Chia sẻ với phóng viên, anh Hải, một môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, do thị trường trầm lắng nên việc bán cắt lỗ cũng không dễ dàng. Gần 5 tháng qua, sàn của anh chỉ thực hiện được 2 thương vụ mua lại căn hộ chung cư, chưa chốt được lô đất nền nào của khách gửi, dù giá giảm 20 - 30%. Năm ngoái, vướng dịch Covid-19, nhưng mỗi tháng vẫn có 2 - 3 giao dịch, thậm chí trong quý cuối năm, ngay sau giãn cách, có tháng đạt 5 - 6 giao dịch.
Tương tự, anh Luận – môi giới tự do tại tỉnh Lâm Đồng cũng cho hay, nếu như thời điểm này của năm trước thị trường sôi động bao nhiêu thì hiện tại lại trầm lắng bấy nhiêu.
Do áp lực nguồn vốn, một số nhà đầu tư muốn tìm người thế chấp sổ đỏ
Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, lúc cao điểm, trung bình mỗi tuần, môi giới này dẫn 3 đến 5 lượt khách đi xem. Một tháng, số lượng giao dịch chốt thành công lên tới con số 3. Thậm chí thời điểm tốt, có tháng, môi giới này thực hiện 6 giao dịch mua – bán thành công.
“Tôi từng đưa hàng chục tốp khách từ miền Bắc và TP. HCM đi săn đất khu vực Di Linh, khá nhiều lô đất có vị trí view hồ hoặc gần đường lớn đã được khách đặt mua sau đó. Tuy nhiên, từ thời điểm tháng 5, thị trường bắt đầu trầm lắng và hiện tại thì rất ít giao dịch. Một số nhà đầu tư thường xuyên gọi điện hỏi về thị trường, họ để lại số điện thoại nhờ tôi tìm khách để ra hàng, tuy nhiên tìm được khách thời điểm này thật khó” – anh Luận thông tin.
Cũng theo anh Luận, do áp lực nguồn vốn, một số nhà đầu tư khác thì ngỏ ý nhờ anh tìm người cho thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để mượn tiền. “Trong lúc thị trường ảm đạm, nguồn tiền lại khan hiếm thì ai dám nhận sổ thời điểm này chứ!” – anh Luận nói thêm.
Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, tính chung trong 10 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tìm mua bất động sản vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2021. Nhu cầu tìm mua nhà đất toàn quốc tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021, lượng tin đăng bất động sản cũng tăng 40%.
Các chuyên gia dự báo khi nhiều người gặp áp lực trả nợ ngân hàng giá sẽ còn giảm mạnh.
Trên thị trường bất động sản, nhà mặt phố, biệt thự, chung cư là những loại hình ghi nhận nhu cầu tìm kiếm tăng mạnh nhất, lần lượt ở mức 21%, 13% và 11%. Tuy nhiên, mức độ quan tâm nhà riêng và đất nền bán gần như không có sự thay đổi nhưng lượng quan tâm đối với đất dự án đã giảm 13% trong 10 tháng qua so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo đơn vị này, dù nhu cầu mua bất động sản 10 tháng đầu năm tăng nhưng chủ yếu tăng ở giai đoạn nửa đầu năm khi xuất hiện một số đợt sốt đất cục bộ và đã có xu hướng giảm trong quý 3/2022.
Thanh khoản thị trường đang chịu ảnh hưởng từ chính sách kiểm soát tín dụng, thiếu hụt nguồn cung và biến động lãi suất. Sự sụt giảm nặng nề nhất chủ yếu rơi vào đất nền và căn hộ hạng sang.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý vừa qua, lực cầu chủ yếu tới từ nhu cầu thực, còn các nhu cầu đầu tư đã dè dặt hơn vì yếu tố giá cả. Theo đó, thanh khoản sụt giảm so với giai đoạn trước và biến động giá bất động sản trong quý này cũng đã có dấu hiệu chững lại.
Các chuyên gia cho rằng, đây mới là giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và lành mạnh hóa thị trường tài chính. Sắp tới, khi nhiều người gặp áp lực trả nợ ngân hàng, dự báo giá sẽ còn giảm mạnh hơn, thậm chí giảm đến mức hấp dẫn người mua.
Chuyên gia bất động sản Đỗ Quý Duy, người sáng lập một Câu lạc bộ về nhà đầu tư bất động sản cho biết, thị trường bất động rất nhiều năm mới gặp bối cảnh khó khăn như hiện tại. Không chỉ về nguồn cung, thanh khoản, mà cả về giá bán cũng như lực lượng lao động tham gia thị trường. Làn sóng cắt lỗ hàng chục phần trăm đang diễn ra tại nhiều phân khúc, tuy nhiên, cơ hội bỏ tiền vào phân khúc đất nền, nhà thấp tầng hay chung cư lúc này vẫn chưa rõ ràng, bởi diễn biến tiếp theo của thị trường đang là ẩn số.
Đơn cử, với những phân khúc tăng nóng giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, mức tăng giá lên tới 60 - 80%, thậm chí 100% trong vòng một năm, trong khi không có nhiều yếu tố hỗ trợ từ hạ tầng, đặc biệt nhóm đối tượng tham gia đa số là đầu cơ lướt sóng, thì mức giá giảm 20 - 30% gần đây chưa đủ để hấp dẫn người mua.
Do đó, ông Duy dự đoán, giai đoạn điều chỉnh của thị trường có thể kéo dài 1,5 - 2 năm, hiện mới đi được một phần ba quãng đường. “Khi thị trường đang khó khăn, những sản phẩm không vay được ngân hàng sẽ “bể” đầu tiên, nhất là sản phẩm mang tính đầu cơ cao, diện tích lớn, đơn giá thấp, vì trong giai đoạn thị trường phát triển trước đó, đây là các sản phẩm tăng giá rất mạnh” – ông Duy nhận định.