittsboro, North Carolina, Hoa Kỳ), khi trẻ có khả năng tự học thì dù gia đình giàu hay nghèo, trí thức hay nông dân, đứa trẻ cũng bắt đầu từ cùng vạch xuất phát với bạn bè. Chị Uyên Nguyên chia sẻ một số phần của khả năng tự học dưới góc nhìn khoa học thần kinh và chỉ ra cách để bố mẹ rèn luyện khả năng tự học cho con.

 Một kỹ năng không trường lớp nào dạy, không mua được bằng tiền nhưng cực quan trọng: Cha mẹ trang bị sớm, đời con sẽ thành công - Ảnh 1.

Chị Trần Uyên Nguyên - thạc sĩ giáo dục, hiện đang làm việc tại Trường Willow Oak Montessori School (Pittsboro, North Carolina, Hoa Kỳ).


1. Growth mindset

Growth mindset - tư duy phát triển - bao gồm kiến thức về tính linh hoạt của não bộ (neuron plasticity) và niềm tin rằng ta có thể huấn luyện bộ não để thay đổi theo hướng mong muốn. Trái với fixed mindset, niềm tin rằng mỗi người được sinh ra với một IQ nhất định bất biến, growth mindset chứng minh là chúng ta thông minh hơn từng ngày nếu tập luyện đúng cách.

Khi ta học một điều mới, một kết nối mới sẽ được hình thành giữa những neuron tham gia vào việc hình thành kiến thức mới đó. Khi chúng ta luyện tập, lớp Myelin bao quanh kết nối đó ngày càng dày. Giống như một con đường sau khi được trải nhựa, việc lưu thông của thông tin sẽ nhanh và hiệu quả hơn trên kết nối được phủ Myelin dày hơn. Việc luyện tập thường xuyên một kỹ năng mới sẽ một trải Myelin lên kết nối của neuron khiến cho chúng ta ngày càng dễ dàng sử dụng kiến thức hoặc kỹ năng mới đó hơn.

Khi chúng ta mắc lỗi, đơn giản là vì kết nối tối ưu chưa hình thành hoặc não đang thử nghiệm một kết nối mới. Hiểu biết về tính linh hoạt của não bộ và growth mindset là bước đầu để có tinh thần tự học.

Bố mẹ có thể giúp con xây dựng growth mindset bằng các bình thường hoá sai lầm và khen thưởng sự cố gắng và sự đều đặn của việc luyện tập thay vì khen thưởng khi có kết quả tốt (Ví dụ: thay vì khen con giỏi thì khen con chăm chỉ), cũng như cũng cố niềm tin của trẻ về sự trưởng thành của não thông qua luyện tập (Vd: Khi trẻ chưa thuần thục tính toán thì có thể nhấn mạnh rằng con "chưa thành thục" chứ không phải "không giỏi" hay "dốt").

2. Intrinsic motivation

Intrinsic motivation - động lực tự thân: Là mong muốn làm việc không vì thưởng hay phạt và không vì sự tác động của người khác. Ngược với extrinsic motivation - như khuyến khích trẻ con bằng phần thưởng hay doạ phạt (phương pháp cây gậy hay củ cà rốt), intrinsic motivation đến từ bên trong của trẻ, giúp cho trẻ cảm thấy hạnh phúc khi làm việc.

Nghiên cứu về intrinsic motivation xuất phát từ khoa hoa thần kinh. Có khoảng 4 chất dẫn truyền thần kinh tác động đến động lực làm việc và thói quen của con người. Chúng cũng là lý do khiến con người ta cảm thấy hạnh phúc và thoả mãn. Khi một trong những chất dẫn truyền sau được xúc tác sau một trải nghiệm, neuron thần kinh liên quan đến trải nghiệm đó sẽ tạo kết nối (với nhiều myeline), khiến người ta muốn lặp lại trải nghiệm đó.

1. Dopamin - sự thoả mãn khi đạt được một mục tiêu, thoả mãn một nhu cầu cơ bản hoặc trải nghiệm một cảm giác mới. Ví dụ khi bạn ăn, cơ thể được cung cấp đường/năng lượng, nên sẽ tiết ra dopamin; hoặc khi hoàn thành hết checklist trong ngày, hoặc đánh thắng một ván cờ, cơ thể cũng tiết ra dopamin.

2. Serotonin - sự thoải mái khi nhận thấy mình được kết nối và là một phần quan trọng của tập thể, được tôn trọng và nhìn nhận. Ví dụ: khi bạn đi dạo trong thiên nhiên trong lành hoặc tắm nắng, cơ thể cảm nhận được mình là một phần của thiên nhiên và nhận được năng lượng của mặt trời sẽ tiết ra serotonin. Hoặc khi bạn ở trong một tập thể an lành, tin tưởng, tôn trọng nhau, cơ thể cũng tiết ra serotonin.

3. Oxytoxin - sự an toàn khi ở bên cạnh những người mình tin tưởng và tin tưởng người khác, đây cũng là hormon tình yêu. Ví dụ: khi bạn được bố mẹ, gia đình yêu thương ấm áp, cơ thể sẽ tiết ra oxytocin. Đó là lý do bạn thích ở gần những người yêu thương mình.

4. Endorphin - hormone giảm đau. Vì đau đớn là thông tin rất quan trọng về giới hạn của cơ thể, endorphin giúp nỗi đau dễ chịu hơn. Một ví dụ rất rõ về endorphin là cảm giác khoan khoái sau khi tập thể dục hoặc chạy đường dài.

Từ kiến thức về các chất dẫn truyền thần kinh có vai trò quan trọng đến động lực, trong môi trường học cao cấp luôn có các yếu tố sau để được động lực tự thân cho việc học:

Choices (Nhiều lựa chọn trong môn học/cách học và luôn có sân chơi và nhiều môn thể thao).

Collaboration (Tinh hợp tác - giáo viên, học sinh và phụ huynh hợp tác cùng nhau. Mình hay dùng ví dụ là mỗi học sinh có một hạt giống hiểu biết trong mình - nhiệm vụ của các bạn là hấp thụ chất dinh dưỡng từ môi trường học để hạt giống nảy mầm - và nhiệm vụ của bố mẹ, thầy cô là nuôi dưỡng đất/ môi trường học).

Context (Lý do vì sao kiến thức đó cần thiết - hay sự liên kết của kiến thức đó trong tổng hoà kiến thức của nhân loại).

Challenge (tính thử thách - kiến thức phải có sự tươi mới và độ khó vừa trên khả năng hiện tại chỉ 1 chút. Trong môi trường Montessori, mỗi bài học phải được thiết kế với chỉ 1 thông tin/kỹ năng mới - gọi là the isolated difficulty).

 Một kỹ năng không trường lớp nào dạy, không mua được bằng tiền nhưng cực quan trọng: Cha mẹ trang bị sớm, đời con sẽ thành công - Ảnh 2.

Intrinsic motivation đến từ bên trong của trẻ, giúp cho trẻ cảm thấy hạnh phúc khi làm việc. (Ảnh minh họa)


3. Secure attachment

Secure attachment - sự gắn kết an toàn với bố mẹ và khả năng điều phối cảm xúc. Một phần quan trọng của khả năng tự học - khả năng kết nối với người khác và trao đổi thông tin hiệu quả - có thể được rèn từ khi trẻ sơ sinh. Khi bố mẹ tạo gắn kết an toàn với trẻ con (luôn cũng cấp đủ những gì con cần khi con còn sơ sinh và bên con thường xuyên khi con nhỏ hơn 7 tuổi), lượng oxytoxin trong trẻ sẽ điều hoà.

Một đứa trẻ lớn lên với sự cân bằng oxytoxin hiểu rõ những điều bản thân cần và muốn, và có thể tìm kiếm và mưu cầu những điều đó một cách an lành, bình tĩnh, lịch sự. Trẻ cũng có sự tự tin để tạo những mối quan hệ tốt để trao đổi, thảo luận để tăng thêm kiến thức. Không ai có thể tự học mà không có những người giỏi và tốt xung quanh giúp đỡ.

4. Executive functioning skills

Executive functioning skills - khả năng điều phối hành động như đặt mục tiêu, lên kế hoạch và làm theo kế hoạch, cũng như điều phối cảm xúc. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường có quy củ, gọn gàng và có thời gian biểu đều đặn sẽ có khả năng tập trung làm việc tốt hơn. Ngoài ra, sự bình tĩnh của bố mẹ, và cái nhìn cuộc sống tích cực, tươi vui sẽ tác động lên sự phát triển của não, khiến đứa trẻ bình tĩnh, lạc quan và có khả năng phân tích vấn đề chứ không bị cảm xúc chi phối.

Trước khi thuỳ trán (neocortex) phát triển đầy đủ (vào khoảng 30 tuổi), khả năng tư duy phân tích, tập trung và khả năng điều phối cảm xúc của trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường và cảm xúc của những người xung quanh, đặc biệt là của bố mẹ.

Một đứa trẻ chỉ có thể tự học khi biết cách đặt mục tiêu, lên kế hoạch và làm theo kế hoạch, cũng như điều phối những cảm xúc nhất thời của bản thân, và sự giúp đỡ làm gương của bố mẹ là vô cùng cần thiết. Nếu bố mẹ có thể cho con một môi trường gọn gàng, ngăn nắp với thời gian biểu rõ ràng, và đồng hành cùng con với một tâm thế lạc quan, tươi vui và ham học hỏi thì sẽ giúp đứa trẻ tự học tốt hơn rất nhiều.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm