Phản hồi thông tin đến Tuổi Trẻ Online ngày 19-11, Mercedes-Benz Group AG cho biết quá trình phê duyệt gia hạn hoạt động của Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) đến năm 2030 vẫn đang được thúc đẩy.
Hãng xe Đức thành lập pháp nhân mới
Tuy nhiên, để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, công ty đã thành lập MBDV là một pháp nhân hoàn toàn độc lập và tách biệt với MBV.
MBDV được cấp phép hoạt động từ ngày 3-10-2024 với vốn điều lệ 6,7 tỉ đồng.
Công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn Mercedes-Benz AG và có trụ sở tại tầng 6-7, tòa nhà Friendship, số 31 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Đây là địa điểm khác so với trụ sở và nhà máy MBV tại quận Gò Vấp.
Đáng lưu ý, đại diện pháp luật của MBDV là ông Gerd Bitterlich, người hiện giữ chức tổng giám đốc MBV từ ngày 1-7-2024.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và tiếp thị tại nhiều thị trường như Ai Cập, Trung Quốc, Hàn Quốc và Luxembourg, ông Gerd Bitterlich tiếp tục dẫn dắt thương hiệu này phát triển tại Việt Nam.
Chuyển đổi mô hình từ lắp ráp sang hoàn toàn nhập khẩu?
Nhiều ý kiến cho rằng kế hoạch thành lập MBDV được Mercedes-Benz đưa ra nhằm chuẩn bị cho sự chuyển đổi từ lắp ráp sang nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Bởi từ năm 2020, Mercedes-Benz đã triển khai các cơ sở hạ tầng phục vụ cho định hướng này, bao gồm Trung tâm Phân phối phụ tùng tại quận 9 (TP.HCM) và Trung tâm Kiểm tra & Hoàn thiện xe tại Long Hậu (Long An).
Không bình luận về ý kiến này, song Mercedes-Benz Việt Nam cho viết về pháp nhân mới công ty về phân phối là một pháp nhân hoàn toàn tách biệt khỏi Mercedes-Benz Việt Nam (MBV). Quyết định thành lập MBDV vào đầu năm nay, nhằm duy trì sự hiện diện tại Việt Nam.
"Việc thành lập pháp nhân mới này là một biện pháp chiến lược nhằm đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam, và giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn" - đại diện hãng thông tin.
Dù vậy, Mercedes-Benz Việt Nam cho hay công ty này đang không hoạt động ở thời điểm hiện tại, nhưng đây là một kế hoạch dự phòng để hoạt động vận hành được diễn ra liền mạch tại Việt Nam.