Tiết kiệm tiền không phải lúc nào cũng dễ dàng và thường xuyên để tiết kiệm là mục tiêu rất quan trọng để có một tương lai tài chính ổn định. Sarah Sharkey khẳng định rằng, cô thật may mắn vì đã học được bài học này rất sớm từ bố mẹ.
Mặc dù khi còn nhỏ, chúng ta có thể không hề thích nghe về v iệc phải để dành tiền bạc, nhưng tạo thói quen tốt sẽ giúp bạn xây dựng bức tranh tài chính sáng sủa cho tương lai.
Tiết kiệm 50% những gì bạn có
Cha mẹ Sarah bắt đầu dạy cô tiết kiệm tiền từ khi còn rất nhỏ. Là một đứa trẻ vô cùng may mắn, Sarah thường nhận được tiền như một món quà vào dịp sinh nhật hoặc vào dịp Giáng sinh. Cha mẹ cô đã tận dụng cơ hội này để dạy cho cô tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền, ngay cả khi bản thân con cái họ có vẻ như không muốn.
Họ đã dạy bài học này bằng cách yêu cầu Sarah phải cất một nửa số tiền nhận được vào tài khoản tiết kiệm. Mỗi sinh nhật, Sarah vẫn sẽ có thêm những món quà của mình, và bố mẹ cô sẽ đưa Sarah đến ngân hàng để gửi một nửa số tiền được cho, tặng đó vào tài khoản tiết kiệm của chính cô.
Chia sẻ với Business Insider, Sarah nói rằng: “Về cơ bản, bài học đã khắc sâu trong đầu tôi từ khi tôi 5 tuổi là tiết kiệm tiền. Bất kể tôi nhận tiền ở đâu, một nửa trong số đó luôn được chuyển vào tài khoản tiết kiệm cho đến ngày tôi 18 tuổi”.
Lời khuyên của bố mẹ Sarah cực kỳ đơn giản và dễ hiểu: “Hãy tiết kiệm mỗi khi bạn nhận được tiền, ngay cả khi bạn không muốn”.
Tiết kiệm tiền về mặt lý thuyết là rất tốt và rất quan trọng. Thế nhưng trên thực tế, tiết kiệm đồng nghĩa với việc bạn phải từ bỏ quyền chọn mua thứ gì đó. Vì vậy, lúc đầu, Sarah rất hào hứng với ý tưởng tiết kiệm tiền, tuy nhiên đến khoảng 10 tuổi thì cô bé bắt đầu không hài lòng với việc không thể mua những món đồ mình thích ngay cả khi có tiền.
Bởi vì không được phép chi tiêu bất kỳ khoản tiết kiệm thời thơ ấu của mình cho đến khi 18 tuổi nên Sarah thường cố gắng thương lượng để được tiêu nhiều hơn 50% những gì mình có. Mặc dù vậy, bố mẹ cô rất kiên quyết không nhân nhượng bất kỳ một lần nào.
Ưu tiên tiết kiệm khi trưởng thành, có thu nhập ổn định
Trong suốt thời thơ ấu của mình, Sarah đã quen với suy nghĩ rằng tiết kiệm phải là ưu tiên hàng đầu. Có những khoảng thời gian cô cảm thấy rất vất vả và eo hẹp, nhưng cô khẳng định vẫn luôn biết ơn vì bố mẹ đã giúp con cái hình thành thói quen tiết kiệm.
Vào thời điểm Sarah rời khỏi nhà để đi học và đi làm, tiết kiệm một phần thu nhập của cô luôn là ưu tiên hàng đầu, ăn sâu vào lối suy nghĩ của cô. Vì vậy, cô đã chuyển ý tưởng đó vào quản lý tài chính khi trưởng thành của mình. Mặc dù Sarah đã không thể lúc nào cũng có thể tiết kiệm 50% thu nhập của mình, nhưng cô luôn đảm bảo ưu tiên tiết kiệm.
Trong suốt chặng đường, Sarah luôn cố gắng tiết kiệm ít nhất một phần tiền lương hoặc thu nhập làm việc tự do theo cách của tôi. Nhưng nếu không nhận được sự hướng dẫn sớm từ cha mẹ, cô không chắc rằng tiết kiệm sẽ chiếm vị trí ưu tiên cao như vậy trong ngân sách của mình.
Những chiến lược tiết kiệm thông minh giúp bạn trở thành tỷ phú trong độ tuổi 20
Chiến lược tiết kiệm của Sarah tập trung vào việc kiểm soát dòng tiền ngay từ ngày nhận lương, cụ thể là cô ưu tiên cho mục tiêu xây dựng một quỹ khẩn cấp dư dả ngay từ khi tốt nghiệp đại học. Với thói quen tiết kiệm đã có, cô đã có thể xây dựng quỹ khẩn cấp trị giá 35.000 USD (tương đương hơn 800 triệu đồng).
Mục tiêu tiếp theo Sarah đặt ra là sớm mua được một ngôi nhà cho riêng mình. Vào năm 2020, cô và chồng mình đã có thể mua căn nhà đầu tiên với khoản trả trước 20%, xây dựng khối tài sản ròng lên đến triệu USD khi cô 25 và chồng cô 31 tuổi. Điều này có thể thực hiện được bằng cách 2 vợ chồng chuyển một số khoản tiết kiệm chung thành danh mục đầu tư với triển vọng dài hạn.
Theo Sarah, một khi đã quen với việc tiết kiệm, bạn hoàn toàn có thể làm tốt mà không cần phải băn khoăn nhiều rằng tại sao phải tiết kiệm nhiều đến thế. Câu chuyện của Sarah có thể là một bài học ý nghĩa cho cả những người trưởng thành và các bậc cha mẹ muốn dạy cho con cái họ bài học tài chính, tiết kiệm từ khi còn nhỏ.