Kinh doanh

Mất mùa, mất giá, nông dân trồng sầu riêng loay hoay với bài toán cadimi

Vào mùa thu hoạch sầu riêng, thay vì phấn khởi, nhiều nhà vườn ở Tiền Giang lại ngậm ngùi vì cảnh “mất mùa - mất giá - khó xuất khẩu”. Đặc biệt, vấn đề nhiễm cadimi - một kim loại nặng từng khiến nhiều lô hàng bị trả về, tiếp tục là nỗi lo lớn với nông dân.

Song, phần lớn người người nông dân hiện nay lại mù mờ về nguyên nhân, cách phòng ngừa và không nhận được hướng dẫn chính thức từ cơ quan chuyên môn.

Cú đòn kép: Mất mùa - Mất giá

Ông Lê Văn Phi (xã Long Tiên, huyện Cái Bè) cho biết, nhà ông trồng khoảng 1 hecta sầu riêng. Tuy nhiên, năm nay mưa gió, trái rụng nhiều nên năng suất không cao. Vườn của ông dự thu khoảng 5 tấn, song trái bị sâu, bị hư cũng nhiều.

“Mọi năm cây 100 trái thì đậu 90, nay chỉ còn 30 - 40 trái, có cây chỉ đậu được 10 trái”, ông Phi nói.

Cùng với mất mùa, giá sầu riêng năm cũng được người dân đánh giá là “rớt đáy” khi giá tại vườn chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg. Với giá thấp như hiện nay, bà con trồng sầu rơi vào tình trạng gồng lỗ.

Mất mùa, mất giá, nông dân trồng sầu riêng loay hoay với bài toán cadimi - 1
Mất mùa, mất giá, nông dân trồng sầu riêng loay hoay với bài toán cadimi - 2

Giá sầu riêng tại vườn ở Tiền Giang hiện chỉ giao động ở mức 35.000 - 48.000 đồng/kg.

“Đầu mùa tới nay vườn nhà tôi bán giá dao động khoảng 35.000 - 48.000 đồng/kg. Giá này thì lỗ nặng, không đủ chi phí đầu tư, phân thuốc, công cán. Phải bán được khoảng 70.000 đồng/kg mới bắt đầu có lời. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây”, ông Phi thở dài.

Tương tự, ông Lê Kim Kha (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) cho hay, giá sầu riêng năm nay giảm hơn phân nửa so với năm ngoái.

“Năm rồi khoảng 100.000 đồng/kg, năm nay chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng/kg, có lúc chỉ còn 30.000 đồng. Với mức giá này, bà con rất khó có lời vì chi phí trồng sầu riêng rất cao”, ông Kha cho hay.

Cũng theo ông Kha, năm nay, ngoài giá thấp, thời tiết rất khắc nghiệt khiến bông ra nhiều nhưng đậu trái thấp. Nhiều cây rụng trái liên tục, có cây còn lại chỉ 10 - 20 trái. Vừa mất mùa, vừa mất giá nên thiệt hại kép.

Ngoài người nông dân trực tiếp trồng sầu riêng, thương lái cũng chịu rủi ro lớn khi giá thị trường có thể tụt mạnh sau vài ngày chốt mua với nhà vườn.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh (thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy), người hơn 20 năm gắn với nghề thương lái trái sầu riêng khẳng định, so với mọi năm, năm nay nhà vườn trồng sầu riêng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên do Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát chất vàng O và cadimi.

“Nếu nói ảnh hưởng đầu tiên thì cứ phải nói đến người trồng trực tiếp đã, rồi các khâu tiếp theo, mỗi khâu đều có ảnh hưởng riêng. Tuy nhiên nói chung, người dân năm nay đang gặp khó khăn kép, là mất mùa, mất cả giá”, ông Khanh nói.

“Nghe nói bị cadimi, mà cadimi là cái gì thì đâu có biết…”

“Nhiễm cadimi” - cụm từ trở nên quen thuộc với nông dân sau khi sầu riêng bị trả về từ Trung Quốc. Thế nhưng, khi hỏi cadimi là gì và vì sao lại có trong sầu riêng, phần lớn nhà vườn chỉ lắc đầu.

“Nghe nói sầu riêng bị nhiễm cadimi, mà bản thân mình là nông dân đâu có biết cadimi là gì, nhiễm từ đâu”, ông Lê Văn Phi nói.

Ông Lê Kim Kha (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy).

Ông Lê Kim Kha (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy).

Theo ông Phi, phân lân thường được dùng để xử lý gốc cây trong giai đoạn đầu mùa, và đây có thể là nguồn nhiễm cadimi: “Phân lân lâu tan, nó nằm dưới đất, cây hút lên thì có thể nhiễm vào trái. Nhưng mình cũng chỉ đoán thôi, coi trên mạng chứ đâu có ai xuống giải thích cụ thể”.

Còn ông Lê Kim Kha cho rằng, vấn đề cadimi có thể một số người biết nhưng số lượng rất ít, đa số nông dân không hiểu rõ về vấn đề này. Chính ông cũng vậy.

“Theo tôi, cadimi có thể nhiễm từ phân lân, vì khi nông dân xử lý gốc cây, họ thường dùng phân lân trước khi xử lý các yếu tố khác”, ông Kha phỏng đoán.

Khi được hỏi liệu nông dân có biết cách phòng tránh nhiễm cadimi hay không, ông Kha thở dài: “Nếu biết chính xác nó do đâu thì đã dễ xử lý, còn bây giờ chúng tôi chỉ phỏng đoán từ phân lân, nên hạn chế sử dụng thôi. Được hay không chưa biết”.

Hầu hết người dân khi được hỏi về cách kiểm soát cadimi đều thừa nhận khó có thể xử lý tận gốc vì nhiều lý do: sản xuất manh mún, thiếu quản lý nhà nước, thiếu phòng xét nghiệm, không có kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn.

“Mình trồng ở đây hơn chục năm, làm y như cũ, phân thuốc cũng vậy, mà năm nay tự nhiên lại bị. Không biết do đâu”, ông Kha nói thêm.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh vào tận vườn sầu riêng thu mua từ người dân.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh vào tận vườn sầu riêng thu mua từ người dân.

Vì lo ngại cadimi, nhiều nhà vườn chọn cách giảm tối đa lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, điều này lại khiến cây dễ bị sâu bệnh tấn công.

“Giờ sầu riêng vào mùa rồi, quả đang lớn thì lại sâu rất nhiều. Không xịt thuốc thì nó ăn nát hết trái, mà xịt thì sợ nhiễm cadimi, không bán được. Mình kẹt hai đầu”, ông Nguyễn Tuấn Khanh nói.

Một số nông dân đã chủ động chuyển sang sử dụng những loại thuốc mới “ít kim loại nặng”, tuy nhiên cũng chỉ dựa vào lời quảng cáo của người bán hoặc tự tra cứu. Việc thiếu cơ sở khoa học kiểm chứng, thiếu kênh thông tin chính thống đang khiến người nông dân “mò mẫm trong bóng tối”.

Mong mỏi sự vào cuộc từ cơ quan chức năng

Hầu hết người dân đều cho hay, dù họ muốn thay đổi, dùng vật tư an toàn, thuốc ít tồn dư hơn… nhưng không biết lựa chọn nào đúng. Họ chỉ có thể nghe theo lời tư vấn của đại lý hoặc công ty bán thuốc.

“Mấy hãng vật tư làm hội thảo thì kỹ sư có xuống nói, nhưng cũng không biết thuốc đó có đảm bảo không, vì không ai kiểm tra”, ông Lê Văn Phi lo lắng.

Mất mùa, mất giá, nông dân trồng sầu riêng loay hoay với bài toán cadimi - 5
Mất mùa, mất giá, nông dân trồng sầu riêng loay hoay với bài toán cadimi - 6

Các vườn sầu riêng tại Tiền Giang hầu hết đều được gắn mã vùng trồng, chăm sóc kỹ lưỡng.

Nói về mong muốn, hầu hết bà con đều mong mỏi chung một điều: Muốn có sự vào cuộc từ cơ quan chức năng, muốn được hỗ trợ về mặt khoa học và quản lý. Hiện nay, mọi giải pháp đang mang tính “tự phát”, khiến nông dân phải gồng mình gánh đủ rủi ro.

“Làm nông thì ai chẳng muốn trái đẹp, sạch, bán được giá. Nhưng muốn làm đúng phải có người chỉ, phải biết rõ mình đang sai ở đâu, cái gì nhiễm cadimi, nhiễm từ đâu. Người dân chủ động lắm chứ, nhưng chỉ biết cách nào để né thì cũng khó. Cái gì cũng phải dựa vào khoa học chứ đâu đoán mò được”, ông Phi nói thêm.

Anh Phạm Quốc Khánh, nhân viên kỹ thuật của Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) khẳng định, hiện nguồn thông tin về cadimi nhiễm từ đâu vẫn chưa được xác thực.

Theo anh Khánh, vấn đề cadimi trong sầu riêng đang là mối lo ngại lớn đối với nông dân và người tiêu dùng. Việc thiếu thông tin chính thống khiến nông dân khó xác định nguyên nhân và biện pháp phòng tránh: “Nông dân muốn thay đổi nhưng thiếu thông tin và hướng dẫn cụ thể.”

Mặc dù nông dân sẵn sàng áp dụng các biện pháp mới nếu có hướng dẫn rõ ràng, nhưng hiện tại chưa có chương trình đào tạo hoặc hỗ trợ kỹ thuật đầy đủ.

Mất mùa, mất giá, nông dân trồng sầu riêng loay hoay với bài toán cadimi - 7
Mất mùa, mất giá, nông dân trồng sầu riêng loay hoay với bài toán cadimi - 8

Sầu riêng mất mùa, mất giá, khiến người dân hứng cú đòn kép.

Để hỗ trợ nông dân, anh Khánh kiến nghị cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhà khoa học và hợp tác xã để xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.

“Chúng tôi mong Nhà nước và các nhà khoa học vào cuộc, đo đạc, phân tích rõ nguyên nhân nhiễm cadimi từ đâu. Đồng thời cần hỗ trợ bà con tiếp cận thuốc, phân bón an toàn, có giải pháp căn cơ để bà con yên tâm sản xuất, đảm bảo chất lượng cho xuất khẩu.

Có như vậy, người nông dân mới đủ tự tin làm nông sản sạch, đạt chuẩn xuất khẩu mà không phải dò dẫm giữa rừng thông tin mù mờ”, anh Khánh kiến nghị.

Các tin khác

Vụ ô tô tông liên hoàn 6 xe máy ở Hà Nội: Tài xế có được rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn?

Hành vi rời khỏi hiện trường sau tai nạn nếu nhằm trốn tránh trách nhiệm có thể bị xem xét là tình tiết tăng nặng. Vấn đề này cần được xử lý nghiêm minh để bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, hành vi bỏ trốn sau tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật.

Thông tin mới liên quan nợ thuế, tạm hoãn xuất cảnh

Cơ quan thuế đã có giải pháp kết nối dữ liệu đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an. Theo đó, người nộp thuế có thể được gỡ bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh ngay sau khi nộp số tiền thuế đang nợ.

Xiaomi trở lại top 2 thị phần smartphone Việt Nam

Theo báo cáo mới nhất từ hãng nghiên cứu thị trường Canalys, Xiaomi chính thức quay trở lại vị trí top 2 tại thị trường smartphone Việt Nam trong quý 1/2025 với 19% thị phần phân phối, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Kaspersky công bố "đại dịch" ransomware 2025

Trong báo cáo về mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware) 2025, hãng bảo mật Kaspersky cho biết tuy số lượng có giảm nhưng mức độ nguy hiểm và lượng người bị ảnh hưởng tăng.