Lần đầu tiên hoạt động thể thao được bạn bè các nước quan tâm được tổ chức, cơ hội để quảng bá Việt Trì, Phú Thọ ra ĐNA và thế giới. Vì thế, không thể dựa trên quan điểm của mỗi cá nhân để làm hình ảnh được. Cần phải làm chuyên nghiệp để tạo ấn tượng tốt cho khán giả, vì thế đội VGS quyết định làm TIFO mưa giấy và TIFO đại kỳ 3.000m2 trên sân, tạo ra một màn cổ vũ mãn nhãn cho khán giả.
Lá đại kỳ rộng 3.000m2 nặng gần 500kg được bung ra trên sân |
“Những ai ngồi ở nhà lên án hành động tung giấy hôm qua quả thực chưa đặt mình vào vị trí những người cổ động viên chuyên nghiệp, cổ vũ cho đội tuyển vì màu cờ sắc áo” - người đội trưởng nói.
Chị Yến cho biết: “Kinh phí dự tính là 60 triệu để mua cuộn giấy vệ sinh phát cho tất cả các CĐV tới cổ vũ ở tất cả các khán đài B,C, D trên sân. Tuy nhiên, kinh phí kêu gọi ủng hộ chỉ được 9tr500. Vì thế hội CĐV đã bỏ thêm tiền túi mua 6.000 cuộn giấy tổng trị giá 18 triệu đồng để thực hiện màn cổ vũ ấn tượng trên 1 góc khán đài B”.
Trước đây, hội VGS đã từng làm nhiều hoạt động cổ vũ chuyên nghiệp dùng TIFO trên các sân vận động tại Việt Nam như TIFO xếp đại kỳ bằng túi nilon cài sẵn trên các ghế khán giả sân Mỹ Đình. Tuy nhiên, do những hoạt động này quá mới nên nhiều khán giả tới sân vẫn chưa quen, chưa biết cách và cũng chưa sẵn sàng phối hợp để thực hiện những màn cổ vũ chuyên nghiệp đó nên chưa thực sự tạo được ấn tượng.
Trước đây những cuộn vải có chiều dài 20-30m đã từng được sử dụng |
Khi phóng viên Infonet trao đổi về những ý kiến của cộng đồng mạng về việc tại sao không sử dụng những dải băng bằng vải hay lụa để còn tận dụng cho lần sau, leader VGS cho biết: “Trước đây hội VGS đã từng sử dụng vải. Đi mua những cây vải màu đỏ về tự cắt tự may thành những dải duy băng có khổ rộng 10cm, dài 20 – 30m. Phải có kích thước như vậy mới tạo thành hiệu ứng đẹp còn nếu dùng ngắn và nhỏ sẽ không hiệu quả. Tạo hình ảnh đẹp trên sân xong thì khóc một dòng sông luôn”.
Chị Yến giọng khàn đặc sau màn cổ vũ cuồng nhiệt tối 8/5 tâm sự: “Nếu có suy nghĩ dùng cuộn giấy là lãng phí thì cần phải nói rõ cho mọi người hiểu thêm như thế này. Trước đây khi dùng vải, chi phí làm và vận chuyển 1 tấn vải từ TP HCM ra sân vận động Mỹ Đình là 90 triệu. Chỉ mất vài giây để tung 1 cuộn dây vải lên nhưng phải mất tận 10-15 phút để gỡ rối, rồi cuộn lại 1 cuộn dây vải đó. Hàng chục nghìn cuộn vải tung lên cùng 1 lúc, sức gió và độ cao sẽ khiến các cuộn vải bị rối vào nhau, bị mắc vào các khe ghế, hàng rào …. Mỗi cuộn thu về mất 10 -15 phút. Vậy ai sẽ là người đi thu hồi và cuộn được 5.000, 10.000 cuộn? Tốn kém và mất rất nhiều thời gian hơn so với dùng giấy vệ sinh. Các nước trên thế giới họ cũng không làm vậy. Và hơn nữa, dùng như vậy thì độ bao phủ sẽ không thể rộng khắp cho hàng chục nghìn khán giả trên mỗi khán đài, sẽ không thể tạo hiệu ứng đẹp mãn nhãn và ấn tượng về tính chuyên nghiệp của CĐV”.
Dùng tay không để thu dọn những cuộn giấy rơi dưới sân |
Dùng tay không để thu dọn những cuộn giấy rơi dưới sân |
Được biết, sau lần đầu tiên và duy nhất thực hiện tung những dải duy băng màu đỏ trên SVĐ Mỹ Đình, cả hội CĐV chỉ có thể thu hồi về được 200- 300 cuộn “là đã xây xẩm mặt mày”.
Vì thế, lần này hội VGS quyết định dùng giấy vệ sinh, vừa gọn nhẹ vừa hiệu quả kinh tế. Tiếc là sau mưa giấy thì lại có mưa thật nên đã khiến công cuộc thu dọn vất vả hơn chút ít.
“Mọi người trước khi lên án hành động của CĐV trong trận đấu Việt Nam gặp Philippines hôm 8/5 thì chứng tỏ mọi người chưa hiểu rõ về CĐV bóng đá chuyên nghiệp, chưa hiểu về TIFO, chưa biết cách cổ vũ chuyên nghiệp và chưa đứng trên góc nhìn của CĐV chuyên nghiệp” – người phụ nữ sinh năm 1981 có niềm đam mê cuồng nhiệt với bóng đá chia sẻ.
Việc chịu trách nhiệm về những TIFO này chính là các thành viên của hội CĐV, những khán giả tới sân sẽ không hiểu và không chịu trách nhiệm cũng như không thể bắt buộc họ thực hiện theo được những công việc thu dọn đạo cụ, đại kỳ…Bản thân họ còn vứt lại hàng chục nghìn chiếc áo mưa trên khắp các khán đài. “Chính vì thế, ý tưởng dùng TIFO mưa giấy là phương án kinh tế nhất, hiệu quả nhất vì có thể cùng khán giả thực hiện một cách dễ dàng”.
Phương châm hoạt động của hội VGS chơi được phải làm được. Bày ra đến đâu thì dọn tới đó, vì thế khi kết thúc trận đấu, các thành viên của hội VGS đã ở lại dọn vệ sinh, thu dọn những cuộn giấy trên khán đài và cả dưới đường pitch.
Ban quản lý sân đã có đội dọn vệ sinh chuyên nghiệp nhưng toàn bộ hội CĐV vẫn cùng với các bạn tình nguyện viên ở lại dọn dẹp cuối trận. Đội dọn vệ sinh có dụng cụ công nghiệp, có máy thổi, có chổi… còn CĐV tới sân chỉ có tay không dọn vệ sinh thôi. Vì thế sau khi dọn xong, tắt điện trên sân thì ai nấy đều “ê ẩm hết tay chân”.
Chị Yến cũng cho biết thêm: “Chỉ có 6.000 cuộn giấy vệ sinh được ném ra tập trung tại 1 góc của khán đài B, không thể bì được với lượng áo mưa của hơn 15.000 khán giả trên khắp các khán đài. Khi các thành viên của hội đang thu dọn giấy và áo mưa, có một nhóm người ban đầu ngăn cản sau đó xin để họ lấy những cuộn giấy vệ sinh bị ướt, những áo mưa bỏ lại trên sân về bán ve chai”. Vì thế, nhóm chị Yến chỉ thu dọn lại thành các túi, các đống để những người kia mang về.
"Nhìn những bức hình các nước họ làm các bạn có thấy đẹp không ạ? Đấy được gọi là TIFO. Họ dùng giấy, túi nilon để làm đó. Và để làm được trên cả một khán đài lớn cho toàn bộ khán giả trong sân thì chi phí rất lớn. Khán đài cổ vũ bóng đá chuyên nghiệp nó phải thế. Tốn cả trăm triệu chỉ cho một lần sử dụng và chỉ để lên hình 5 giây, 1 phút quảng bá ra thế giới".
"Nhân đây tôi cũng xin góp ý luôn với ban tổ chức SEAGAMES cũng như các ban quản lý toàn bộ các sân bóng cũng như các CĐV. Nếu được, hãy ban hành thêm quy định cấm sử dụng các loại kèn vào sân giống quy định cấm pháo cấm đem chai, lọ , gậy gộc vào sân vậy. Các nước lân cận như Singapore, Malaysia, Thái Lan… Họ đã làm được từ lâu rồi. Chẳng nhẽ Việt Nam mình làm không được. Làm được vậy thì người đầu tiên mang ơn đó là HLV và cầu thủ dưới sân. Cầu thủ cũng đã từng lên tiếng kêu gọi xin đừng đem tiếng kèn ấy vào sân vì khi thổi lên họ không thể nghe sự trao đổi với nhau với HLV 100% được".