"Lúc đó mình nghĩ với người làm mẹ, điều đáng sợ nhất là không thể chứng kiến con lớn lên mỗi ngày, còn điều buồn nhất của một đứa trẻ là không còn mẹ mỗi khi thức giấc", chị Bùi Thị Hà Thu, 32 tuổi, nhớ lại khoảnh khắc tăm tối nhất đời mình, 5 năm trước.
Cô gái quê Mai Sơn, Sơn La nuốt nước mắt nói với chồng: "Em sẽ chiến đấu với bệnh tới cùng, sống lâu hơn để con có tuổi thơ, giữ lại chút gì đó ký ức về mẹ".
Việc đầu tiên người mẹ thực hiện là dũng cảm đối diện với bệnh tật để tiếp tục được sống dù nhiều lúc hóa chất truyền vào người "đau đến tan chảy xương cốt".
Đến bữa, thức ăn chưa đi qua cổ đã nôn thốc ra ngoài nhưng Thu tiếp tục ăn lại, thậm chí bịt mũi vừa ăn vừa khóc. Cô hiểu chỉ ăn mới có sức điều trị. Trong những tháng ngày đau đớn tưởng chết đi sống lại đó, mỗi khi nằm trên giường bệnh, Thu lại đặt ảnh con trai gần trái tim mình và cảm nhận được sức mạnh dần truyền vào cơ thể.
Mỗi lần lên Hà Nội chữa bệnh, sợ người nhà lo lắng Thu tự chiến đấu trong im lặng với những cơn đau mỗi khi vào thuốc, cố gắng tự chủ mọi thứ trong viện. Trước mặt mọi người, cô chưa bao giờ tỏ ra buồn bã mà thường động viên ngược, bởi sợ nếu bản thân suy sụp sẽ khiến người nhà mất tinh thần.
Khi quyết tâm chiến đấu, Hà Thu nhận ra "thời hạn không quá 6 tháng" như mọi người nói, không đúng với mình. 5 năm trôi qua với 75 lần hóa trị, người phụ nữ này quyết không từ bỏ điều trị. "Chúng ta không thể biết bản thân mạnh mẽ tới nhường nào cho tới khi làm mẹ", người phụ nữ Sơn La nói.
Từ năm ngoái, cảm nhận sức khỏe yếu dần, Thu tổ chức một chuyến đi chơi xa với gia đình. Đây cũng là lần đầu tiên cậu bé Trung Đức được thấy biển. Hai mẹ con ngắm mặt trời lặn và lắng nghe tiếng sóng, cùng nhau leo đồi dù hai chân Thu khi đó có dấu hiệu tê buốt bởi tế bào ung thư bắt đầu ăn vào xương.
Khi đăng ảnh hai mẹ con lên trang cá nhân, nhiều người không biết Thu mắc bệnh hiểm nghèo. "Mình không muốn con trai phải lưu ký ức về một người mẹ suốt ngày nằm trên giường bệnh", Thu nói. Cô biết thời gian còn lại của mình ngắn ngủi nên muốn Trung Đức nhớ về mẹ là người luôn vui vẻ và có sức mạnh làm mọi việc.
Ngoài việc chiến đấu với các đợt hóa trị, trở về nhà người phụ nữ này vẫn đi làm phụ giúp gia đình và đưa đón con trai tới trường. Thu luôn nhắc nhở con, bản thân mẹ vẫn đang làm việc chăm chỉ ngay cả khi bị bệnh. Thậm chí cô còn chuẩn bị sẵn ảnh thờ cho mình, hỏi han các thủ tục tang lễ cần thiết vì muốn gia đình giảm bớt gánh nặng lo hậu sự với suy nghĩ "đó cũng là phần tất yếu của cuộc sống".
"Nếu sau này Đức gặp khó khăn con sẽ nghĩ tới mẹ ngày hôm nay để coi đó không phải chuyện lớn và học cách vượt qua", Thu nói.
Không chỉ dạy con về tinh thần vượt nghịch cảnh, ưu tiên tiếp theo của người mẹ là giúp con trai có thể tự chăm sóc bản thân, dù nhỏ tuổi.
Để làm được điều này, Thu yêu cầu con tuân theo lịch trình hàng ngày. Cô rèn cho con cách cài chuông đồng hồ để ngủ dậy đúng giờ hay đặt đồ đạc đúng vị trí. Ngày nghỉ, hai mẹ con cùng nhau phơi quần áo và dọn dẹp nhà cửa. Con trai còn phụ giúp mẹ nấu nướng, được dạy cách phân biệt các loại rau, gia vị.
Cuối tuần, hai vợ chồng dành thời gian đưa Trung Đức đi công viên để hòa mình với thiên nhiên cũng như học cách giải quyết những tình huống phát sinh khi trời mưa, xe hỏng hay sơ cứu khi vấp ngã. Với Thu, dạy con quan trọng nhất là sự kiên nhẫn và tôn trọng nên chưa bao giờ cô đánh mắng hoặc sử dụng đòn roi.
Lớn lên trong sự ấm áp của tình yêu thương, Đức trở thành một cậu bé sống tình cảm. Mẹ nhờ gì cũng vui vẻ thực hiện mà không coi đó là trách nhiệm. Cậu bé còn luôn khen mẹ đẹp, kể cả khi đầu rụng hết tóc và phải sử dụng khăn trùm đầu. Mỗi khi Hà Thu điều trị từ Hà Nội trở về nhà, cậu con trai lại lẽo đẽo chạy theo sau hỏi han: "Mẹ mệt không?"; "Mẹ ơi mẹ đói không?".
Trong những cơn sốt miên man sau hóa trị, người mẹ vẫn cảm nhận được đôi bàn tay bé xíu của con sờ vào trán hay hơi ấm từ chiếc chăn mà cậu bé đắp cho mình mỗi lần đi học về.
Người mẹ cũng muốn lưu giữ những khoảnh khắc đẹp về tình mẫu tử khi ở bên con. Đó là những lần cậu bé được mẹ vỗ về đưa vào giấc ngủ hay sà vào lòng kể đủ thứ chuyện trường lớp rồi cùng nhau vui chơi, hóa thân thành siêu nhân hay anh hùng trong chuyện cổ tích.
Kể cả khi nằm viện, có những tối thông qua chiếc điện thoại, Hà Thu lại kể cho con nghe câu chuyện về tấm gương vượt khó, cách chia sẻ thứ mình có với mọi người hay làm thế nào để vượt qua nỗi sợ. "Nhỡ một ngày không còn mẹ bên cạnh, Đức vẫn cảm thấy hạnh phúc khi nhớ tới giây phút ấm áp đó", người mẹ chia sẻ.
Hiểu rằng thời gian đang đếm ngược với mình nên mong muốn lớn nhất của Hà Thu thời điểm hiện tại là đủ sức khỏe để viết nhật ký cho con, kèm những bức ảnh gia đình từ lúc Trung Đức vừa lọt lòng cho đến hiện tại khi cậu bé sắp vào lớp Một.
Người phụ nữ này hy vọng, khi đọc được những trang nhật ký mẹ viết bằng tất cả sự yêu thương, cậu bé sẽ không cảm thấy cô đơn, dù một ngày nào đó mẹ không còn ở cạnh nữa.
Những ngày này, dù việc vệ sinh cá nhân hay đi lại đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của người khác nhưng mỗi khi khỏe hơn, Hà Thu vẫn gắng gượng dạy con học chữ và thấy hạnh phúc mỗi khi nghe cậu bé "ê, a" suốt buổi.
Có lần vì học tốt nên mẹ hứa thưởng cho món đồ chơi nhỏ nhưng Trung Đức lắc đầu vì từng nghe người lớn nói chuyện, ngôi nhà đang ở đã bán cho ngân hàng lấy tiền chữa bệnh. Ở tuổi lên 6, giờ cậu bé cũng không còn khóc nhè khi được hỏi: "Nếu sau này mẹ không ở bên, con sẽ làm gì?" mà dõng dạc trả lời: "Con sẽ ngoan và học tốt để mẹ luôn vui".
Ngoài giờ học và chơi với các bạn, Trung Đức còn thích vẽ tranh, đặc biệt về gia đình, nơi có ông bà, bố mẹ và cả chính mình. Trong những bức tranh của cậu bé, người mẹ luôn xuất hiện với mái tóc suôn dài mà theo mong muốn của Đức "khi nào hết bệnh, tóc mẹ sẽ mượt đẹp như thế".