Kỹ năng sống

Mẹ Hà Nội hạn chế tiền xăng mà còn tiết kiệm được hàng loạt thứ tiền khác nhờ đi phương tiện này

8h sáng, chị Lê Thị Nhị (42 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) thong thả đi bộ ra ga Văn Quán đến ga Hoàng Cầu để lên tàu điện trên cao đến công ty làm việc. Cả quãng đường đi làm chỉ mất 12-13 phút trong khi trước đây, nếu đi 10km chị cần tối thiểu 30 phút (thậm chí 1 tiếng) chen chúc giữa dòng người và xe đông đúc, nhốn nháo cùng tiếng còi inh ỏi mới đến nơi. Hành trình đi làm giờ đây cần đi bộ nhiều hơn 1 chút, nhưng bù lại là không kẹt xe, không khói bụi và không mệt mỏi.

Mẹ Hà Nội hạn chế tiền xăng mà còn tiết kiệm được hàng loạt thứ tiền khác nhờ đi phương tiện này - Ảnh 1.

Không còn phải mất cả tiếng đồng hồ "vật lộn" trên đường, chị Nhị cảm thấy 1 ngày trôi qua nhẹ nhàng và vui vẻ hơn rất nhiều. (Ảnh: NVCC)

Có lẽ, chưa khi nào người ta chứng kiến nhiều sự thay đổi - về mọi mặt - như lúc này. Họ chọn đi bộ nhiều hơn, hoặc đi xe đạp, tàu điện trên cao hay xe buýt, chủ động xem xét lại lịch trình và tuyến đường mình di chuyển hàng ngày hay thậm chí là chỉ dám chạm nhẹ vào chân ga để không lãng phí nhiên liệu.

Chuyển đổi phương tiện thay thế: Tiết kiệm chi phí, nâng cao sức khỏe hiệu quả

Giá xăng tăng cao trong 1 thời gian dài, thậm chí đạt ngưỡng kỷ lục đã tạo áp lực mạnh mẽ lên đời sống xã hội cũng như sản xuất, kinh doanh. Điều này có vẻ như đang ngày rõ hơn và ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của nhiều người.

"Trước đây mỗi tháng chị phải mất hơn 500 nghìn tiền xăng cho 1 tháng đi xe máy đi làm từ Hà Đông đến Hoàng Cầu. Chưa kể còn mất 200 nghìn tiền vé gửi xe máy. Sau khi đi tàu điện mỗi tháng chị chỉ phải trả 200 nghìn tiền vé tháng, ngoài ra không mất 1 khoản chi phí nào khác." - chị Nhị chia sẻ.

Và như vậy, trước mắt chị Nhị tiết kiệm được 500 nghìn mỗi tháng. Nhìn thoạt qua, con số này có vẻ không nhiều, nhưng nếu tính cả năm lại, chị Nhi sẽ tiết kiệm được 6 triệu đồng. Và với 6 triệu đồng này, chị Nhị có thể sử dụng để xử lý rất nhiều mục đích "đáng giá" khác trong cuộc sống.

Tuy nhiên, nói về xu hướng sử dụng tàu điện dù cho khoảng thời gian mới vận hành, nơi đây hầu như chỉ được "ưu ái" cho những bức hình sống ảo của giới trẻ, chị Nhị cũng cho rằng, nếu kết hợp phương tiện công cộng và dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ là bài toán hợp lý hơn, phù hợp hơn cả với bối cảnh bão giá lẫn hạ tầng giao thông như hiện nay.

Mẹ Hà Nội hạn chế tiền xăng mà còn tiết kiệm được hàng loạt thứ tiền khác nhờ đi phương tiện này - Ảnh 2.

Chị Lê Thị Nhị, 42 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Cùng trò chuyện thêm với chị Nhị để hiểu rõ hơn về những sự thay đổi của cá nhân chị trong thời gian vừa qua nhé!

Được biết hiện giờ chị đã thay đổi phương tiện di chuyển sau tình hình giá xăng tăng. Không biết phương tiện đó là gì và tính đến hiện giờ được bao nhiêu lâu rồi? Giá xăng tăng có phải lý do duy nhất khiến chị thay đổi phương tiện không?

Trước đây chị đi xe máy đi làm. Tuy nhiên, kể từ khi giá xăng tăng phi mã và nhà ở gần ga tàu điện nên chị đã chuyển sang đi tàu điện trên cao. Bởi đi tàu điện trên cao vừa tiết kiệm được thời gian di chuyển, lại tiết kiệm được khá nhiều tiền xăng xe mỗi tháng, từ đó cũng tiết kiệm được 1 khoản tiền chi tiêu đáng kể.

Sau khi chuyển đổi phương tiện như vậy, cuộc sống của chị có nhiều thay đổi không? Và chị có suy nghĩ vẫn sẽ tiếp tục lựa chọn này hay không?

Khi thay đổi phương tiện, cuộc sống của chị thay đổi nhiều:

- Tiết kiệm được 1 khoản tiền rõ rệt mỗi tháng.

- Tiết kiệm được thời gian di chuyển trên đường khi đi làm, không mệt mỏi vì tắc đường: Trước đây đi làm 10km chị mất ít nhất 30 phút, hôm nào tắc đường thì mất cả tiếng di chuyển khiến người ngợm về uể oải, mệt mỏi, phải nằm dài 1 lúc mới có thể làm việc nhà. Nhưng hiện đi tàu điện trên cao, từ ga Văn Quán đến ga Hoàng Cầu mất có 12-13 phút là đến nơi làm việc, đi lại nhẹ nhàng, không mệt mỏi, sức khỏe được cải thiện rõ rệt. Nhờ đó, tâm trạng cũng tốt lên, vui vẻ hơn rất nhiều.

Thực ra, chị thấy tình hình giá xăng dầu tăng trong thời gian qua, mỗi lần "tăng nhẹ" khiến người ta tưởng chừng như rất nhỏ nhưng cũng đã và đang từng bước thay đổi cuộc sống, thói quen sinh hoạt của mỗi người một cách rõ rệt. Nếu nhìn về 1 góc độ khác, tăng giá xăng có vẻ cũng là... 1 điều tốt đấy chứ!

Đơn cử như là, nếu hạn chế tối đa việc dùng xe máy/ô tô cá nhân, mọi người sẽ không chỉ tiết kiệm tiền xăng, tiền xe mà còn tiết kiệm tiền thuốc thang, tiền và thời gian tập thể dục nhờ cơ thể được vận động nhiều, liên tục sẽ giúp khỏe mạnh hơn.

Và nếu như vậy thì có lý do gì để không tiếp tục lựa chọn này nhỉ?

Cám ơn chị Nhị vì những chia sẻ thú vị!

Cùng chuyên mục

Đọc thêm