Startup cuối cùng đến với Shark Tank tuần này là Sữa Hạt D2 do Phạm Thị Kim Dung – Chủ tịch kiêm nhà sáng lập cùng Trần Giản Lâm – Giám đốc kinh doanh và cổ đông của công ty mang đến. Sữa hạt D2 mong muốn kêu gọi 3 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần từ các “cá mập”.
Tiền thân của Sữa hạt D2 là nước ép từ rau củ quả. Sau gần hai năm trải nghiệm với 5.000 khách hàng, startup đã cùng với các chuyên gia dinh dưỡng nghiên cứu ra dòng sữa hạt khác với các dòng sữa hạt thông thường khi nguyên liệu chính của sản phẩm này là rau củ quả organic (hữu cơ). Hiện vùng nguyên liệu của Sữa hạt D2 được đặt tại xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An.
Công ty đang có 5 dòng sữa hạt chính: sữa hạt thanh lọc giảm cân, sữa hạt bầu lợi sữa, sữa hạt vitamin từ củ quả, sữa hạt bổ sung chất xơ, sữa hạt dành cho người tiểu đường. Mỗi gói được định lượng calo tiện lợi có thể mang đi khắp mọi nơi, có thể thay thế bữa ăn hàng ngày, trong vòng hai tuần nếu thực hiện liệu trình uống thì có thể giảm từ 3 đến 4kg.
Startup cũng cho biết, hiện tại công ty có hơn 30 đại lý, 5 nhà phân phối, trong đó có 2 nhà phân phối độc quyền. Tỉ lệ khách hàng quay lại là 70%. Doanh thu hiện tại là 600-700 triệu/tháng. Startup định hướng năm 2022 sẽ hoàn thiện bộ máy vận hành, quy trình sản xuất và hệ thống nhà máy để mở rộng quy mô sản xuất, hoàn thiện vùng nguyên liệu có chứng chỉ organic của nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới sẽ đạt được mức tăng trưởng gấp 3 doanh số hiện tại, từ 20 tỷ lên 60 tỷ.
Có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, Shark Phú đã đặt ra 4 câu hỏi quan trọng để hiểu rõ hơn về mô hình kinh doanh của startup: việc bảo hộ và đăng ký chất lượng của công thức, công suất tối đa của vùng nguyên liệu, cấu trúc giá thành sản phẩm trên giá bán và quy trình sản xuất, khả năng thương mại hóa của doanh nghiệp.
Trả lời Shark Phú, Kim Dung cho biết Sữa hạt D2 đạt chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm, HACCP, ISO và vừa rồi là FDA của Mỹ. Sản phẩm cũng đã được cấp phép lưu hành. Về vùng nguyên liệu thì startup được một quỹ đầu tư của tập đoàn nước ngoài trích cho 5 ha, công ty có 2 ha đang trồng được cấp chứng chỉ organic và dân kết hợp trồng cũng được 10 ha.
Lúc này Shark Phú hỏi sâu hơn về việc 1 ha nguyên liệu sẽ tạo ra được bao nhiêu doanh thu sữa hạt. Câu hỏi này của Shark Phú đã khiến cho startup có phần bối rối vì chưa hiểu rõ ý của Shark nhưng sau khi tính toán, Kim Dung cũng có được câu trả lời là 1 ha sẽ tạo ra 150-200 triệu doanh thu/tháng.
Tiếp tục trả lời những câu hỏi mà Shark Phú đặt ra, Kim Dung cho biết sữa hạt thanh lọc giảm cân là sản phẩm có giá cao nhất của công ty với 350 nghìn/hộp 15 gói, giá vốn chiếm 40% bao gồm cả chi phí bao bì cho đến marketing (tiếp thị). Shark Hưng liền nhận xét, số phần trăm giá vốn đang bị cao, nếu chi phí giá thành như thế thì giá bán phải cao hơn nữa. Đồng tình với Shark Hưng, Shark Phú cho rằng với giá vốn 40% thì khi vận hành lớn, startup có khả năng bị lỗ.
Trả lời câu hỏi của Shark Hùng Anh về thị trường của sản phẩm và lợi nhuận của doanh nghiệp, Kim Dung cho biết mình có kênh online ở Nghệ An đang bán khá mạnh. Startup cũng có nhà phân phối độc quyền tại TP.HCM và hoàn thành mỗi tháng là 100-200 triệu doanh số.
Shark Phú nhận xét, startup chưa có hệ thống máy móc chuyên biệt để sản xuất thì công suất rất khó nhân lớn lên được. Shark Phú đặt ra giả thiết nếu 3 năm sau doanh số của startup lên 1.000 tỷ thì ông sẽ đầu tư. Shark Phú cũng muốn startup trả lời thêm, nếu muốn tạo ra doanh số 1.000 tỷ thì cần đầu tư những gì, vùng nguyên liệu là bao nhiêu ha, máy móc thiết bị là bao nhiêu tiền. Kim Dung cho biết startup sẽ không thể nâng doanh số 1.000 tỷ trong 3 năm tới nhưng cô tự tin sau 10 năm mình sẽ làm được.
Với câu trả lời này của startup, Shark Phú đã quyết định không đầu tư.
Shark Hùng Anh nhận xét, dự án này rất có tiềm năng nhưng startup cần thêm thời gian, đầu tư thêm quy trình và máy móc, sau đó có thể là kêu gọi vòng đầu tư vốn tiếp theo. Dự án này không phù hợp với cá nhân ông do đó Shark Hùng Anh cũng quyết định không đầu tư. Nhận thấy mô hình khá bình thường và khá truyền thống, Shark Hưng cũng quyết định không đầu tư.
Sữa hạt D2 không đạt được tiêu chí của Shark Liên nên Shark cũng từ chối đầu tư vào startup này. Tuy nhiên bà vẫn ủng hộ cho startup bằng cách đưa dòng sản phẩm của Sữa hạt D2 vào cộng đồng phụ nữ.
Shark Bình đánh giá, sản phẩm của startup làm bài bản, nhà sáng lập có có tinh thần yêu nghề và yêu sản phẩm của mình, đáng khâm phục ở tinh thần giúp cho người nông dân, thúc đẩy cuộc sống sử dụng các sản phẩm hữu cơ, an toàn. Tuy nhiên, chuyên môn không phải là lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là liên quan đến nông nghiệp nên Shark Bình cũng không đầu tư.
“Thường startup rất yêu sản phẩm của mình, nhưng bọn anh là dân đầu tư thì bọn anh lại hướng đến khả năng nhân rộng. Thực ra sản phẩm hữu ích là khi chúng ta phải bán được cho rất nhiều người dùng thì nó mới là có giá trị. Có thể chúng ta không thành công ở Shark Tank nhưng mà hy vọng sau khi các em hoàn chỉnh hơn ở bước tiến tốt hơn, có thể chúng ta gặp nhau ở mùa sau” – Shark Phú kết luận.