Con gái Thanh Bình, 19 tuổi, của anh ngồi đợi bên trong bởi biết tính bố sẽ không để cho mình dìu đi. Hai bố con gặp nhau ở cửa giảng đường. Anh Thành chỉ kịp chào con trước khi lên tầng ba học lý thuyết còn Thanh Bình lên tầng 5 thực hành vi sinh.
Đoạn video "Đi học cùng bố" được Bình chia sẻ trên mạng xã hội sau đó đã thu hút hơn ba triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận. Đa phần người dùng bày tỏ sự ngưỡng mộ với ông bố khi quyết tâm theo học ngành y tuổi ở trung niên.
Anh Nguyễn Viết Thành sinh ra trong gia đình nghèo ở huyện Thái Thụy, bị liệt chân phải khi bốn tuổi. Anh được mẹ cõng đi học suốt những năm cấp 1, sau này mới tự tập đi. Cũng vì nguyên nhân này mà anh Thành nuôi ước mơ trở thành bác sĩ để giúp mình và mọi người.
Năm 18 tuổi, anh đỗ Đại học Y nhưng gia cảnh nghèo khó, người mẹ vay tiền khắp nơi vẫn không đủ cho con nhập học. Thành chọn học trung cấp y đa khoa bởi học phí rẻ và thời gian học ngắn hơn, đỡ gánh nặng cho mẹ.
Ra trường, anh làm việc ở trạm xá xã Thụy Liên và lập gia đình với nữ giáo viên cùng huyện. Vợ anh cũng là người hiếu học, thấy chồng vất vả nên bỏ nghề giáo, chuyển sang học y, năm 2010. Chị đã tốt nghiệp cao đẳng dược và y sĩ đa khoa.
Giữa năm 2023, kinh tế gia đình ổn định, anh Thành quyết định thực hiện lại ước mơ đại học của mình năm xưa. Cùng thời điểm, con gái cả Thanh Bình nộp nguyện vọng vào Đại học Y Dược Thái Bình. Nhờ thành tích tốt ở phổ thông, anh quyết định đăng ký xét tuyển học bạ. Bố và con gái cùng đỗ, trở thành đồng môn của nhau.
"Nhận tin tôi vừa vui mà vừa lo", anh Thành nhớ lại. Anh được cơ quan đồng ý cho tạm dừng công tác để hoàn thành việc học. Trường cách nhà 30 km nên hàng ngày anh nhờ vợ chở ra trạm cách nhà 700 m để đi xe buýt trong khi con gái ở trọ. "Tôi có thể ở trọ cùng con gái nhưng hàng ngày về tranh thủ hỗ trợ bệnh nhân, trực tự nguyện ở trạm", người đàn ông 45 tuổi giải thích.
Trong vài tuần đầu, anh Thành cảm thấy ngượng bởi nhìn quanh toàn sinh viên bằng tuổi con mình, trong khi bản thân lại bị tật và đi chậm.
Nhưng mặc cảm tuổi tác chưa phải thử thách lớn nhất của ông bố đi học. Bước vào môn học đầu tiên anh choáng váng khi nhận hàng chục quyển sách y khoa dày cộp cùng lượng kiến thức rộng. Ở giảng đường, anh nhận ra mình tiếp thu chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 người trẻ, nhớ trước quên sau.
Thi hết môn cũng là nỗi ám ảnh với anh Thành. "Thi cử ngày nay rất khác, tất cả đều diễn ra trên máy tính nên một nút enter cũng thay đổi tất cả", anh nói. Đồng thời, anh cũng thấy mình như tờ giấy trắng khi trở lại với tiếng Anh sau hơn 20 năm.
Quá ngợp với lịch học và lượng kiến thức khổng lồ, anh đến gặp giảng viên nói chuyện, e rằng mình không thể theo nổi thì nhận được động viên "chắc chắn anh sẽ làm được".
Nhiều đêm trằn trọc, anh nhớ về ngày xưa nghèo khó, nhà chỉ có hai mẹ con đan rổ rá thuê, giờ cuộc sống đỡ vất vả, bỏ cuộc thật khó chấp nhận. Anh quyết định cố gắng lần nữa, cho mình và làm gương các con.
Anh Thành ghi âm bài giảng trên lớp và cắm tai nghe lại trong hai tiếng trên xe buýt mỗi ngày. Anh nhờ con gái soạn giúp một giáo trình tiếng Anh riêng, bắt đầu từ những thứ cơ bản nhất như chia động từ. Mỗi tối, Thành dành 30-40 phút viết ra giấy các từ vựng y khoa và học thuộc.
"Ngày nào cũng sờ tới nó là không quên nữa", anh nói.
Nhưng áp lực học tập vừa vơi bớt cũng là lúc gia đình gặp căng thẳng kinh tế. Gánh nặng học phí của hai bố con khiến anh từng định bảo lưu để tập trung cho con gái nhưng vợ động viên, nếu hết tiền, họ sẽ vay vốn sinh viên.
Anh lần nữa yên tâm trở lại giảng đường. Người cha lúc này trở thành bạn với con gái, hướng dẫn cô các môn giải phẫu hoặc lâm sàng.
Phương Thảo, sinh viên năm 2 trường Đại học Y Dược Thái Bình, cho biết anh Thành là người lớn tuổi nhất lớp nhưng luôn có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Nhiều lần làm bài nhóm cùng, anh Thành dù bận việc ở trạm nhưng luôn hoàn thành đúng hạn và chủ động giúp đỡ mọi người.
"Ở năm hai, kiến thức dày hơn nên tinh thần tự học và nỗ lực của chú là rất đáng nể", Thảo nói. "Chú cũng là người truyền niềm đam mê nghề y cho sinh viên cùng lớp".
Mỗi buổi tối, gia đình đều chia không gian để tự học. Theo tiến độ, bố con anh hoàn thành chương trình vào năm 2029.
"Cả nhà cùng học nên cảm thấy có động lực nhiều hơn", anh nói.