Xã hội

Mở rộng chỉ định thầu, dễ phát sinh xin - cho với doanh nghiệp thân hữu

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, sáng 17.5, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng sẽ trình bày tờ trình dự án 1 luật sửa 7 luật (luật Đấu thầu, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; luật Hải quan; luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; luật Đầu tư; luật Đầu tư công; luật Quản lý, sử dụng tài sản công).

Mở rộng chỉ định thầu: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp thân hữu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng

ẢNH: GIA HÂN

Lo chỉ định thầu cho doanh nghiệp thân hữu

Cụ thể, luật Đấu thầu sẽ bổ sung chính sách ưu tiên, ưu đãi trong đấu thầu để hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đáng chú ý, luật sẽ bổ sung nguyên tắc cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của gói thầu để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (đấu thầu, chỉ định thầu...).

Dự luật cũng bổ sung quy định cho phép chủ đầu tư được loại bỏ hoặc đánh giá đáp ứng hồ sơ dự thầu gói thầu xây lắp trong trường hợp nhà thầu chào giá dự thầu thấp bất thường. Khắc phục tình trạng bỏ thầu giá thấp dẫn đến không đảm bảo chất lượng, hiệu quả thực hiện gói thầu, dự án.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi cho rằng, quy định này có thể rút ngắn thời gian hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, dễ dẫn đến phát sinh cơ chế xin - cho, trục lợi chính sách, giao thầu, chỉ định thầu trong phạm vi hẹp cho một số doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thân hữu.

Điều này có thể khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có điều kiện tiếp cận việc mua sắm công, tham gia các dự án đầu tư công. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động chính sách để Quốc hội xem xét, quyết định.

Chỉ tháo gỡ cho dự án BOT khó khăn do trách nhiệm nhà nước

Một điểm đáng chú ý trong sửa luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là cho phép áp dụng trở lại hình thức hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng. Trước đó, hợp đồng BOT chỉ áp dụng với các dự án đầu tư xây mới.

Mở rộng chỉ định thầu: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp thân hữu - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi

ẢNH: GIA HÂN

Chính phủ đề nghị bỏ quy định cấm áp dụng hợp đồng thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án PPP. Ngoài ra, không yêu cầu phải bảo đảm quyền lựa chọn của người sử dụng dịch vụ đối với trường hợp cải tạo, nâng cấp, mở rộng cao tốc hoặc đường bộ (trước đây quy định khi lập dự án đầu tư BOT xây dựng tuyến đường có thu phí, phải đảm bảo có đường song hành cho người dân có quyền lựa chọn - PV).

Do đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cân nhắc kỹ đề xuất này, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lại với đề xuất bổ sung quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT đường bộ ký hợp đồng trước thời điểm luật PPP năm 2020 có hiệu lực. 

Theo đó, cơ quan thẩm tra cho rằng chỉ nên áp dụng đối với các dự án mà nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc có trách nhiệm của Nhà nước, tránh những kẽ hở về chính sách.

Trước đó, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đã nhiều lần đề xuất Chính phủ bố trí ngân sách hỗ trợ 8 dự án BOT gặp khó khăn do thay đổi chính sách hoặc bị người dân phản đối.

Với luật Đầu tư, Chính phủ đề xuất bổ sung thêm danh mục, nghề ưu đãi đầu tư với hạ tầng di động từ 5G trở lên, hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn, điện toán đám mây… Mở rộng phân cấp, phân quyền với các dự án thuộc quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ sang cho UBND cấp tỉnh quyết. Các dự án sẽ được giao cho UBND cấp tỉnh phê duyệt gồm 7 nhóm, như dự án yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác.

UBND cấp tỉnh được chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa có công suất từ 1 triệu tấn/năm trở lên. Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không…

Các tin khác

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đã đến lúc tận dụng vốn tư nhân, nhưng...

“Đã đến lúc chúng ta phải tận dụng nguồn vốn từ kinh tế tư nhân, sự năng động, quyết toán và tính quản lý chặt chẽ của họ để tham gia thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, con đường đi còn rất dài chứ không thể thực hiện được ngay được”, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nói.

Giá vàng hôm nay, 17-5: Lao dốc mạnh

Giá vàng thế giới sụt giảm đáng kể khi Hoa Kỳ và Trung Quốc có dấu hiệu làm tan băng chiến tranh thương mại, đẩy chứng khoán quốc tế tăng điểm mạnh.

"Sao đổi ngôi" trên thị trường gọi xe công nghệ

Số liệu thống kê mới nhất của quý I/2025 cho thấy một cuộc đổi ngôi đang âm thầm diễn ra trên thị trường taxi và taxi công nghệ tại Việt Nam, khi cán cân ngày càng nghiêng về nền tảng thuần điện nội địa Xanh SM và tốc độ tăng trưởng ngày càng chậm lại của Grab.

Giá vàng thế giới rơi tự do, chứng khoán liên tục nhảy múa

Giá vàng giảm hơn 2%, hướng đến tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2024. Phố Wall tăng tuần thứ năm liên tiếp nhờ thỏa thuận hoãn áp thuế Mỹ - Trung. Diễn biến trái chiều cho thấy khẩu vị rủi ro trở lại, gây áp lực lên kim loại quý.