Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan trong năm 2023 và 2024 nhờ NIM được gia tăng lên mức lần lượt 4% và 4,2%; tăng trưởng tín dụng đạt 12,5% và 15%; thu nhập ngoài lãi tăng trưởng lần lượt 42,3% và 44,6%.
NIM sẽ phục hồi vào cuối năm
Trong nửa đầu năm 2023,NIM của ngân hàng đã suy giảm nhẹ về mức 3,8% nhưng được kỳ vọng sẽ tăng lên mức 4% trong năm 2023 khi lãi suất huy động liên tục giảm kể từ quý II/2023.
Điểm tích cực là NIM quý II ghi nhận mức tăng nhẹ trở lại so với quý I. Lãi suất cho vay trung bình 6 tháng tăng mạnh từ 10,3% cùng kỳ năm trước lên 12,7% cho thấy NIM giảm nhẹ chủ yếu do sự suy yếu mạnh của chi phí vốn - COF (tăng từ 3,9% lên 6,8%).
Lãi suất huy động liên tục giảm từ đầu năm 2023 và hiện tại đang về mức xấp xỉ đáy COVID-19. Do đó, các chuyên gia MBS kỳ vọng rằng COF của OCB sẽ giảm về mức 5,1% cho cả năm 2023 (cao hơn 70 điểm cơ bản so với cả năm 2022). Ngoài ra, NIM cũng được kỳ vọng sẽ đạt 4% cho cả năm (tương đương với năm 2022).
Mặc dù vậy, MBS cũng lo ngại rủi ro đến từ nhu cầu tín dụng yếu. Đặc biệt đối với các ngân hàng có quy mô nhỏ như OCB, việc phải giảm lãi suất nhằm cạnh tranh thị phần cho vay sẽ đồng thời khiến NIM giảm đi, bù đắp cho sự suy giảm của chi phí vốn.
Tăng trưởng tín dụng
Tính đến cuối quý II, tăng trưởng tín dụng của OCB đạt 6,8% so với đầu năm, nhỉnh nhẹ so với mức trung bình của các ngân hàng niêm yết (6,1% so với đầu năm) và cơ cấu tín dụng có sự bằng giữa hai nhóm KHDN và KHCN (chiếm tỷ trọng lần lượt 58,9% và 41,1%).
Những lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng tín dụng của OCB trong 6 tháng đầu năm bao gồm hoạt động xây dựng, trong đó chủ yếu là nhóm các công ty được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; cho vay hộ kinh doanh liên quan đến các hoạt động dịch vụ du lịch và cho vay mua nhà.
MBS cho rằng tăng trưởng tín dụng của OCB trong phần còn lại của năm 2023 sẽ duy trì đà tăng và đạt 12,5% cho cả năm dựa trên những cơ sở sau.
Thứ nhất, đầu tư công được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm dẫn dắt tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tiêu dùng bán lẻ, xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu khả quan đáng kể. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng đầu năm tăng 10% so với cùng kỳ (8T2022 tăng 19,2%). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm 13,1% so với cùng kỳ.
Thứ hai, hoạt động cho vay mua nhà và cho vay bán lẻ được kỳ vọng sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm 2023 khi nhu cầu tiêu dùng cao được tập trung vào hai quý cuối năm và các chính sách hỗ trợ gỡ khó cho ngành BĐS đang được triển khai liên tục.
Thu nhập ngoài lãi phục hồi trở lại
Theo đánh giá của các chuyên gia MBS, tỷ trọng của nguồn thu ngoài lãi (NOI) suy giảm trong 6 quý gần nhất chủ yếu do nguồn thu phí và lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán (chiếm trung bình 75,5% tổng NOI trong 8 quý gần nhất) suy giảm mạnh.
Ngân hàng đã ghi nhận quý thứ 7 liên tiếp có mức thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng khoán lỗ, chủ yếu là đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP).Danh mục đầu tư trái phiếu của OCB tại cuối quý II đạt 45.556 tỷ đồng (21,9% so với đầu năm) trong đó TPCP đạt 23.250 tỷ đồng (tăng 16% so với đầu năm).
Thu nhập lãi thuần của OCB đã tăng nhẹ 4,2% so với cùng kỳ cùng với các hoạt động ngoài lãi (NOI) tăng trưởng cao như đầu tư chứng khoán (tăng gần 5 lần), ngoại hối (tăng gần 6 lần) đã giúp lợi nhuận trước thuế tăng 47,2% so với cùng kỳ.
Cụ thể, thu nhập thuần ngoài lãi gia tăng mạnh chủ yếu nhờ các hoạt động kinh doanh vàng & ngoại hối (tăng 427% so với cùng kỳ) và hoạt động đầu tư chứng khoán (tăng 377% chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanhTPCP), đưa tỷ trọng của 2 hoạt động này lên mức 50% tổng thu thuần ngoài lãi.
Với kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ còn một đợt giảm nữa trong năm 2023 đưa mức lãi suất điều hành về ngang bằng với mức đáy của giai đoạn dịch COVID-19, MBS cho rằng hoạt động đầu tư TPCP của OCB sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm 2023.
Các chuyên gia phân tích dự báo NOI của OCB sẽ đạt mức tăng trưởng 42,3% trong năm 2023 và 44,6% trong năm 2024 nhờ lợi nhuận từ hoạt động đầu tư TPCP phục hồi.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của OCB cuối quý II đã có xu hướng giảm nhẹ so với quý I. Tuy rằng tỷ lệ nợ dưới chuẩn vẫn còn cao hơn đáng kể so với cuối năm 2022 (4,8%) nhưng đã có dấu hiệu tạo đỉnh trong quý I. Tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) tại cuối quý II đạt 47,5%, tăng nhẹ so với Q1 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với cuối năm 2022.
MBS cho rằng, việc tỷ lệ nợ xấu tạo đỉnh trong quý I cùng với tăng trưởng tín dụng thấp sẽ khiến chủ động giảm trích lập trong nửa đầu năm. TOI được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023 giúp OCB có thêm dư địa trích lập dự phòng trong nửa năm còn lại, do đó tỷ lệ nợ xấu và bao phủ nợ xấu được các chuyên gia kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện, đạt mức 3% và 50,1% tại cuối năm 2023.