Chứng khoán

Mirae Asset dự báo VN-Index có thể quay lại vùng giá 1.300 - 1.530 điểm trong năm 2022

Nỗi lo "Sell in May" đã hiện thực hóa

Theo báo cáo chiến lược tháng 6 của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một đợt giảm sốc trong tháng 5 với việc VN-Index tạm thời xác lập mức thấp nhất năm nay tại 1.156,54 điểm.

Sau khi VN-Index chạm mức P/E chạm mốc trung bình 10 năm trừ 1 độ lệch chuẩn, thị trường chung đã hồi phục và VN-Index đóng cửa ở mức 1.292,68 điểm, giảm 5,4% so với tháng trước và giảm 13,7% kể từ đầu năm.

Nguyên nhân của đợt sụt giảm mang tính quy mô toàn cầu này bao gồm gián đoạn chuỗi cung ứng, bị thúc đẩy thêm bởi chính sách hạn chế COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc, chiến tranh Nga - Ukraine kéo dài, cũng như các biện pháp trừng phạt lên Nga; Fed và các NHTW lớn khác trên thế giới sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Bên cạnh đó, rủi ro kinh tế các nền kinh tế đình trệ trong khi lạm phát cao. Thêm vào đó, việc điều tra các sự việc thao túng thị trường chứng khoán trong nước, thắt chặt điều kiện phát hành trái phiếu cũng đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư trong nước.

 

Lượng bán ròng của tổ chức và NĐT cá nhân được hấp thụ bởi khối ngoại

Theo thước đo thanh khoản của công ty chứng khoán, ngành may mặc và trang sức, bảo hiểm, bán lẻ, phần mềm và dịch vụ thu hút được dòng tiền tốt hơn khi thị trường hồi phục; bên cạnh đó, điểm thanh khoản của một số ngành như tiện ích, dầu khí, vận tải được cải thiện lên mức trung tính.

Ngược lại, nhiều ngành, bao gồm các ngành trụ cột như ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu, dịch vụ tài chính, vẫn giao dịch ở mức thấp.

Các cá nhân trong nước (chiếm 82% tổng giá trị giao dịch) và tổ chức trong nước (khoảng 8% tổng giá trị giao dịch) bán ròng trong tháng 5 với giá trị lần lượt là 489 tỷ đồng và 2.700 tỷ đồng. Lượng bán ròng của tổ chức và cá nhân trong nước được hấp thụ bởi khối ngoại (khoảng 10% tổng giá trị giao dịch), với giá trị mua ròng là 3,2 nghìn tỷ đồng.

Các quỹ ETF đã vào ròng 213,5 triệu USD trong tháng 5, lũy kế lên 265,3 triệu USD kể từ đầu năm, chủ yếu đến từ DCVFMVN Diamond và Fubon FTSE Vietnam ETF.

 

TTCK Việt Nam có khả năng duy trì mức định giá tương đối hấp dẫn 

Báo cáo của Mirae Asset Việt Nam chỉ ra, VN-Index đã giảm từ mức P/E trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn xuống mức âm 1 độ lệch chuẩn, trước khi thị trường hồi phục. Hiện tại, VN-Index đang giao dịch tại mức P/E 13,9x, dưới mức P/E trung bình 10 năm.

Từ góc độ so sánh lịch sử, mức định giá hiện tại của VN-Index vẫn hấp dẫn, là cơ hội để lựa chọn và tích lũy các cổ phiếu với mức định giá chiết khấu của các công ty có nền tảng cơ bản tốt và tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

Dù có mức ROE tương đối cao, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E hấp dẫn, thấp hơn mức P/E của các thị trường khác trong khu vực như Indonesia (16,8x), Malaysia (15,8x), Thái Lan (18,5x), Philippines (19,4x). Đáng chú ý, trong 10 năm qua, VN-Index vẫn luôn giao dịch với mức chiết khấu so với các thị trường khác trong khu vực.

Hơn nữa, với triển vọng hồi phục kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp (cả hai đều được dự báo sẽ tốt hơn các thị trường khác), Việt Nam có khả năng duy trì mức định giá tương đối hấp dẫn. Trong khi đó, các nổ lực giúp cải thiện tính minh bạch của thị trường chứng khoán, cũng như đạt các tiêu chuẩn để được nâng hạng lên thị trường mới nổi, là điểm cộng trong việc thu hút dòng vốn ngoại.

Trước áp lực lạm phát gia tăng, Mirae Asset điều chỉnh giảm dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index xuống 17,5% từ mức gần 22% trước đó, thấp hơn đáng kể so với mức đồng thuận chung của thị trường theo thống kê Bloomberg là 21%.

Tương ứng, nhóm phân tích cho rằng VN-Index có thể quay lại vùng 1.300 – 1.530 điểm trong năm nay, tương ứng vùng định giá P/E dự phóng cuối năm 2022 từ 12,8 – 15,1x.

Nguồn: Phòng phân tích Mirae Asset Việt Nam, dữ liệu Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm