Kỹ năng sống

"Mẹ, con xin lỗi!", nước mắt của chàng trai vàng điền kinh Trần Nhật Hoàng

"Mẹ ơi, con xin lỗi!", Trần Nhật Hoàng liên tục nói với mẹ mình, trong tiếng nấc nghẹn sau phần thi chung kết 400m nam. Nhật Hoàng là người đang nắm giữ tấm HCV ở nội dung này và được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang về vinh quang cho điền kinh Việt Nam. Tuy nhiên, VĐV 22 tuổi bị đau trong những mét cuối cùng, mất HCV vào tay chân chạy người Thái Lan. Sau phần thi chung kết, Nhật Hoàng tỏ ra rất thất vọng về bản thân. Anh òa khóc ôm lấy mẹ bên ngoài đường piste.

Với chàng trai quê Khánh Hòa, mẹ là người đồng hành không thể thiếu trong mọi bước đường sự nghiệp. Ở SEA Games 30 trên đất Philippines cách đây 3 năm, Trần Nhật Hoàng giành 3 tấm HCV trong lần đầu tiên dự kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á ở các nội dung tiếp sức 4x400m hỗn hợp, 4x400m nam và 400m nam. Thời điểm đó, Nhật Hoàng đã tiết lộ mong muốn rất bình dị: "Thật sự, bây giờ tôi chỉ muốn về nhà ăn Tết ngay với mẹ. Tôi rất thèm những món ăn mẹ nấu. Đã bốn, năm tháng rồi, tôi chưa được về nhà thăm mẹ vì bận rộn tập huấn rồi thi đấu". Mong ước giản đơn như của bất kỳ người con xa gia đình nào khác.

Mẹ, con xin lỗi!, nước mắt của chàng trai vàng điền kinh Trần Nhật Hoàng  - Ảnh 1.
Mẹ, con xin lỗi!, nước mắt của chàng trai vàng điền kinh Trần Nhật Hoàng  - Ảnh 2.

Anh gặp chấn thương và được mẹ dìu ra sân.

Cha mẹ Nhật Hoàng chia tay khi anh vừa tròn 11 tuổi. Mẹ là người nuôi Nhật Hoàng khôn lớn, ủng hộ anh theo con đường thể thao. Năm 2018, Nhật Hoàng phải tập huấn xa nhà trong hơn một năm để chuẩn bị cho SEA Games 30. Điều lo lắng duy nhất của chàng trai này là không thể ở bên giúp đỡ mẹ trong cuộc sống hàng ngày.

Đến kỳ SEA Games 31 trên sân nhà, chắc hẳn Nhật Hoàng rất muốn mẹ chứng kiến giây phút anh giành HCV nội dung sở trường. Ước nguyện không thành vì chấn thương là điều không ai biết trước được. Nhưng ngay cả trong giây phút thất bại, Nhật Hoàng cũng được an ủi phần nào vì có mẹ ở bên. Thành công hay thất bại, Nhật Hoàng vẫn là niềm tự hào, là lẽ sống của người mẹ.

SEA Games 31 đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện gia đình cảm động của các VĐV. Võ sĩ Tô Thị Trang giành HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ Đại hội năm nay. Tuy nhiên, cha của cô đã không may qua đời chỉ vài tiếng đồng hồ sau thành tích của con gái. Hình ảnh Trang khóc nức nở bên giường bệnh, tay cầm tấm HCV tặng cha đã lấy đi nước mắt của nhiều người hâm mộ.

Ở môn đấu kiếm, Tú Anh - vợ của kiếm thủ Vũ Thành An chia sẻ câu chuyện chỉ dám nhìn từ xa xem chồng ghi tên trên bảng vàng. Từng là một xạ thủ thi đấu chuyên nghiệp nhưng Tú Anh vẫn không tránh khỏi lo lắng khi chứng kiến người thân thi đấu.

"Lúc coi anh An thi đấu, mình thực sự rất vui nhưng song hành với đó cũng là những áp lực. Bởi vì mình ở phía dưới, còn ở trên đấu trường các vận động viên đang cuốn vào nhịp thi đấu thì sẽ không còn để ý đến cảm xúc nữa. Nhưng mà nhỡ chẳng may mình ở dưới căng thẳng, áp lực quá mình sợ chồng mình khi quay xuống nhìn thấy sẽ bị tâm lý theo. Thế nên mình chỉ dám lặng lẽ ngồi sau tất cả mọi người để theo dõi tỉ số”, cô chia sẻ.

Hay như câu chuyện vừa diễn ra trong ngày thi đấu 15/5, Nguyễn Tiến Trọng xuất sắc giành huy chương vàng môn nhảy xa cho Đoàn thể thao Việt Nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, Tiến Trọng khoác cờ đỏ sao vàng quỳ xuống, cầu hôn bạn gái - VĐV của đội tuyển cầu mây Việt Nam Nguyễn Thị Phương Trinh. Một cái kết quá tuyệt vời cho tình yêu của cặp đôi thể thao Việt Nam. Tình yêu và nhiệm vụ với Tổ quốc hoà cùng với tình yêu đôi lứa.

Thể thao đỉnh cao rất khắc nghiệt. Các VĐV hi sinh nhiều thứ để cống hiến cho thành tích của nước nhà. Trong hành trình gian nan đi tìm vinh quang, gia đình chính là điểm tựa và là đòn bẩy để giúp các chàng trai và cô gái vàng của thể thao Việt Nam bứt phá lên đỉnh cao.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm