Tài chính

Mất nguồn cung khí đốt Nga, quốc gia EU liên tiếp đe dọa rắn đáp trả Ukraine, hết cắt điện đến cắt viện trợ quan trọng

Trong cuộc hội đàm với Uỷ viên Năng lượng EU Dan Jorgensen ngày 9/1, Thủ tướng Robert Fico của Slovakia cho biết ông đang cân nhắc các biện pháp trả đũa Ukraine nếu không tìm ra giải pháp cho quyết định khoá van nguồn khí đốt từ Nga.

Vào ngày 1/1/2025, Kiev đã không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt bằng đường ống chạy qua lãnh thổ Ukraine. Mục tiêu của Ukraine là cắt nguồn thu của Nga để tài trợ cho cuộc xung đột đang diễn ra giữa hai nước.

Sau khi dành thời gian tìm nhà cung cấp thay thế, nguồn cung khí đốt được duy trì trong EU. Tuy nhiên, Thủ tướng Fico cho biết Slovakia sẽ mất 1 tỷ euro (1 tỷ USD) mỗi năm do giá khí đốt tăng cao và 500 triệu euro phí quá cảnh.

Ông từng đe doạ sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho Ukraine hoặc cắt giảm viện trợ cho người tị nạn Ukraine.

Đến ngày 9/1, ông tiếp tục cho biết Slovakia có thể dừng viện trợ nhân đạo hoặc dùng quyền phủ quyết của mình đối với các quyết định của EU về Ukraine. Đồng thời, ông cũng khẳng định không mong muốn làm gia tăng căng thẳng.

“Không điều gì, kể cả luật quốc tế hoặc lệnh trừng phạt, ngăn cản được việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine”, ông nói với các phóng viên tại Brussels.

Ông cho biết giá năng lượng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của EU. “Nếu EU chịu thiệt hại lâu dài, Slovakia cũng bị thiệt hại. Slovakia sẽ có biện pháp đáp trả”, ông Fico nói thêm.

Slovakia và Ủy ban châu Âu đã nhất trí thành lập một nhóm làm việc về vấn đề này. Bộ năng lượng Kiev hiện chưa đưa ra bình luận.

Kể từ khi nắm quyền vào năm 2023, Thủ tướng Fico đã thay đổi chính sách đối ngoại của Slovakia bằng cách vun đắp quan hệ với Nga và từ chối cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.

Hiện vẫn chưa rõ ông đưa ra đánh giá về những tổn thất tiềm tàng đối với Slovakia như thế nào. Công ty vận chuyển khí đốt Eustream của Slovakia đã báo cáo doanh thu từ hoạt động vận chuyển khí đốt là 226 triệu euro trong năm kết thúc vào tháng 7 năm 2023.

Slovakia đã đề xuất các giải pháp kỹ thuật bao gồm tiếp quản quyền sở hữu khí đốt của Nga trước khi nguồn năng lượng đến Ukraine. Nhưng Kiev đã từ chối các giải pháp này tại hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 12. Vài ngày sau, Thủ tướng Fico đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow để thảo luận về vấn đề này.

Slovakia là quốc gia có hợp đồng với Gazprom của Nga. Nước này cần 4 đến 5 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm để đáp ứng nhu cầu của mình và đã nhận khoảng 3 tỷ mét khối từ Nga qua Ukraine.

Theo Reuters

Cùng chuyên mục

Đọc thêm