Căn cứ khoản 5 điều 4 luật Bảo vệ trẻ em 2016 quy định xâm hại trẻ em như sau: "Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác".
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là khi bị xâm hại, trẻ thường không dám kể lại sự việc vì sợ hãi, mặc cảm hoặc bị đe dọa. Trẻ thường phải âm thầm chịu đựng trong nỗi đau tinh thần kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Để bảo vệ trẻ, gia đình hãy quan tâm, lắng nghe và trò chuyện với trẻ nhiều hơn
ẢNH: PHƯƠNG AN TẠO BỞI GEMINI AI
Hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thường để lại hậu quả nặng nề cả về thể chất lẫn tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy những tổn thương do xâm hại có thể gây ảnh hưởng đến não bộ, làm suy giảm khả năng tư duy, học tập và phát triển kỹ năng xã hội.
Trẻ bị xâm hại có nguy cơ cao mắc các vấn đề như thương tật lâu dài, trầm cảm, rối loạn tâm lý, khó khăn trong giao tiếp và thiết lập các mối quan hệ. Về lâu dài, những tổn thương này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của trẻ mà còn gây ra hệ lụy cho xã hội, suy giảm chất lượng nguồn nhân lực, gia tăng chi phí trong y tế, pháp lý và an sinh xã hội.
Để phòng ngừa và bảo vệ trẻ em, với gia đình, đặc biệt là cha mẹ, cần luôn quan tâm, lắng nghe và trò chuyện với trẻ để nhận biết sớm những thay đổi về tâm sinh lý. Đồng thời, cần trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ và kiến thức cơ bản để nhận diện nguy cơ xâm hại.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường, đặc biệt là chảy máu vùng kín, cha mẹ, người chăm sóc cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được can thiệp và hỗ trợ kịp thời.
Bệnh viện Nhi T.Ư khuyến cáo, mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại, bất kể giới tính, độ tuổi, hoàn cảnh sống. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn thủ phạm là nam giới và đa số vụ xâm hại xảy ra bởi người quen biết với nạn nhân, như họ hàng, bạn bè của gia đình, hàng xóm, thậm chí người thân ruột thịt.
Cộng đồng và xã hội cần nâng cao nhận thức về vấn đề xâm hại trẻ em, đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện sớm và kịp thời lên tiếng khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường.
Khi phát hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; khi cần nhận tư vấn, hỗ trợ pháp lý, người dân hãy gọi tới tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Tổng đài 111 hoạt động 24/7, cuộc gọi hoàn toàn không tính phí, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.
Các hành vi xâm hại trẻ em
Xâm hại thể chất:
- Đánh đập, hành hạ, ngược đãi trẻ em, gây tổn hại về thân thể, sức khỏe.
- Bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.
- Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em.
Xâm hại tinh thần:
- Lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em.
- Cô lập, xua đuổi, gây áp lực tâm lý.
- Không quan tâm, chăm sóc các nhu cầu cơ bản của trẻ, không giám sát và bảo vệ trẻ.
Xâm hại tình dục:
- Giao cấu, cưỡng dâm, dâm ô với trẻ em.
- Sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm.
- Thực hiện hành vi tình dục trái pháp luật mà không có sự xâm nhập.
Ngoài ra, còn có các hành vi như bóc lột, mua bán trẻ em, và các hành vi gây tổn hại khác. Các hành vi xâm hại này có thể xảy ra đồng thời và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển của trẻ.