Chứng khoán

Khối ngoại xả ròng gần 1.500 tỷ đồng tuần qua, mã nào là tâm điểm?

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp đà điều chỉnh trong tuần 16 – 20/12. VN-Index đóng cửa tuần tại mốc 1.257,5 điểm, giảm 7,07 điểm, tương đương 0,4% so với tuần trước. Giá trị khớp lệnh giảm 7,9% về mức 10.532 tỷ đồng. Tính trên toàn thị trường, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 15.794 tỷ đồng, trong đó thanh khoản khớp lệnh ghi nhận 11.958 tỷ đồng, giảm 7,1% và thấp hơn 13,3% so với trung bình 5 tuần gần nhất.

Xét theo khung thời gian tuần, các ngành tăng điểm ghi nhận dòng tiền cải thiện như viễn thông, hàng không, điện, dệt may, thủy sản, công nghệ thông tin. Ngược lại, nhóm ngân hàng, bất động sản, thép cùng giảm điểm với thanh khoản giảm về đáy 10 tuần.

Riêng với dòng bán lẻ, dòng tiền hồi phục nhẹ từ đáy 10 tuần, nhưng chỉ số giá giảm khi lực cầu chủ động từ cá nhân yếu đi trong bối cảnh nước ngoài tiếp tục bán ròng.

Theo thống kê, trong Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index trong tuần qua, TCB trở thành tác nhân chính khiến thị trường “đánh rơi” 0,94 điểm. Bộ đối VCB và HPG đứng ở vị trí tiếp theo với mức ảnh hưởng giảm lần lượt là 0,81 điểm và 0,76 điểm. Ở chiều ngược lại, với nhịp tăng gần 11% trong tuần, HVN là trụ đỡ chính của thị trường với mức đóng góp 1,59 điểm cho VN-Index.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng duy trì bán ròng gần 1.330 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng gần 1.414 tỷ đồng. Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát với quy mô 275 tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 10 triệu cổ phiếu.

Đứng thứ hai trong Top rút ròng là BID với 152 tỷ đồng. Liên quan đến hoạt động kinh doanh, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, dự kiến kết thúc năm 2024 ngân hàng sẽ hoàn thành toàn diện, đồng bộ các mục tiêu, chỉ tiêu của NHNN và đại hội cổ đông giao.

Theo đó, quy mô tổng tài sản sẽ vượt mốc 2,6 triệu tỷ đồng (100 tỷ USD); dư nợ tín dụng đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 14%, vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trở lại với giao dịch nước ngoài, một số cổ phiếu ngành ngân hàng cũng nằm trong Top bán ròng như VCB (152 tỷ đồng), VPB (130 tỷ đồng). Danh mục rút ròng của NĐT nước ngoài còn có nhiều đại diện như NLG (129 tỷ đồng), VRE (122 tỷ đồng), MWG (117 tỷ đồng), PDR (112 tỷ đồng), MSN (100 tỷ đồng) và VJC (89 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG dẫn đầu danh mục mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 186 tỷ đồng trong tuần vừa qua.

Cùng chiều, VIX và HDB được gom ròng với quy mô lần lượt là 156 tỷ và 151 tỷ đồng. Mặt khác, khối ngoại cũng gom ròng dưới 150 tỷ đồng các mã KDH, VNM, DBC, FRT, DGC, VTP và BSI.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 3/5 phiên trong tuần qua với tổng giá trị bán ròng gần 114 tỷ đồng, tương đương với khối lượng gần 7,6 triệu đơn vị.

Trong đó, NĐT ngoại tập trung bán ròng 49 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, theo sau là 47,5 tỷ đồng mã SHS của nhóm chứng khoán. Ngoài ra, họ cũng rút ròng các cổ phiếu như CEO (24,7 tỷ đồng), HUT (22,9 tỷ đồng) và BVS (9,2 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, khối ngoại rót ròng 27,9 tỷ đồng gom cổ phiếu IDC của Tổng Công ty IDICO – CTCP. Cùng chiều, DHT và MBS được mua ròng với quy mô lần lượt là 3,8 tỷ và 3,7 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của TVC, AAV, VTZ, VC7, VGS, LAS, … với giá trị dưới 2 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, NĐT nước ngoài bán ròng 4/5 phiên trong khi mua ròng duy nhất phiên ngày 18/12. Tổng cộng, họ rút ròng với quy mô gần 22 tỷ đồng, tương đương khối lượng 417.730 cổ phiếu.

Cụ thể, cổ phiếu ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP dẫn đầu Top bán ròng với quy mô hơn 78 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng 16,5 tỷ đồng mã BSR của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như HNG (6 tỷ đồng), QNS (3 tỷ đồng), NTC (2,1 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, nhà đầu tư nước ngoài gom ròng mạnh nhất 63,4 tỷ đồng ở cổ phiếu MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Corp. Theo sau là các giao dịch giải ngân vào các cổ phiếu OIL (12,1 tỷ đồng), VEA (7,5 tỷ đồng), GHC (2,1 tỷ đồng), TTN (1,8 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm