Nguyễn Thị Quyên (sinh năm 1993), một bà mẹ đơn thân sống ở Hà Nội đã vượt khó bằng cách chế biến các món ăn theo kiểu truyền thống mỗi khi có thời gian rồi đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... để bán cho khách hàng có nhu cầu.
Ban đầu Quyên nghĩ cứ làm cho khuây khỏa, mỗi khi con ngủ thì mẹ tranh thủ làm việc để kiếm thêm thu nhập nhằm giúp hai mẹ con vượt khó. Cuộc sống ở Hà Nội nhiều chi phí phải lo, không thể phụ thuộc mãi gia đình, nên Quyên nghĩ sẽ phải tự kiếm tiền lo cho con.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Quyên lỡ mang thai ngoài ý muốn và bắt buộc phải sống cuộc sống của một người mẹ đơn thân, tiền không có, quan hệ cũng ít, chỉ biết tìm về gia đình nhờ giúp đỡ. Sau khi sinh con được 1 năm, Quyên quyết định trở lại Hà Nội sinh sống để giúp con làm quen với môi trường sống thành phố với ý định, đợi con lớn thêm dăm ba tháng nữa sẽ cho đi nhà trẻ, rồi mẹ đi làm để kiếm tiền nuôi con.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, khó khăn cũng bắt đầu xuất hiện, con ốm yếu, không thể gửi đi trẻ nên Quyên quyết định ở nhà trông con. Trong thời gian này, bà mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của gia đình bằng cách gửi các sản phẩm thực phẩm sạch ở quê mang ra Hà Nội bán. Tuy nhiên, thu nhập từ việc bán hàng này không đủ chi phí hàng tháng cho hai mẹ con.
Trong “cái khó ló cái khôn”, Quyên quyết định chuyển phòng trọ về khu vực có nhiều văn phòng, bắt đầu chế biến các món ăn truyền thống vùng miền và bán hàng ăn online, hàng ngày phải thức khuya dậy sớm. Lúc con ngủ thì mẹ nấu các món ăn, thời gian đầu công việc này chỉ mang lại thu nhập tốt hơn việc bán các sản phẩm thực phẩm sạch ở quê mang một chút. Tuy nhiên, sau một thời gian kinh doanh hàng ăn online, Quyên nhận ra được những giá trị từ việc kinh doanh này. Từ đó, Quyên chú trọng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, lên mạng tìm hiểu một số món ăn đặc sản các vùng miền. Sau một thời gian, công việc kinh doanh này phát triển tốt đã mang lại cho 2 mẹ con một cuộc sống tốt hơn.
Con trai của Quyên cũng đã đi học mẫu giáo nên cô có nhiều thời gian rảnh hơn để tập trung vào công việc kinh doanh. Vậy nên, việc bán hàng ăn online của Quyên ngày càng phát triển, kể từ thời điểm sau Covid -19, thu nhập của Quyên mỗi tháng đều trên 50 triệu đồng nhờ bán các món ăn qua các nền tảng xã hội.
Sau một thời gian kinh doanh, Quyên cũng đã mua cho mình được một căn hộ chung cư cũ ở khu vực Mễ Trì, cuộc sống của bà mẹ đơn thân này cũng đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Hiện Quyên tiếp tục mở rộng dịch vụ bán hàng ăn trên các nền tảng mạng xã hội nhằm nâng cao thu nhập cho cả gia đình.
Sau một thời gian kinh doanh hàng ăn online khá thành công, Quyên đã tạo công ăn việc làm cho một vài người thân trong gia đình. Mỗi tháng trừ các chi phí trả lương cho 2 nhân viên, tiền nhập hàng và các chi phí khác xong xuôi, Quyên dư được tầm trên 50 triệu rất đều đặn.
Chia sẻ với chúng tôi, bà mẹ đơn thân này nói: “Trải qua nhiều khó khăn thách thức, đến nay tôi cũng đã đứng vững được ở thành phố này, đặc biệt là tìm ra được cho mình một lĩnh vực kinh doanh khá phù hợp”.
Quyên cho biết, trong kinh doanh hàng ăn online cần phải kiên nhẫn, biết chăm chút cho từng sản phẩm của mình, làm sao để đến được với người dùng một cách tốt nhất, hài lòng nhất, phương pháp này sẽ truyền tải đến nhiều khách hàng khác nhau.
“Kinh doanh bán hàng ăn online không phải thuê địa điểm, không cần nhiều nhân viên nên cắt giảm được rất nhiều chi phí khác, lợi nhuận là do công sức của mình làm nên. Nếu chăm chỉ thì mức thu nhập sẽ tăng lên, tùy vào sức làm của mình thôi”, Quyên nói thêm.
Các chuyên gia cho rằng, bán đồ ăn online hiện là hình thức được rất nhiều người trẻ muốn khởi nghiệp quan tâm. Để tránh khỏi sự “bỡ ngỡ” khi mới bước chân vào kinh doanh online, bạn phải trang bị đầy đủ kiến thức để giảm thiểu sai sót, tối ưu chi phí phát sinh khi vận hành.
Cũng theo phân tích của các chuyên gia, thói quen tiêu dùng của khách hàng đã dần thay đổi sau dịch Covid-19, các hình thức đặt đồ trên các nền tảng giao hàng và mua đồ mang về đã trở nên quen thuộc. Thị trường này hứa hẹn sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn, có thể đánh giá rằng khách hàng đã được dành 2 năm để “đào tạo” về việc gọi đồ ăn về nhà như thế nào. Họ đã hình thành nên thói quen và dần thấy việc đó là bình thường, không nhất thiết phải ra trực tiếp tại quán để sử dụng dịch vụ, nhất là trong mùa dịch.
Bán đồ ăn online đã xuất hiện từ lâu nhưng trước đó chỉ được hình thành sơ khai, dịch Covid-19 như 1 đòn bẩy để xu hướng này ngày một phát triển. Khi khách hàng làm quen với hình thức này, chính họ nhận thấy được giá trị của nó và không thể phủ nhận được sự cấp thiết sự của xu hướng này.
Đây cũng chính là tiền đề cho việc phát triển kinh doanh online. Có thể nhận định rằng, bán đồ ăn/đồ uống online hiện là xu hướng tất yếu, việc thay đổi để thích nghi với tình hình thực tế là “chìa khóa” để kinh doanh F&B thành công.