Thời sự

Mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước: Dẹp bỏ "sân sau"

Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó yêu cầu mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở bất cập trong đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, chứng khoán…, được các chuyên gia đánh giá là hết sức cần thiết để loại bỏ tình trạng “sân trước”, “sân sau”, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Khó cạnh tranh được với “sân sau”

Bày tỏ sự đồng tình đối với Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước là rất cần thiết. Bởi tham nhũng giờ đây không chỉ là những vụ việc lẻ tẻ, mà còn “dây mơ rễ má”, với những mối quan hệ nhằng nhịt, như “vòi bạch tuộc” giữa quan chức và doanh nghiệp.

Có những doanh nghiệp hình thức là tư nhân nhưng thực tế lại là “sân sau” của quan chức. “Là sân sau nên doanh nghiệp luôn được ưu ái, kiếm được các hợp đồng, dự án béo bở, gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân”, ông Sửu nói.

 Mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước: Dẹp bỏ sân sau  - Ảnh 1.

Vụ án Tân Hoàng Minh đang được dư luận hết sức quan tâm

Dẫn vụ việc sản xuất kit xét nghiệm COVID-19 của Cty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Cty Việt Á), ông Sửu cho rằng, đây là biểu hiện của tham nhũng, hối lộ giữa doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan Nhà nước. Cty Việt Á , sau khi đã nhận được rất nhiều những “ưu ái” từ các cơ quan nhà nước đã tìm cách hối lộ một số cá nhân, cơ quan, đơn vị để bán kit xét nghiệm COVID-19 với giá cao.

“Vụ việc đang được các cơ quan điều tra, cơ quan chức năng xem xét. Qua những điều tra, kết luận bước đầu cho thấy, có trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, từ Bộ KH&CN, Bộ Y tế và rất nhiều trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố. Đây là vụ việc điểm cho thấy, mối quan hệ phức tạp giữa khu vực ngoài Nhà nước với các quan chức, cần tiếp tục được làm rõ”, ông Sửu kiến nghị.

Ngoài vụ việc Cty Việt Á, theo ông Sửu, có rất nhiều các vụ việc khác có “bóng dáng” của “sân sau”, mối quan hệ giữa quan chức và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Trước ý kiến băn khoăn rằng, mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước có thể dẫn đến tâm lý e dè, ngại ngần, không dám bỏ tiền ra đầu tư, ông Sửu cho rằng, những ý kiến đó là không đúng.

“Việc mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước chính là làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và công bằng. Đây chính là biện pháp để bảo vệ các doanh nghiệp tư nhân làm ăn chân chính trước các “sân trước”, “sân sau” của quan chức. Nếu không dẹp được “sân trước”, “sân sau” thì doanh nghiệp chân chính làm sao mà cạnh tranh nổi”, ông Sửu nói.

GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, những vụ việc gần đây như vụ kit xét nghiệm Cty Việt Á, vụ ông Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh cho thấy phải rất chú trọng vào khu vực ngoài Nhà nước. Việc chú trọng phòng, chống tham nhũng ở khu vực tư không trái với quan điểm cho phát triển kinh tế tư nhân, không trái với quan điểm của Đảng - tức là khuyến khích mọi người dân tham gia phát triển sản xuất kinh tế để tăng cường tiềm lực của xã hội, nhưng phải kiểm soát, mà kiểm soát bằng luật để làm sao không có sự lợi dụng kẽ hở của luật pháp để làm những điều bất minh, bất chính.

Kiểm soát chặt quyền lực

Theo ông Sửu, tình trạng “sân trước”, “sân sau” đã được Đảng cảnh báo từ lâu, thậm chí cách đây nhiều năm có lãnh đạo cao cấp từng nói thẳng có ông có đến 13- 14 “sân trước”, “sân sau”. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn chưa được triệt để.

“Điều hết sức nguy hiểm là các “sân sau” sau khi kiếm được tiền thì lại “tài trợ” cho các quan chức để “chạy chọt” lên các chức vụ cao hơn, hoặc tác động vào các chính sách để tiếp tục trục lợi. Đây là những điều cực kỳ nguy hại, cần phải có các giải pháp hữu hiệu để xử lý triệt để tình trạng này”, ông Sửu kiến nghị.

Cùng chung nhận định, GS. Hoàng Chí Bảo cho rằng, tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước biểu hiện rất tinh vi và phức tạp. Nó biểu hiện từ trong nội tại của nó. Tức là từ trong khu vực tư nhân của các tập đoàn nhưng nó lại câu kết với bên ngoài, thao túng được cả khu vực Nhà nước. Dẫn đến thực tế rất lo ngại, đó là quan chức chính trị thoái hóa rất dễ bị vật chất và đồng tiền mua chuộc.

 Mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước: Dẹp bỏ sân sau  - Ảnh 3.

GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương


Để ngăn chặn tình trạng này, GS. Hoàng Chí Bảo lưu ý phải kiểm soát chặt chẽ về quyền lực bằng các chính sách, cơ chế để “không dám tham nhũng và không thể tham nhũng”. Bên cạnh đó, kiên quyết chống lại đội ngũ suy thoái cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống, lợi dụng, lạm dụng quyền lực, chống lại nhóm lợi ích, bè phái.

“Chú trọng phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế nhưng phải lành mạnh. Không phải làm giàu, thu lợi nhuận bằng bất cứ giá nào. Cũng không phải phát triển kinh tế vì kinh tế mà phải gắn chặt việc phát triển kinh tế vì cộng đồng xã hội, vì sự phát triển bền vững”, ông Bảo nói.

Đề cập việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, ông Bảo cho rằng, những người có chức, có quyền phải rất chú trọng giáo dục danh dự, giáo dục liêm sỉ.

“Khi người ta biết nhục vì rơi vào tham nhũng thì sẽ tự bảo vệ và tự khắc có khả năng chống được tham nhũng. Phải học Singapore, họ giáo dục đạo đức trong toàn dân, toàn xã hội. Từ đó họ coi tham nhũng là điều đáng xấu hổ nhất, không có đất sống trước sự phê phán của dư luận xã hội”, ông Bảo nói thêm.

Ông Trần Quang Thắng, Viện Trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM: Không để xảy ra trục lợi chính sách

Họ lợi dụng một số quy định pháp luật chưa thực sự phù hợp, các tiêu chí chưa rõ ràng, đặc biệt là các biện pháp chế tài còn quá nhẹ để thực hiện hành vi vi phạm, vì mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với số tiền phải nộp phạt.
photo-2

Ông Trần Quang Thắng


Đấu giá đất vừa qua ở Thủ Thiêm (TPHCM) cũng vậy. Các thủ thuật đã sử dụng là hết sức bình thường. Các doanh nghiệp tham gia đấu giá, cố tình trả giá thật cao, sau đó tìm mọi lý do để xin bỏ cọc hoặc xin "trả góp". Lợi ích thực sự họ kiếm được thông qua việc làm giá đất có thể cao gấp nhiều lần so với khoản tiền đặt cọc.

May mắn là các cơ quan quản lý nhà nước và Bộ Công an đã sớm phát hiện và xử lý kịp thời. Đặc biệt, vụ thao túng giá chứng khoán đã được xử lý hết sức nhanh chóng. Bộ Chính trị cũng đã thể hiện quyết tâm xử lý đến cùng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Điều đó góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường. Từ vụ việc này, tôi tin rằng, các ngành chức năng đã có biện pháp đấu tranh hiệu quả với tham nhũng bên ngoài Nhà nước.

Tuy nhiên, để ngăn chặn hành vi tham nhũng chính sách, cần phải có giải pháp xây dựng chính sách khoa học. Trước tiên là những điều kiện ràng buộc đối với các doanh nghiệp đăng ký tham gia đấu giá đất, huy động vốn qua phát hành chứng khoán hay mua bán chứng khoán trên thị trường. Doanh nghiệp phải chứng minh được kinh nghiệm, có quá trình hoạt động và tạo dựng được uy tín trong lĩnh vực đăng ký mới được phép tham gia. Bên cạnh đó, cần xây dựng các tiêu chí cụ thể, do các chuyên gia độc lập của các bên tham gia soạn thảo nhằm đảm bảo sự hài hoà về quyền lợi. Cần lưu ý, tiêu chí cốt lõi phải là lợi ích quốc gia. Khi thực hiện chính sách không nên du di, nhân nhượng cho bất cứ bên nào, trường hợp nào, bởi sẽ như thế sẽ tạo ra những tiền lệ nguy hiểm. Xét cho cùng, việc trục lợi chính sách đa phần cũng xuất phát từ việc này.

Huy Thịnh (ghi)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm