Chứng khoán

Maybank: Chứng khoán đang tăng nhanh do yếu tố tâm lý, tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn

Chi tiêu tiêu dùng hồi phục, lạm phát và tỷ giá trong kiểm soát

Tại báo cáo chiến lược tháng 8, MSVN nhận thấy được hỗ trợ bởi thị trường ngoại hối tương đối ổn định, rủi ro lạm phát do giá gạo toàn cầu tăng nằm trong tầm kiểm soát, sẽ cho phép Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Hơn nữa, yếu tố mùa vụ của tiêu dùng nội địa sẽ củng cố cho sự phục hồi kinh tế trong những quý tới.

Một loạt hạn chế xuất khẩu gạo từ chính phủ Ấn Độ đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao nhất trong một thập kỷ, tác động đến giá gạo trong nước và làm tăng nguy cơ lạm phát trong thời gian tới. Tuy nhiên, yếu tố giảm nhẹ là Việt Nam có thể áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu đặc biệt tương tự để đảm bảo an ninh lương thực trong nước như đã làm vào tháng 4 năm 2020; có thể áp dụng các biện pháp hành chính hoặc tài chính do gạo là một trong 9 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá; sản lượng lúa có khả năng duy trì mạnh với tác động hạn chế từ El-Nino như trong các năm 2015 - 2016, 2019 - 2020 và như dự báo của USDA. Bên cạnh đó, giá lương thực địa phương có xu hướng ít biến động hơn và tương quan thấp với giá lương thực toàn cầu.

(Nguồn: MSVN).

MSVN kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát trong ngắn hạn. Trong khi đó, thị trường ngoại hối vẫn bình lặng ngay cả sau bốn lần cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và bốn lần tăng lãi suất của Fed. Hai diễn biến này có thể sẽ giúp NHNN duy trì chu kỳ nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

(Nguồn: MSVN).

Hiệu ứng mùa vụ củng cố phục hồi kinh tế

Với tiêu dùng cuối cùng đóng góp 2/3 GDP của Việt Nam (2022), kết quả kinh doanh của ngành bán lẻ và các doanh nghiệp liên quan phản ánh phần nào bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế nói chung. Theo đó, phản ánh đúng tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm 3,72% so với cùng kỳ  như trong 6 tháng đầu năm - mức thấp thứ hai trong 10 năm qua - các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết đã bị sụt giảm doanh thu 11% so với cùng kỳ và lợi nhuận giảm 80% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do lợi nhuận sụt giảm của các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu như Thế giới Di động (Mã: MWG) giảm 98% so với cùng kỳ và khoản lỗ lớn bất ngờ tại FPT Retail (Mã: FRT).

(Nguồn: MSVN).

Theo MSVN, mặc dù các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết vẫn thận trọng bằng cách giảm lượng hàng tồn kho hơn nữa trong quý II, nhưng báo cáo tài chính quý II của Thế Giới Di Động cho thấy triển vọng tươi sáng hơn cho ngành trong các quý tới. Thế Giới Di Động duy trì số lượng nhân viên hơn 68.000 người vào cuối quý II, gần như không thay đổi so với quý trước sau khi giảm 6.000 nhân viên mỗi quý trong quý IV/2022 và quý I/2023. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu tăng dự trữ hàng tồn kho trong quý II/2023 sau khi giảm dự trữ hàng tồn kho trong 4 quý liên tiếp. Điều này sẽ báo hiệu tốt cho việc kinh doanh phục hồi trong nửa cuối năm 2023.

Một lưu ý tích cực khác, tín dụng tiêu dùng cho thấy tốc độ thu hẹp chậm hơn nhiều trong quý II/2023 so với các quý trước. FE Credit, nhà cho vay tiêu dùng lớn nhất, báo cáo dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ giảm 2% so với quý trước trong quý II, thấp hơn mức giảm theo quý 10% và 15% lần lượt trong quý I/2023 và qusys IV/2022. Lãi suất trong nước giảm đã cải thiện khả năng chi trả của người tiêu dùng, qua đó tăng khả năng chi tiêu của họ.

Nửa cuối năm thường bận rộn hơn 6 tháng đầu năm đối với tiêu dùng không thiết yếu. Các nhà bán lẻ ô tô địa phương thường thấy doanh số giảm sau kỳ nghỉ tết dài đầu năm trước khi bắt đầu tăng sau giữa năm.

Trong khi người tiêu dùng trong nước có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho du lịch và dịch vụ trong mùa hè, thì chi tiêu hàng hóa không thiết yếu thường cải thiện cho đến hết Tết Nguyên đán. Bất chấp suy thoái kinh tế đang diễn ra, các chuyên gia kỳ vọng mẫu hình tiêu dùng có tính mùa vụ như vậy sẽ tiếp tục trong năm nay, giúp củng cố sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2023. Chi tiêu cao hơn làm tăng thu nhập, từ đó nâng cao chi tiêu hơn nữa. Vòng lặp này sẽ giúp nền kinh tế phục hồi trở lại với tốc độ 6 - 7% hàng năm vào năm 2024.

TTCK đang tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn

Đối với TTCK, MSVN chỉ ra VN-Index đã tăng 9,2% vào tháng 7, là mức tăng tốt nhất trong 6 tháng qua, nâng định giá của chỉ số hơn 50% và trở lại mức P/E trung bình 3 năm là 15x từ mức thấp nhất trong thập kỷ là 10x vào cuối năm 2022. Điều này chủ yếu là do tâm lý nhà đầu tư được cải thiện hơn là các yếu tố cơ bản và do đó nhóm phân tích nhận thấy rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn.

(Nguồn: MSVN).

MSVN khuyến nghị giao dịch các vị thế ngắn hạn hoặc chờ điều chỉnh để tích lũy thêm cổ phiếu cho đầu tư dài hạn. Trong tháng 8, MSVN tập trung nhiều hơn vào các ý tưởng giao dịch ngắn hạn.

(Nguồn: MSVN).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm