Phản ánh đến Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Long (52 tuổi, quê Nghệ An, tạm trú phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM) cho hay sáng 10-5, ông đến Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Thủ Đức bốc số để làm CCCD gắn chip. "Chờ đến đầu giờ chiều mới đến lượt nhưng khi cán bộ xem hồ sơ thì nói còn thiếu thông tin, phải về nhà bổ sung. Hai ngày tiếp theo cũng vậy, cho đến ngày thứ 4, tôi mới làm xong thủ tục được cấp CCCD gắn chip và nhận giấy hẹn 2 tháng sau đến nhận CCCD" - ông Long kể.
Hơn một năm vẫn chưa có
Trong khi đó, ông Hoàng Lâm (46 tuổi; ngụ phường Tam Phú, TP Thủ Đức) làm thủ tục cấp CCCD gắn chip từ tháng 4-2021, nhiều lần cầm giấy hẹn đến Công an phường Tam Phú hỏi thì được trả lời chưa có nhưng không giải thích vì sao.
"Cùng đợt làm CCCD với tôi, mấy người trong xóm đã nhận hết rồi. Tôi là doanh nghiệp kinh doanh, cần có CCCD gắn chip để giao dịch với khách hàng, ngân hàng, đăng ký các thủ tục khác…" - ông Lâm lo lắng.
Ông Trần Quang Hải (Trưởng Ban Công tác mặt trận khu phố 1, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) cũng phản ánh tại khu phố 1, nhiều trường hợp làm CCCD gắn chip từ tháng 6 và 7-2021 nhưng đến tháng 10-2021 mới biết bị lỗi, còn lỗi gì thì không được thông tin. "Không biết hỏi ai, chạy lên công an quận thì được chỉ về phường, chạy về phường thì phường nói hỏi cảnh sát khu vực. Cảnh sát khu vực có tiếp nhận nhưng không biết là lỗi gì để báo cho người dân. Chưa kể địa phương còn có nhiều trường hợp gia đình cùng đi làm CCCD gắn chip nhưng người có, người không" - ông Hải nói.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Duy Quốc (SN 1972; ngụ xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) đi làm CCCD tại điểm Trường THCS Tô Ký (huyện Hóc Môn) từ tháng 12-2021. Đến nay, 5 tháng trôi qua cũng vẫn còn chờ. Riêng con gái ông Quốc cần mã số định danh, sau nhiều lần liên hệ công an thì mới được cấp. Ông Đồng Phước V. (SN 1968, ngụ quận 8) cùng 2 con đi làm CCCD nhưng chỉ có ông và con gái được cấp, riêng con trai phải chờ vì bị mất dữ liệu.
Khi nào được nhận?
Theo Công an TP Thủ Đức, gần đây việc làm thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chip quá tải do mấy tháng trước, tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, thành phố chỉ triển khai cấp mới và đổi cho người dân thường trú. Nay người dân các địa phương trở lại TP HCM làm việc nên số người đi làm đông, dẫn đến quá tải.
Công an TP Thủ Đức cũng cho hay việc người dân làm CCCD gắn chip mấy tháng vẫn chưa nhận được thẻ do cơ sở dữ liệu ở địa phương và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an thời điểm đó chưa đồng bộ nên thông tin bị thất lạc.
"Có nhiều trường hợp thông tin khai xong nhưng không trùng khớp, khi gửi ra Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thì bị trả về địa phương. Công an phường phải đến từng nơi xác minh lại thông tin cá nhân, thông báo làm lại hồ sơ cấp CCCD. Hiện đường truyền đã đồng bộ, thủ tục làm CCCD cũng được thông báo trước để người dân chuẩn bị. Chỉ cần người dân đến làm thủ tục đúng quy định rồi nhận giấy hẹn và sẽ nhận được CCCD gắn chip đúng thời gian" - đại diện Công an TP Thủ Đức thông tin.
Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Phó trưởng Công an quận Tân Phú, xác nhận có những trường hợp người cùng gia đình đi làm CCCD gắn chip nhưng người nhận được, người không do lỗi về thông tin như: chương trình mới nên việc truyền dữ liệu từ Bộ Công an xuống các địa phương còn trục trặc, sai sót của người dân, sai sót từ cán bộ công an nhập liệu.
"Tình trạng này chúng tôi đang xử lý. Nếu dữ liệu, thông tin do cán bộ công an nhập sai, chúng tôi có trách nhiệm làm lại cho người dân. Nếu người dân khai báo chưa chính xác thì sẽ yêu cầu khai lại. Bên cạnh đó, Công an quận Tân Phú chỉ đạo công an các phường tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của người dân khi làm CCCD để có báo cáo về Công an thành phố xử lý" - thượng tá Nguyễn Duy Đông nói.
Cũng theo thượng tá Nguyễn Duy Đông, hiện người dân có thể tự tra cứu trực tiếp thông tin về CCCD gắn chip của cá nhân trên trang Zalo "Vì Tân Phú bình yên" qua việc nhập mã định danh vào mục "Tra cứu CCCD" để biết CCCD gắn chip của mình đã có hay chưa.
"Khi có CCCD, Công an quận Tân Phú sẽ chuyển trực tiếp về địa phương cho người có hộ khẩu thường trú. Riêng người tạm trú thì đến Công an quận để nhận" - thượng tá Nguyễn Duy Đông thông tin thêm.
Đáp ứng yêu cầu quản lý
Bộ Công an ban hành Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc xác thực, định danh công dân trên môi trường điện tử, góp phần xác định chính xác thông tin công dân, phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm, phòng chống dịch bệnh...
Bên cạnh đó, việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân còn đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Người dân khi sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ tiết kiệm thời gian khai báo lại các thông tin cá nhân mỗi khi đi làm thủ tục hành chính, giảm thiểu các giấy tờ cá nhân cần mang theo, thực hiện các dịch vụ công không phải đến tận nơi... Khi sử dụng tài khoản định danh điện tử, công dân sẽ được bảo mật thông tin, giúp các giao dịch được an toàn.