Trở thành khách mời đầu tiên, "khai trương" ghế nóng của talkshow The Next Power, doanh nhân Mai Hữu Tín đã có hàng loạt chia sẻ đáng chú ý về quá trình đổi mới một doanh nghiệp. Là người từng có kinh nghiệm với nhiều thương vụ M&A, trong đó nổi bật là quá trình vực dậy Gỗ Trường Thành, ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng việc đổi mới liên tục, mỗi ngày và luôn có kế hoạch trước những thay đổi của thị trường.
Ông cũng cho rằng yếu tố con người đóng vai trò then chốt, thể hiện ở hoạt động truyền lửa của người lãnh đạo doanh nghiệp, ở cách lựa chọn và nhìn nhận đối tác, và ở cả phương thức xác định mục tiêu của hoạt động sáng tạo.
Đổi mới là quá trình tích luỹ liên tục
Vốn được mệnh danh là "ông trùm giải cứu", Chủ tịch TTF (Total Furniture) cho biết, ông không thích từ "giải cứu", mà thay vào đó, cụm từ "xoay chuyển trạng thái" phù hợp hơn với những gì bản thân đã và đang thực hiện. Khi nói về đổi mới, ông cũng nhấn mạnh, "đổi mới" không phải là hành động mang tính phá hủy (disruptive innovation), xóa bỏ hoàn toàn những cái cũ. Với kinh nghiệm làm quản trị nhiều năm, vị doanh nhân cho rằng, tại Việt Nam, đổi mới nên được tiếp cận theo cách nhìn nhận là giải quyết vấn đề bằng các bước thay đổi nhỏ để cố gắng mang lại hiệu quả sau cuối, hay nói cách khác là đổi mới gia tăng (incremental innovation).
Chiến lược này thể hiện rất rõ trong quá trình phát triển của Gỗ Trường Thành hiện nay. Thương hiệu này từng phục vụ nhiều mặt hàng giá thấp, sử dụng yếu tố nhân công rẻ như một yếu tố cạnh tranh. Tuy vậy, điều này có thể mang lại lợi nhuận trong một giai đoạn chứ chưa thể tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài. Tại Gỗ Trường Thành, yếu tố đổi mới thể hiện trong việc dần đầu tư vào thiết kế và gia tăng khả năng sản xuất được những sản phẩm cao cấp, giá trị lớn hơn. Sự đổi mới tiếp theo là đầu tư vào các công nghệ có thể nâng cấp để tương lai đáp ứng được những yêu cầu lớn hơn của thị trường.
Trong suốt hơn 40 phút của chương trình, chủ tịch TTF nhấn mạnh đến tính thay đổi liên tục của các kế hoạch đổi mới. Ông cho rằng thay đổi là một phần tất yếu. "Những thay đổi xảy ra liên tục, đó là một phần của kế hoạch, kế hoạch là phải có chỗ để thay đổi phù hợp với hiện trạng mới", vị doanh nhân cho biết.
Với Gỗ Trường Thành, khi mới tiếp quản doanh nghiệp này, ông Mai Hữu Tín chỉ lập kế hoạch là đưa thương hiệu này trong sạch trở lại để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau đó chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, giúp nhiều sản phẩm gỗ của Việt Nam có sức cạnh tranh, từ đó doanh nghiệp có mục tiêu để chuyển hướng đầu tư và tạo thêm lợi thế. Hay trong dịch Covid-19, khi nhu cầu các sản phẩm tầm trung gia tăng, thương hiệu đã thực hiện nhiều giải pháp để hạ giá thành cuối ở mức thấp nhất, hướng tới người tiêu dùng trong nước.
Con người là chìa khoá cho mọi sự đổi mới
Trong triết lý "đổi mới" của mình, ông Mai Hữu Tín cũng nhận định rằng, các yếu tố của thời cuộc, kế hoạch có thể thay đổi nhưng điều bất biến phải là ngọn lửa trong lòng người lãnh đạo. Điều này cũng thể hiện quan điểm của ông khi cho rằng, yếu tố con người đóng vai trò then chốt trong toàn bộ kế hoạch đổi mới.
"Nếu để mình bị mất lửa, mất ý chí, mất niềm tin thì tất cả những việc muốn làm đều không thực hiện được. Tất cả mọi người trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang khó khăn luôn nhìn vào người lãnh đạo để lấy niềm tin. Vì vậy, người đứng đầu một doanh nghiệp đang khó khăn càng phải tạo ra một động lực lớn cho bản thân để tiếp tục dẫn dắt đội ngũ đi theo mình", ông nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, "ngọn lửa" của người lãnh đạo không tự nhiên mà có, nó cần được trải qua quá trình học tập từ bên ngoài. Quá trình nghiên cứu cách làm, hay động lực của người khác, doanh nghiệp khác sẽ giúp xây dựng nguồn năng lượng sáng tạo, tư duy đổi mới cho doanh nghiệp mình.
Vị doanh nhân chia sẻ nhiều về những kinh nghiệm của bản thân trong quá trình tìm đúng người để cùng hợp tác, để truyền lửa. Có những nhân tố, đúng ở lúc ban đầu nhưng không thể đi đường dài, ông cho rằng, bản thân mình có thể luôn tạo được ngọn lửa nhiệt huyết nhưng việc yêu cầu, lôi kéo được đối tác hay nhân viên cùng cảm nhận sự nhiệt huyết đó là điều không dễ dàng. Thiếu đi sự nhiệt huyết trong công việc, tức là người điều hành, yếu tố con người trong quá trình đổi mới sẽ phải thay đổi.
Ông nhận định: "Chúng ta luôn phải học từ ông bà mình, đó là 'muốn hùn thì phải hạp'. Không chỉ qua vài cuộc nói chuyện, ăn cơm mà phải mất đến vài năm mới có thể biết hạp hay không".
Những 'quy tắc' của đổi mới
Vị doanh nhân nhận định, việc xây dựng được một công thức để vận dụng thực chất không phải là cốt lõi của việc đổi mới. Đó chỉ chỉ là thành công tại một thời điểm nhất định, nhưng ít nhất cũng đã tạo ra một nền tảng kiến thức chung để tiếp tục các hoạt động đổi mới trong tương lai.
Văn hoá doanh nghiệp cũng là một chìa khoá quan trọng để định hướng hoạt động đổi mới. Đặc biệt những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đang cần xoay chuyển thì viêc xây dựng văn hoá tổ chức phải làm đầu tiên. Đó là công cụ để người lãnh đạo truyền lửa cho toàn bộ công ty. "Nếu người lãnh đạo mỗi ngày khẳng định thêm những thông điệp mà chúng ta đưa ra đó bằng những cái lợi ích thiết thực cho người lao động thì họ mới thấy cái quyền và cái phần của họ trong việc tại sao phải sáng tạo, tại sao phải đổi mới. Người lãnh đạo phải mở lòng ra và xây dựng cái gì đó chung, nó tạo ra những giá trị chung mà ai cũng thấy có phần mình ở trong đó, thì họ mới cố gắng được".
Trong hơn 40 phút đối thoại cùng hai người dẫn chương trình là ông Lê Trí Thông (CEO PNJ) và bà Trương Lý Hoàng Phi (CEO IBP), chủ tịch TTF đã chia sẻ hàng loạt bài học và kinh nghiệm của chính cá nhân ông trong hành trình đổi mới và xoay chuyển hàng loạt doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đưa ra những triết lý riêng về tinh thần lãnh đạo và yếu tố nguồn nhân lực.
Ông Mai Hữu Tín khép lại talkshow đầu tiên của The Next Power bằng lời khuyên dành cho thế hệ doanh nhân trẻ khi bắt tay vào đổi mới doanh nghiệp: "Hãy nghĩ về một mục tiêu lớn hơn cho cộng đồng của mình, đất nước của mình, lúc đó chúng ta mới lớn hơn. Động cơ đó lớn hơn mọi động cơ khác về tiền".