Sáng 9/7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề cử tri, đại biểu quan tâm. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhận được nhiều câu hỏi từ các đại biểu.
Trước khi tiến hành chất vấn về nhóm vấn đề này, HĐND TP Hà Nội đã phát video phóng sự phản ánh thực trạng an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Đại biểu Trần Khánh Hưng (Tổ đại biểu số 30) cho biết, theo báo cáo của UBND thành phố, hiện này tổng lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát cung cấp cho thị trường khoảng 550 tấn/ngày, tương đương 60% nhu cầu thịt tiêu thụ của thị trường Hà Nội.
"Ngoài 60% tổng số lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát thì với 40% nhu cầu thịt tiêu thụ còn lại của người người dân Hà Nội có nguồn gốc như thế nào? Giải pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nguồn này ra sao?", báo Lao Động dẫn lại câu hỏi của đại biểu Trần Khánh Hưng.

Ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội trả lời chất vấn. Ảnh: Viết Thành
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh cho biết, trên địa bàn vẫn còn hơn 700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát đầy đủ về an toàn thực phẩm. Trong khi đó, cơ sở giết mổ tập trung chỉ có 3/8 cơ sở được xây dựng và đưa vào hoạt động. Công suất của các cơ sở này rất thấp, chỉ đạt gần 40% so với thiết kế.
Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội (NN-MT) cho biết, lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn thành phố mỗi ngày rất lớn.
"Mỗi năm trên địa bàn Hà Nội tiêu thụ hơn 550.000 tấn thịt các loại. Lượng chăn nuôi trên địa bàn thành phố đáp ứng khoảng 60%, còn lại nhập từ các tỉnh thành khác hoặc nhập khẩu" - ông Đại nói.
Theo ông Đại, ngoài số lượng của thành phố đã kiểm duyệt ở các vùng, 40% số lượng thịt nhập từ các địa phương vẫn còn trôi nổi, nhập không chính ngạch, nhập lậu, một phần ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
"Chúng ta chưa thực sự kiểm soát tốt số lượng này" - ông Đại nhìn nhận.
Về giải pháp, ông Đại cho biết, ngành nông nghiệp đang xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, đặc biệt với các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Ngoài ra, các vùng chăn nuôi sẽ được quy hoạch rõ ràng, kiểm soát đầu vào, đầu ra, những cơ sở không trong vùng "sẽ báo cáo UBND TP.Hà Nội để xóa sổ".
Giải thích nguyên nhân khiến các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động kém hiệu quả, Giám đốc Sở NN-MT Hà Nội cho biết một phần do thói quen nên người dân sau khi chăn nuôi một con lợn chỉ lãi từ 1,3 - 1,8 triệu đồng, trong khi đó chi phí giết mổ từ 100.000 - 200.000 đồng/con nên không đưa vào cơ sở giết mổ tập trung.
Theo ông Đại, thời gian tới sẽ tham mưu, trình 13 nội dung liên quan lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong đó có chính sách hỗ trợ cao hơn hoặc chưa được T.Ư quy định.
"Tiếp đó là xây dựng chế tài để xử lý, dần loại bỏ hơn 700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, đồng thời đưa vào vùng chăn nuôi để 'triệt tiêu' toàn bộ 126.000 hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ. Đó là một trong những giải pháp để khắc phục tồn tại trong thời gian tới", báo Thanh Niên dẫn lời Giám đốc Sở NN-MT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại.
Báo cáo rõ thêm nội dung đại biểu chất vấn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, chủ trương của thành phố là quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung, dịch chuyển các cơ sở nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc thu hút đầu vào cho các cơ sở giết mổ tập trung hiện còn nhiều khó khăn, do chi phí đầu tư cao, giá thành không cạnh tranh được với các cơ sở nhỏ lẻ.
"Để giải quyết dứt điểm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ là vấn đề rất khó khăn, và chúng ta đang kiểm soát để từng bước 'bóp nhỏ' cơ sở nhỏ lẻ lại", ông Quyền nói.