Thời sự

Metro Bến Thành - Suối Tiên vận hành

10h hôm nay, 14 ga Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ đồng loạt mở cửa đón khách. Trong tháng đầu, khách được miễn vé đi metro cùng với 17 tuyến buýt điện kết nối. Sau thời gian này, khách có thể chọn các loại vé lượt, một ngày, ba ngày và theo tháng. Trong đó, khách mua vé lượt nếu dùng tiền mặt sẽ trả 7.000 đồng đến 20.000 đồng, tùy cự ly. Nếu thanh toán không tiền mặt, vé lượt sẽ áp dụng 6.000-19.000 đồng.

Metro số 1 khi chạy qua TP Thủ Đức. (Ảnh: Thanh Tùng)

Đối với vé tháng, mức giá áp dụng 300.000 đồng, học sinh, sinh viên được giảm 50%, còn 150.000 đồng. Ngoài các loại trên, khách có thể mua vé một ngày hoặc ba ngày, lần lượt 40.000 đồng và 90.000 đồng. Loại vé này không giới hạn lượt đi. Hành khách là người khuyết tật, cao tuổi... được miễn vé theo chính sách của TP HCM.

Metro Bến Thành - Suối Tiên có 17 đoàn tàu, mỗi tàu ba toa, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Giai đoạn đầu, bình quân mỗi ngày có 9 tàu vận hành, chạy từ 5h đến 22h với khoảng 200 chuyến. Tần suất giãn cách mỗi chuyến 8-12 phút; hành trình từ ga cuối Suối Tiên (gần Bến xe Miền Đông mới, Thủ Đức) đến Bến Thành, quận 1, khoảng 30 phút. Thời gian tàu dừng ở mỗi ga trên tuyến chừng 30 giây.

Được phê duyệt từ năm 2007, Metro Bến Thành - Suối Tiên mất 17 năm mới có thể đưa vào khai thác vì quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc. Toàn tuyến dài 19,7 km, gồm 14 nhà ga, trong đó ba ga ngầm ở khu trung tâm lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Với tổng mức đầu tư ban đầu gần 17.400 tỷ đồng, dự án không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương. Tuy nhiên, liên danh tư vấn sau đó tính toán lại, nâng tổng vốn lên hơn 47.300 tỷ đồng. Thủ tướng cho phép UBND TP HCM phê duyệt điều chỉnh dự án theo mức vốn, khởi công gói thầu chính đầu tiên đoạn trên cao vào tháng 8/2012. Nhưng lúc này, dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia - phải trình Quốc hội duyệt chủ trương.

Quá trình làm thủ tục điều chỉnh kéo dài khiến dự án gặp nhiều khó khăn, liên tục trong cảnh thiếu vốn, chậm tiến độ. Tháng 11/2019, việc điều chỉnh mới được chấp thuận, tổng vốn đầu tư chốt lại là hơn 43.700 tỷ đồng. Việc duyệt điều chỉnh giúp tuyến tàu điện được gỡ nút thắt kéo dài, bởi đây là cơ sở để Trung ương bố trí vốn ODA mà thành phố vay lại.

Một trong những khó khăn lớn khác là Metro số 1 áp dụng mẫu hợp đồng quốc tế, trong khi là dự án đầu tiên triển khai ở TP HCM nên kinh nghiệm quản lý loại hợp đồng này chưa nhiều. Ban quản lý dự án đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) vừa phải tuân thủ hợp đồng với nhà thầu, vừa thực hiện theo pháp luật của Việt Nam và yêu cầu từ nhà tài trợ. Điều này dẫn đến hàng loạt vướng mắc phát sinh, ảnh hưởng tiến độ chung dự án. Ngoài ra, giải phóng mặt bằng kéo dài, đại dịch bùng phát... cũng khiến dự án bị ảnh hưởng.

Ga ngầm Bến Thành của tuyến metro trước ngày đón khách. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Hàng loạt vướng mắc khiến Metro số 1 nhiều lần trễ hẹn và sau gần hai thập kỷ chờ đợi, đến nay người dân TP HCM được trải nghiệm loại hình vận tải mới. Tuyến tàu điện đưa vào khai thác giúp kết nối giao thông từ trung tâm về cửa ngõ phía đông, giảm ùn tắc trục Võ Nguyên Giáp - Xa lộ Hà Nội về Bình Dương, Đồng Nai... Đồng thời, công trình là tiền đề để thành phố phát triển mạng lưới metro sắp tới.

TP HCM trước đây được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) với tổng chiều dài khoảng 220 km. Dựa trên định hướng điều chỉnh quy hoạch thành phố, mạng lưới metro đang được nghiên cứu mở rộng lên với 10 tuyến, dài 510 km, gấp hơn hai lần quy hoạch cũ, đảm nhận 50-60% vận tải hành khách công cộng.

Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 7 tuyến với tổng chiều dài 355 km, gồm nối dài Metro số 1 và các tuyến từ số 2 đến 7. Từ năm 2036 đến 2045, hệ thống metro tiếp tục được đầu tư thêm tuyến số 8, 9 và 10, đạt tổng chiều dài 510 km. Tổng mức đầu tư cho hai giai đoạn nêu trên ước tính khoảng 67 tỷ USD.

Lộ trình Metro số 1 qua 14 nhà ga. (Đồ họa: Khánh Hoàng)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm